Ngày làm việc thứ 17, Kỳ họp thứ năm, QH khóa XIII Thảo luận ba dự án luật
Mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, nêu rõ: Sau tám năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng và từ tình hình thực tiễn công tác thi đua, khen thưởng ở các cấp, các ngành, Chính phủ thấy cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật. Trong tổng số 103 điều của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 44 điều (được sửa đổi, bổ sung từ Chương I đến Chương IV), trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng. Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến quy định chung, nguyên tắc khen thưởng, thẩm quyền ban hành hình thức thi đua, khen thưởng và thủ tục hồ sơ xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này. Theo đó, Ủy ban nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định hiện hành và tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Ban soạn thảo dự án Luật đã tiến hành tổng kết tám năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, bảo đảm hồ sơ và tiến độ theo quy định của pháp luật. Dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết đặt ra trong quá trình tổng kết thực hiện Luật. Ðồng thời, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu để khi có điều kiện sẽ tiến hành sửa đổi một cách căn bản và toàn diện Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm và nội dung của Ðề án đổi mới công tác thi đua - khen thưởng trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú có sửa đổi, bổ sung các quy định về hành vi bị nghiêm cấm; về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; về thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp; về đăng ký tạm trú; về lưu trú và thông báo lưu trú. Ðây là vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm đóng góp ý kiến. Các đại biểu Touneh Drong Minh Thắm (Lâm Ðồng), Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Lù Thị Lừu (Lào Cai) và nhiều đại biểu khác cho rằng, các nội dung sửa đổi, bổ sung này chưa thật sự bao quát toàn diện các vấn đề trong công tác quản lý cư trú, chưa tương xứng với yêu cầu, mục đích, quan điểm như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, chưa sát với thực tế cuộc sống.
Hiện nay, ở miền núi, vùng sâu, vùng xa... có hiện tượng người dân ở nơi khác tìm mọi cách đăng ký thường trú để được hưởng các chính sách, chế độ ưu tiên, hỗ trợ của Nhà nước. Ðây là một vấn đề rất cần được giải quyết triệt để. Các đại biểu này đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu và mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung luật này cho phù hợp thực tế hiện nay. Ðại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nêu lên thực trạng sử dụng lao động trẻ em bất hợp pháp, bóc lột sức lao động trẻ em... đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước. Ðể giải quyết vấn đề này, cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ về việc đăng ký tạm trú, thường trú đối với trẻ em vị thành niên. Cụ thể là những trẻ em dưới 18 tuổi khi đăng ký thường trú, tạm trú ở đâu phải có giấy tờ chứng minh thân nhân và ý kiến của người giám hộ bằng văn bản có xác nhận của các cơ quan chức năng...
Về bổ sung điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc T.Ư, theo dự thảo Luật thì ngoài quy định phải có chỗ ở hợp pháp thì công dân còn phải đáp ứng điều kiện về thời gian tạm trú là một năm (giữ thời hạn như quy định hiện hành) nếu đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc T.Ư hoặc là hai năm nếu đăng ký thường trú vào quận của các thành phố này. Ðồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc T.Ư khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì còn phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HÐND thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân và phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Ðối với nội dung này, nhiều đại biểu nhất trí với dự thảo Luật, nhưng một số ý kiến cho rằng, người đi thuê nhà ở rất khó khăn trong việc được người cho thuê đồng ý cho đăng ký thường trú trên địa chỉ của mình bởi lo ngại những tranh chấp dân sự có thể xảy ra, cho nên người dân rất khó có thể đăng ký thường trú cho dù đã sống ổn định lâu năm. Từ thực tế đó, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Cạn) và một số đại biểu khác đề nghị: Bỏ quy định công dân muốn đăng ký thường trú phải được người cho thuê nhà ở đồng ý bằng văn bản; chỉ quy định có chỗ ở hợp pháp là được đăng ký thường trú.
Chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp
Buổi chiều, thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, đa số ý kiến phát biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung, nhằm khắc phục những hạn chế của luật hiện hành.
Theo các đại biểu Trương Thị Mai (Lâm Ðồng), Lê Ðình Khanh (Hải Dương), cần chú trọng khen thưởng những người lao động trực tiếp, nhất là những công nhân, những cán bộ, chiến sĩ công tác tại những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo nhằm khuyến khích người lao động trực tiếp vươn lên trong sản xuất, góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội, cũng như khích lệ, động viên các cán bộ, chiến sĩ công tác tại những vùng khó khăn, gian khổ. Thực tế thời gian qua, chúng ta chú trọng đến việc khen thưởng đối với những người có thành tích là cán bộ lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị. Ðiều này tạo sự mất cân bằng, thậm chí thiếu công bằng trong việc xét và tặng thưởng các danh hiệu thi đua. Một số đại biểu nêu, hiện nay có tình trạng "chạy" các danh hiệu thi đua để được lên lương trước thời hạn, bổ nhiệm vào các vị trí cao hơn. Cùng với đó, hiện tượng "chạy" danh hiệu thi đua còn xuất hiện trong các cấp học phổ thông như danh hiệu học sinh giỏi. Ðiều này khiến công tác thi đua, khen thưởng bị mất đi ý nghĩa tốt đẹp vốn có và tạo sự hoài nghi đối với các danh hiệu thi đua. Do vậy, cần có quy định cụ thể, chặt chẽ trong việc xét duyệt, bảo đảm công bằng trong công tác thi đua, khen thưởng.
Ðề cập đến đối tượng được khen thưởng, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật nên mở rộng các đối tượng được khen thưởng, nhất là các danh hiệu cấp Nhà nước. Ðại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) nêu rõ, mở rộng đối tượng được phong tặng các danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động là cần thiết, nhằm suy tôn các tập thể, cá nhân có thành tích trong học tập, công tác và chiến đấu. Ðại biểu này cũng tán thành với quy định trao Huân chương Sao Vàng tặng người đứng đầu Nhà nước khác trong hoạt động ngoại giao. Nhiều ý kiến cũng đề nghị, khen và thưởng phải đi đôi với nhau, nhằm khích lệ, động viên cả về tinh thần và vật chất đối với những người có đóng góp cho đất nước, cho xã hội.
Sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Thảo luận về dự án Luật Việc làm, nhiều đại biểu tán thành việc lập Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) như quy định trong dự thảo Luật. Ðiều này nhằm tạo hành lang pháp lý và hỗ trợ người mất việc làm ổn định đời sống và nhanh chóng tìm được việc làm mới. Tuy nhiên, các ý kiến phát biểu cũng đề nghị, cần có cơ chế kiểm soát để Quỹ BHTN hoạt động hiệu quả, đúng mục đích đề ra, vì thực tế nhiều trường hợp lợi dụng quỹ này để trục lợi cá nhân đã bị phát hiện xử lý thời gian qua.
Ðề cập các hình thức hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động, đại biểu Ðặng Ðình Luyến (Khánh Hòa) nêu, mỗi năm có khoảng 1,7 triệu người bước vào độ tuổi lao động, điều này gây sức ép rất lớn lên thị trường lao động. Do vậy, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh nhằm tạo thêm việc làm mới. Nhiều đại biểu đề nghị, cần có cơ chế khuyến khích về vốn, về chính sách đối với các doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm, những doanh nghiệp có nhiều lao động nữ, lao động là người khuyết tật. Ðiều này không chỉ giải quyết vấn đề việc làm mà còn là vấn đề xã hội. Cùng chung quan điểm nêu trên, đại biểu Ðỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) đề nghị, các ngành chức năng cần có cơ chế tạo việc làm ngay tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giúp người nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện làm việc và thu nhập ngay trên quê hương mình. Ðiều này không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống mà còn giảm sức ép về việc làm, về dân số lên các đô thị lớn.
Theo nhandan
Tin cùng chuyên mục
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân: Đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 07.06.2024 | 18:53 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
Xem tin theo ngày
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường