Chủ nhật, 24/11/2024, 01:58[GMT+7]

Bám sát thực tiễn đất nước để triển khai công tác Mặt trận

Thứ 3, 27/12/2022 | 15:45:56
1,522 lượt xem
Sáng 27/12, tại Hà Nội, khai mạc Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 7 khóa IX.

Quang cảnh hội nghị.

Các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chủ trì hội nghị.

Cùng dự, có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Văn Gấu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.

Phát biểu ý kiến khai mạc, đồng chí Đỗ Văn Chiến cho biết, hội nghị tiến hành xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong đó, thảo luận và thông qua báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2022, chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2023 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Các đại biểu dự hội nghị cho ý kiến vào các dự thảo: Báo cáo kết quả công tác giám sát, phản biện xã hội năm 2022 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Báo cáo tình hình các tầng lớp nhân dân năm 2022; Báo cáo tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và công tác vận động kiều bào của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2022; Báo cáo kết quả công tác thi đua, khen thưởng năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hội nghị còn hiệp thương cử bổ sung, thay thế Ủy viên Ủy ban, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX theo tờ trình của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị Hội nghị phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ thảo luận, đánh giá đúng đắn những kết quả đạt được của công tác Mặt trận năm 2022, chỉ rõ hạn chế, nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 nhằm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX đã đề ra.

Đời sống nhân dân gặp nhiều thách thức

Theo dự thảo Báo cáo Tổng hợp tình hình nhân dân năm 2022 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Năm 2022, nhân dân phấn khởi trước quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi kinh tế gắn với các giải pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhân dân còn băn khoăn các ngành kinh tế phục hồi chưa đồng đều và thật sự bền vững, sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, nợ xấu có xu hướng tăng; áp lực lạm phát gia tăng; thị trường xuất khẩu thu hẹp; giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm; chính sách tiền tệ và chống dịch của các nước có nhiều thay đổi khác nhau gây khó khăn, bất lợi cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trong nước; giá cả nguyên vật liệu đầu vào chưa ổn định, đặc biệt là giá xăng dầu có thời điểm tăng quá cao và khan hiếm, làm đảo lộn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Bên cạnh đó, người dân lo lắng trước tình trạng thất nghiệp của nhiều công nhân, lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại các địa phương, nhất là vào thời điểm cuối năm. Theo báo cáo bước đầu của 21 tỉnh, thành phố, tổng số công nhân, người lao động bị ảnh hưởng do cắt giảm giờ làm và ngừng hợp đồng lao động (thất nghiệp) có khoảng 423.741 người.

Trong lĩnh vực y tế, người dân lo lắng trước trước tình trạng trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, cho nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm tại một số địa phương và đơn vị, mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.

Thời gian qua, người dân còn lo lắng và bất an trước tình trạng các đối tượng sử dụng thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua internet và các trang mạng xã hội, với phương thức: giả mạo các cơ quan, tổ chức như Công an, Viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng; tạo lập website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, lôi kéo đầu tư kinh doanh tiền ảo; hoặc thông qua việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội, làm quen và gửi quà có giá trị cao, số tiền lớn từ nước ngoài về Việt Nam...

Nhân dân phản ánh tình trạng nhiều người bị lừa bán ra nước ngoài, bị bóc lột sức lao động vì tin vào lời hứa đi "làm việc nhẹ, lương cao"; các đối tượng đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia và lừa đảo đưa người lao động vào cơ sở kinh doanh, sản xuất giữa rừng sâu, khu vực hẻo lánh, ít người hoặc casino, sòng bài "trá hình".

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, tính đến ngày 24/9/2022, phía Việt Nam đã phối hợp cùng phía Campuchia giải cứu hơn 1.200 công dân…

Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội

Dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội năm 2023 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết: Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, thực chất, nền nếp hơn, trong đó tập trung lựa chọn những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm, bức xúc.

Qua giám sát, Ban Thường trực và các tổ chức chính trị-xã hội đã kịp thời có những kiến nghị cụ thể gửi Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan. Các nội dung kiến nghị sau giám sát được Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan kịp thời có văn bản phúc đáp và chỉ đạo thực hiện.

Các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục phát huy được vai trò chủ động trong hoạt động giám sát, tập trung vào giám sát cụ thể, phát huy tính đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho thành viên, hội viên của tổ chức mình; phát huy có hiệu quả vai trò của đoàn viên, hội viên, người có uy tín, kinh nghiệm tham gia công tác giám sát, góp phần nâng cao chất lượng giám sát của các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Về tổ chức phản biện trong năm 2022 có nhiều điểm mới, được chuẩn bị kỹ lưỡng, trước khi tổ chức hội nghị phản biện, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội đã tổ chức các tọa đàm chuyên sâu, dự kiến những nội dung chính cần phản biện; phát huy được sức mạnh của hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, có sự tham gia tích cực của các Hội đồng tư vấn, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt phát huy được vai trò của truyền thông, báo chí, lan tỏa được kết quả, ý kiến phản biện đến các tầng lớp nhân dân.

Hoạt động phản biện đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo coi trọng, tiếp thu tối đa, những ý kiến đều có giải trình cụ thể. Sau phản biện, Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục phối hợp cùng với các cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý hoàn thiện các dự thảo Luật, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức thành viên, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày