Thứ 2, 18/11/2024, 09:37[GMT+7]

Ngày làm việc thứ chín, kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII Chính phủ trình dự án Luật Tiếp công dân

Thứ 5, 30/05/2013 | 13:59:50
882 lượt xem
Mở đầu phiên họp sáng 29-5, QH đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình về dự án Luật Tiếp công dân, trong đó nêu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tiếp công dân thời gian qua; thực trạng các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân và sự cần thiết xây dựng dự án luật nhằm quán triệt các quan điểm của Ðảng về công tác tiếp công dân.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.

Dự thảo luật gồm mười chương, 61 điều quy định việc tổ chức, hoạt động tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người tiếp công dân; quản lý công tác tiếp công dân; điều kiện bảo đảm hoạt động tiếp công dân.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH do Chủ nhiệm Phan Trung Lý trình bày tán thành với Tờ trình về sự cần thiết ban hành luật này. Tuy nhiên, nhiều thành viên Ủy ban còn băn khoăn về nhiều vấn đề cụ thể của dự thảo luật.

Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành luật này và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH. Ðồng thời, các ý kiến phát biểu đã tập trung làm rõ thêm nhiều vấn đề cụ thể. Ðáng chú ý là, quy định tại khoản 5, Ðiều 1, sửa đổi, bổ sung Ðiều 9 luật hiện hành quy định về khoản chi phí được trừ, không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên khống chế trần chi phí quảng cáo, tiếp thị 15%. Ðại biểu Ðỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, những khoản chi quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu không cần phải khống chế theo tỷ lệ 10% hay 15% trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hãng nước ngoài bán hàng vào thị trường Việt Nam có tiềm lực mạnh, thương hiệu lớn và có nguồn lực tài trợ từ công ty mẹ nước ngoài để chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp Việt Nam, thì doanh nghiệp Việt Nam có thể bị thua ngay trên sân nhà bởi chính quy định của Việt Nam.

Vấn đề thứ hai thu hút nhiều đại biểu thảo luận là mức thuế suất (khoản 6 - Ðiều 1 sửa đổi, bổ sung Ðiều 10 Luật hiện hành). Dự thảo quy định mức thuế suất là 22% (quy định hiện hành là 25%). Một số ý kiến tán thành quy định tại dự thảo, nhưng một số ý kiến đề nghị nêu quy định mức thuế suất là 20%. Loại ý kiến này lập luận rằng, về nguyên tắc thì thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên thu nhập chịu thuế, nghĩa là doanh nghiệp kinh doanh có lãi mới phải nộp thuế. Thuế suất cao mà lãi ít thì thuế thu cũng không nhiều, nhưng thuế vừa phải mà doanh nghiệp có lãi thì ngân sách vẫn có thu, cho nên mức thuế suất cao hay thấp cũng chỉ là một khía cạnh của vấn đề trong chiến lược cải cách thuế. Ðến năm 2020, chúng ta đã có kế hoạch đưa xuống 20% và thấp hơn vào những năm sau đó. Hiện tại và một vài năm tới, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, và tới đây khi thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế thì doanh nghiệp đang hoạt động phải xử lý gánh nặng về tài chính như là hệ lụy của giai đoạn phát triển nóng. Vì vậy nếu ta đưa ngay xuống 20% thì thể hiện sự động viên doanh nghiệp, khoan thư sức dân, Nhà nước cùng doanh nghiệp chia sẻ khó khăn, tạo động lực và niềm tin cho doanh nghiệp.

Buổi chiều, QH nghe Ủy viên Ủy ban TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của QH Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo của Ủy ban TVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh (QP-AN).

Thảo luận về dự thảo luật nói trên, phần lớn ý kiến phát biểu tán thành sự cần thiết ban hành luật nhằm giáo dục cho công dân đường lối của Ðảng, nhiệm vụ QP-AN, kỹ năng quân sự cần thiết. Vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là, đối tượng áp dụng của luật. Ðại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, giáo dục QP-AN trong hệ thống giáo dục phổ thông nhằm trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản về QP-AN, nhất là tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm. Tuy nhiên, không nên quy định nội dung về QP-AN trở thành môn học chính khóa mà nên tổ chức thành môn học riêng và được tổ chức vào dịp đầu hè nhằm giảm tải chương trình môn học chính khóa cho học sinh. Theo đại biểu Lê Hiền Vân (Hà Nội), trong bối cảnh hiện nay cần tăng cường giáo dục QP-AN trong các nhà trường, nhất là các trường đại học và coi đây là môn học chính khóa. Vì học sinh, sinh viên đều ở lứa tuổi thanh niên, đây cũng là nhóm lứa tuổi cần được trang bị kiến thức về QP-AN và ý thức trách nhiệm trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc để tự giác thực hiện.

Liên quan đến nhóm đối tượng là người lao động, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) đề nghị, cần tăng cường giáo dục QP-AN cho người lao động tại các doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ, công chức tại các cơ quan nhà nước, gắn với trách nhiệm với người đứng đầu. Ðề cập các nhóm đối tượng áp dụng của luật, các đại biểu Phạm Văn Tam (Hà Nam), Khúc Thị Duyền (Thái Bình) đề nghị, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách tiến tới trang bị kiến thức QP-AN cho toàn dân. Ðiều này góp phần tạo sức mạnh tập thể, thống nhất trong ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần ổn định xã hội.

Một số đại biểu đề nghị, nên quy định người Việt Nam công tác, học tập tại nước ngoài sau khi hết thời hạn hoặc tốt nghiệp về nước phải được bồi dưỡng, giáo dục kiến thức QP-AN để  bảo đảm sự bình đẳng. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, quy định như vậy không cần thiết vì người Việt Nam công tác ở nước ngoài chủ yếu là cán bộ, công chức ở các cơ quan đại diện của Việt Nam đều đã qua các khóa giáo dục QP-AN theo đối tượng trước khi nhận nhiệm vụ, khi hết thời hạn về nước nếu được bổ nhiệm hoặc bầu giữ chức vụ cao hơn thì phải tham gia bồi dưỡng theo quy định. Người Việt Nam học tập ở nước ngoài về nước nếu đã tốt nghiệp các trường nghề, cao đẳng, đại học thì khi được tiếp nhận vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức sẽ được giáo dục QP-AN phù hợp với các đối tượng quy định tại Luật này. Người còn tiếp tục học tập trong các cơ sở giáo dục đào tạo thì học môn giáo dục QP-AN theo chương trình tương ứng.

Theo nhandan

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày