Thứ 5, 14/11/2024, 11:15[GMT+7]

Xây dựng Luật Thủ đô để “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”

Thứ 7, 11/11/2023 | 07:31:32
2,046 lượt xem
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng và nhiệm vụ phát triển của TP Hà Nội đến năm 2050 để thúc đẩy, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu (Ảnh: KT).

Chiều 10/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự thảo luật này có tầm quan trọng đặc biệt. Bởi Thủ đô Hà Nội là một đô thị đặc biệt, đồng thời là thủ đô của cả nước. 

“Đô thị đặc biệt thì có thể có nhiều nhưng Thủ đô thì chỉ có một” – Chủ tịch Quốc hội nói. Đồng thời nhắc lại, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định là trung tâm đầu não chính trị - hành chính của quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Hà Nội được xác định vừa là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, vừa là bộ mặt, trái tim của cả nước; Thủ đô nghìn năm văn hiến tự hào với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, gần đây Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với lĩnh vực thiết kế. 

Chính vì vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng và nhiệm vụ phát triển của TP Hà Nội đến năm 2050 để thúc đẩy, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và cho cả nước.

“Nhiều đại biểu nói là xây dựng Luật Thủ đô không phải chỉ riêng cho Thủ đô, thực chất là cho cả nước theo tinh thần Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã khởi động từ sớm và đầu tư rất lớn công sức cho dự án luật này. Đồng thời đánh giá, cơ quan trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã làm việc với nhau rất sớm và với Thủ đô. Đảng đoàn Quốc hội và cá nhân Chủ tịch Quốc hội cũng đã trực tiếp làm việc chính thức 2 lần với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, chưa kể những lần làm việc không chính thức.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, dự án luật tuy mới được trình lần đầu song chất lượng khá tốt, đã khắc phục tính chất luật khung, luật ống của luật cũ.  Luật sửa đổi đã tăng 3 chương và 27 điều so với dự án luật cũ. Những quy định lần này mang tính chất quy phạm rất rõ để chúng ta có thể áp dụng được thực thi chứ không phải là luật khung, luật ống nữa. Đồng thời nhấn mạnh, làm sao luật vừa quy định những vấn đề có tính phổ quát của một đô thị đặc biệt nhưng lại vừa có tính đặc thù riêng có của Thủ đô. 

“Thực chất luật này là một đạo luật về cơ chế đặc thù, là đạo luật về giao quyền, phân quyền, phân cấp. Đương nhiên quyền gắn với trách nhiệm” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, việc sửa đổi luật lần này có thuận lợi là Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh với 44 về chính sách, trong đó có 27 chính sách hoàn toàn mới so với những chính sách áp dụng cho các địa phương khác. Do đó, đã có nền tảng để Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa những nội dung này cho phù hợp với Thủ đô hiện nay. 

Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị, Chủ tịch Quốc hội cho biết hiện nay cả nước có 3 địa phương là Đà Nẵng và TP Hà Nội đang thí điểm, TP Hồ Chí Minh chính thức tổ chức chính quyền đô thị. Trong đó, Hà Nội đang thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội. Điểm khác biệt của mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội là ở phường không tổ chức hội đồng nhân dân, còn cấp huyện và cấp tỉnh đều có hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân.

“Hiện nay ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng rất trở ngại là ở cấp quận bỏ Hội đồng nhân dân thì không còn là một cấp ngân sách, chỉ là đơn vị dự toán nên không được bố trí dự phòng ngân sách, không có cơ chế của một cấp ngân sách” – Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Theo Chủ tịch Quốc hội, khi tổng kết và trình Bộ Chính trị về xác định mô hình tới đây thì Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô thấy mô hình chính quyền đô thị như hiện nay là phù hợp và muốn luật hoá nội dung đã đủ "chín" này.

Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội ủng hộ đề xuất tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125 đại biểu).

Bởi vì khi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp ở phường thì Hà Nội đã giảm được khoảng 6.000 người, do đó bay giờ đề xuất tăng 30 biên chế là việc dễ hiểu và hoàn toàn hợp lý.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho ý kiến về việc phân cấp, phân quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

Cụ thể, dự thảo luật quy định Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, pháp luật có liên quan. Trong thời gian Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội không họp, Hội đồng nhân dân Thành phố giao Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định và báo cáo Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp gần nhất các vấn đề như: Quyết định các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn;  Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C quy định tại Luật Đầu tư công; Quyết định việc hỗ trợ cụ thể theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 36 của Luật này căn cứ vào dự toán ngân sách hằng năm được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ủng hộ việc giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân Hà Nội một số nhiệm vụ,  quyền hạn riêng và cần phải tính toán cho phù hợp. “Nếu thực tiễn Hà Nội tốt thì sau này chúng ta phổ quát hoá chuyện này. Nhiều việc thay đổi, diễn biến nhanh, cứ chờ Hội đồng nhân dân họp hoặc họp bất thường thì rất khó khăn” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo: dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày