Thứ 3, 19/11/2024, 19:30[GMT+7]

Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực để phát triển đất nước

Thứ 5, 16/11/2023 | 08:39:24
1,722 lượt xem
Sáng 15/11 (theo giờ địa phương) tại San Francisco, Hoa Kỳ, phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: Đối ngoại có vai trò rất quan trọng, tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín quốc gia. Việt Nam xác định, ba chủ thể đối ngoại quan trọng là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân; toàn diện về đối tác, cả song phương và đa phương, nhà nước, tổ chức chính trị, các tổ chức xã hội, kinh tế, người dân; toàn diện các lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh...

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

Cùng dự buổi trao đổi có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, cùng các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành ủy.

Đến dự, có các đông đảo các đại biểu quốc tế là các nhà ngoại giao, các học giả, các nhà nghiên cứu.

Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ Michael Froman đã trân trọng chào đón và phát biểu chào mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến với chương trình trao đổi.

Cảm ơn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ (CFR) đã tổ chức trao đổi về tình hình thế giới, tình hình Việt Nam, đường lối đối ngoại của Việt Nam và quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, Chủ tịch nước cho rằng: Cuộc trao đổi này rất ý nghĩa khi thế giới đang trải qua nhiều thay đổi, ngay trước Tuần lễ cấp cao APEC 2023 và chỉ sau hai tháng Việt Nam-Hoa Kỳ nâng quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Cuộc trao đổi hôm nay có thêm ý nghĩa khi diễn ra tại thành phố San Francisco, nơi các quốc gia đã ký kết Hiến chương thành lập Liên hợp quốc trên tro tàn của Chiến tranh thế giới lần thứ II, sự kiện lịch sử ấy thể hiện nguyện vọng chính đáng của các dân tộc về hòa bình và phát triển.

Đánh giá cao uy tín và những đóng góp của CFR trong việc thông tin, phân tích sâu về các vấn đề quốc tế và tham vấn chính sách đối ngoại, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ: Những hoạt động hợp tác trong nhiều năm qua giữa CFR với Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc và phát triển quan hệ giữa hai nước.

Chủ tịch nước cho biết: Thế giới dường như đang chịu tác động mạnh mẽ của ba xung lực lớn. Một là, tính bất ổn và bất định gia tăng, cơ hội đan xen với thách thức, đòi hỏi các quốc gia phải tăng cường khả năng thích ứng và đề cao hợp tác quốc tế. Hai là, thế giới đang quá độ sang cục diện đa cực, đa trung tâm và chịu ảnh hưởng, tác động bởi sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ. Ba là, châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là khu vực phát triển năng động nhất, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, liên kết kinh tế và chứng kiến sự vươn lên của những cường quốc mới, nhưng cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến căng thẳng, đối đầu nếu không kiểm soát tốt.

Chủ tịch nước nhận định: Xu thế lớn của thế giới vẫn là hòa bình, hợp tác, phát triển, nhưng trở ngại, khó khăn nhiều hơn, diễn biến nhanh chóng hơn, phức tạp hơn, khó dự đoán hơn; cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; bùng nổ những cuộc xung đột và chiến tranh ở các khu vực; gia tăng chạy đua vũ trang, đặc biệt là nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân và chiến tranh hạt nhân. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn những rủi ro lớn, việc giải quyết các vấn đề văn hóa, xã hội và ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống chưa đạt hiệu quả như mong muốn của cộng đồng quốc tế.

Xu thế lớn của thế giới vẫn là hòa bình, hợp tác, phát triển, nhưng trở ngại, khó khăn nhiều hơn, diễn biến nhanh chóng hơn, phức tạp hơn, khó dự đoán hơn; cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; bùng nổ những cuộc xung đột và chiến tranh ở các khu vực; gia tăng chạy đua vũ trang, đặc biệt là nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân và chiến tranh hạt nnhân

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng


Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu câu hỏi: Những vấn đề trên có nguyên nhân từ đâu? Phải chăng, là do không tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, không sử dụng và không đe dọa sử dụng vũ lực? Phải chăng không giải quyết tận gốc rễ yêu cầu về quyền dân tộc tự quyết và quyền chính đáng của các quốc gia? Phải chăng, chưa coi trọng thích đáng sự phát triển bao trùm trong mỗi quốc gia và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia về phát triển bao trùm? Những nguyên nhân này cần được lý giải thấu đáo để có những biện pháp giải quyết một cách thỏa đáng.

Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, qua gần 40 năm Đổi mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử… Để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ này, Việt Nam tập trung phát triển nhanh và bền vững, trên cơ sở ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Trong quá trình ấy, người dân với tất cả quyền con người, quyền công dân là trung tâm của các chính sách và hoạch định tương lai. Chúng tôi cũng nhận thức sâu sắc là còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục.

Chủ tịch nước khẳng định: Xây dựng, phát triển đất nước song hành với bảo vệ đất nước là nhiệm vụ mang tính phổ quát của tất cả các quốc gia. Hàng ngàn năm qua, lịch sử của Việt Nam là lịch sử của dựng nước và giữ nước. Đất nước tôi đã phải trải qua những năm tháng dài chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Mỗi khi đất nước có ngoại xâm, cả dân tộc triệu người như một, đoàn kết, kiên cường chiến đấu, quét sạch kẻ thù ra khỏi bờ cõi, gìn giữ vẹn toàn non sông, giành lấy quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc. Sức mạnh để dân tộc chúng tôi vượt qua mọi gian khó chính là tinh thần đại nghĩa, chí nhân của một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình và hòa hiếu, hữu nghị, tôn trọng dân tộc khác.

Sức mạnh để dân tộc chúng tôi vượt qua mọi gian khó chính là tinh thần đại nghĩa, chí nhân của một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình và hòa hiếu, hữu nghị, tôn trọng dân tộc khác.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng


Nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, Việt Nam chia sẻ quan điểm chung về việc các quốc gia thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị và hợp tác, coi trọng sự bình đẳng, lợi ích chính đáng của nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế, Chủ tịch nước nêu rõ: Việt Nam ủng hộ việc củng cố, nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương, đa phương và tăng cường phối hợp quốc tế để làm giảm căng thẳng, ngăn ngừa, chấm dứt xung đột; để giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và cứu trợ nhân đạo quốc tế...

Nói về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Chủ tịch nước cho biết: Điều đáng mừng là kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, đặc biệt là sau khi xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2013, quan hệ hai nước đã phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất, hiệu quả và vượt xa sự hình dung của nhiều người. Nhiều hoạt động hợp tác nhân văn, nhân đạo đã được thực hiện, như hỗ trợ của Hoa Kỳ trong việc tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, giúp đỡ người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam. Từ năm 1973, Việt Nam đã đơn phương triển khai các hoạt động tìm kiếm hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh và từ năm 1988 đến nay tích cực hợp tác với phía Hoa Kỳ trong vấn đề này.

Nêu rõ, phương châm của Việt Nam trong quan hệ Hoa Kỳ là "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau luôn có ý nghĩa quan trọng. Lãnh đạo Hoa Kỳ đã khẳng định ủng hộ một nước Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng". Việt Nam xác định Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược trong chính sách đối ngoại của mình. Cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ có khoảng 2,4 triệu người, cùng với đó là trên 30 nghìn học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ. Họ là một phần của quan hệ và cũng là cầu nối quan trọng giữa hai nước. Nhà nước Việt Nam xác định, người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc và luôn coi trọng đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Việt Nam mong rằng Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hoa Kỳ.

Nhà nước Việt Nam xác định, người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc và luôn coi trọng đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Việt Nam mong rằng Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hoa Kỳ.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng


Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trao đổi, trả lời các câu hỏi, vấn đề được các đại biểu quốc tế quan tâm về đường lối, quan điểm đối ngoại, hợp tác quốc tế của Việt Nam…

* Cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm Đại học Y Stanford ở San Francisco.Tại đây, lãnh đạo Bệnh viện đã báo cáo với Chủ tịch nước về những kết quả chính trong nghiên cứu khoa học về phòng, chống dịch bệnh, nhất là công nghệ vi sinh trong bảo vệ sức khỏe con người.

Tại đây, Chủ tịch nước bày tỏ tình cảm vui mừng đến thăm Đại học Y Stanford - nơi đào tạo nhiều nhà khoa học có uy tín của ngành y và dành nhiều giải lớn lớn trong đào tạo và nghiên cứu.

Theo Chủ tịch nước, trong các nội dung Việt Nam và Mỹ cam kết triển khai trong thời gian tới có nội dung chăm sóc sức khỏe con người. Đây là vấn đề chỉ có thể được triển khai hiệu quả tốt khi có sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp, các nhà khoa học...

Hoan nghênh Đại học Y Stanford đã cùng các cơ sở y tế Việt Nam đã triển khai nghiên cứu các loại thuốc mới để phòng, chống ung thư, tầm soát, phát hiện sớm các loại virus, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là sự hợp tác có ý nghĩa, mang đến những thành tựu mới trong chăm sóc sức khỏe con người.

Vui mừng được gặp những bạn trẻ Việt Nam đã học tập và trưởng thành ở Đại học Y Stanford, Chủ tịch nước mong rằng các bạn sẽ tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa và trở thành cầu nối quan trọng giữa Đại học Y Stanford và Việt Nam trong thời gian tới.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày