Thứ 4, 20/11/2024, 08:44[GMT+7]

Khai mạc Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ 4, 11/10/2023 | 11:01:33
1,441 lượt xem
Sáng 11/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 27, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/10. (Ảnh: DUY LINH).

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phiên họp dự kiến diễn ra trong 5 ngày, khối lượng công việc nhiều, tính chất phức tạp, độ khó cao, thời gian gấp rút. Do đó, đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần các phiên họp trước để cho ý kiến vào các nội dung, bảo đảm chất lượng phiên họp tốt nhất.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 16 nhóm nội dung quan trọng.

Nhóm vấn đề thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến đối với 12 nội dung phải chuẩn bị để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, trong đó có các nội dung liên quan đến kinh tế-xã hội, gồm: đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về vấn đề tài chính ngân sách bao gồm tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024. Trong đó, có tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024 và lộ trình, các phương án để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, dự kiến tiến hành từ 1/7/2024.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022; xem xét nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư.

“Nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022; trong số này có nguồn rất lớn, khoảng 78 nghìn tỷ đồng để bổ sung vào quỹ cải cách chính sách tiền lương”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2023.

Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Đồng thời, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023, trong đó, tổng hợp cả nội dung báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước; tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo thông lệ, tại phiên khai mạc kỳ họp cuối năm thì ngay trong ngày khai mạc đầu tiên, các báo cáo trên đây sẽ được trình bày trước Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng để tham gia ý kiến cụ thể, làm cơ sở cho Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ và Ban Dân nguyện phản ánh đầy đủ, khái quát, trung thực các ý kiến phản ánh và nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước về những vấn đề lớn phải báo cáo với Quốc hội.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày