Thứ 4, 20/11/2024, 06:20[GMT+7]

Giải quyết tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật

Thứ 6, 13/10/2023 | 08:27:42
2,222 lượt xem
Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 18, ngày 12/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chủ trì phiên họp.

Báo cáo kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân từ Trung ương đến địa phương.

Quá trình rà soát có sự phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan. Các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương đã tổ chức rà soát cơ bản đầy đủ đối với những văn bản thuộc đối tượng và phạm vi rà soát. Việc tổng hợp, phân loại, nghiên cứu, cho ý kiến độc lập và việc đề xuất xử lý đối với kết quả rà soát của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, hiệp hội và phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, bài bản.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo. 

Báo cáo ý kiến nghiên cứu về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh, các cơ quan của Quốc hội đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm của Chính phủ trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 101. Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, phạm vi rà soát mà Chính phủ đã thực hiện cơ bản bám sát yêu cầu của Nghị quyết số 101.

Các cơ quan của Quốc hội đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm của Chính phủ trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 101. Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, phạm vi rà soát mà Chính phủ đã thực hiện cơ bản bám sát yêu cầu của Nghị quyết số 101.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển


Đối với mỗi lĩnh vực thuộc phạm vi rà soát, các văn bản được rà soát cơ bản đầy đủ và bảo đảm tính hệ thống từ luật, nghị quyết, pháp lệnh tới các văn bản quy định chi tiết thi hành; đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, có ý kiến cụ thể đối với các những nội dung được các cơ quan kiến nghị, đề xuất và hướng xử lý, bảo đảm tính toàn diện về phạm vi rà soát theo yêu cầu của Quốc hội. 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển trình bày báo cáo ý kiến nghiên cứu. 

Về cơ bản, các cơ quan của Quốc hội tán thành với đánh giá về những mặt tích cực, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân được nêu tại Báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, để có thể hạn chế, từng bước giải quyết một cách dứt điểm tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập, không phù hợp thực tiễn trong các văn bản quy phạm pháp luật thì cần nhận thức, phân tích đúng tình hình, chỉ ra được những nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng này để từ đó mới có thể đề xuất được các giải pháp đúng trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá.

Trên cơ sở những nội dung thẩm tra đã nêu trong Báo cáo, để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện pháp luật, hạn chế ở mức thấp nhất tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật, các ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong công tác thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; cương quyết không bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, không tiến hành thẩm tra đối với các dự án, dự thảo không bảo đảm đầy đủ hồ sơ, chất lượng, tiến độ theo quy định...

Tổ chức giám sát chuyên đề, tổ chức giải trình về việc thực hiện pháp luật trong một số lĩnh vực phức tạp, còn nội dung quy định có dấu hiệu mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp thực tiễn để kịp thời kiến nghị việc hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Quang cảnh phiên họp.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, bảo đảm chất lượng, tránh mâu thuẫn, chồng chéo; tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu nghiêm túc ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Theo: nhandan.vn

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày