Thứ 2, 18/11/2024, 16:45[GMT+7]

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2024

Thứ 2, 29/01/2024 | 14:59:53
1,404 lượt xem
Sáng 29/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2024 để thảo luận và cho ý kiến về 5 nội dung; trong đó , có 3 dự án luật: sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi) và 2 đề nghị xây dựng luật: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta phải tập trung vào 3 đột phá chiến lược, nhất là về thể chế. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta luôn tập trung cho đột phá chiến lược để tạo đột phá trong hoạt động của Chính phủ, tháo gỡ những nút thắt trong thực tiễn cả về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Về thể chế, hàng tháng, Chính phủ đều tổ chức ít nhất một phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, ngoài ra, còn tập trung làm nhiều Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Trong năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề liên quan xây dựng thể chế, đặc biệt là xây dựng pháp luật, đã trình Quốc hội thông qua 16 luật; trong đó, có dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bất động sản, Luật Nhà ở… có liên quan với nhau, trên thực tế có nhiều vướng mắc. Thủ tướng đã chỉ đạo các Phó Thủ tướng tập trung công tác thể chế hoá, nhất là các Nghị định, Thông tư, ban hành 29 Nghị quyết, cho ý kiến đối với 10 dự án luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành 127 văn bản quy phạm pháp luật…

Thủ tướng nêu rõ, năm 2024, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ vẫn xác định tiếp tục triển khai 3 đột phá chiến lược này để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế sẽ ngày càng nặng nề hơn vì nhiệm vụ thường xuyên, yêu cầu cao hơn, tình hình phức tạp hơn, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết; những vướng mắc, tồn đọng kéo dài về pháp lý vẫn phải tháo gỡ; cần tháo gỡ về thể chế trước, từ đó mới vận dụng thực hiện.

Tình hình đột xuất, bất ngờ đang diễn ra nhanh chóng trên thế giới như xung đột ở Biển Đỏ, làm căng thẳng thương mại, tác động tình hình kinh tế-xã hội, giá cả, thị trường trên thế giới… đòi hỏi phải có những chính sách mới để tiếp cận phù hợp tình hình mới để giải quyết. Nhiệm vụ thường xuyên nặng nề hơn, phải tháo gỡ về pháp lý cho những vấn đề tồn đọng là rất cần thiết, các vấn đề đột xuất, bất ngờ phát sinh cũng phải cần giải quyết về mặt pháp lý. Do đó, việc xây dựng luật pháp, hành lang pháp lý, các cơ sở pháp lý để thực hiện, giải quyết vấn đề thực tiễn ngày càng nhiều, ngày càng nặng nề, đòi hỏi phải có chất lượng cao hơn vì tình hình phức tạp, nhạy cảm hơn.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Chúng ta còn phải trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2025, điều chỉnh chương trình năm 2024; tổ chức thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội thông qua năm 2023, có hiệu lực vào 2024, sao cho không còn để nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành; rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các quy định pháp luật mới nhằm thích ứng với tình hình, đó là thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi (như công nghiệp chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo…). Vì thế, công tác xây dựng pháp luật rất cần thiết, cần đầu tư cả về lãnh đạo, tổ chức thực hiện, con người và tài chính.

Thủ tướng yêu cầu chúng ta phải kiểm điểm những gì làm tốt, bài học kinh nghiệm, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi) vừa qua. Một luật đòi hỏi giải quyết hết các vấn đề thực tiễn là không thể, nhưng cơ bản Luật này được đồng tình, ủng hộ. Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng một luật khó nhưng chúng ta đã hoàn thành. Chúng ta phải bình tĩnh, vừa làm vừa đánh giá, tổng kết, không cầu toàn, không nóng vội.

Tại phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ tổ chức phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 5 nội dung; đề nghị các cơ quan trình thấy những vấn đề gì nổi lên thì cho ý kiến, tập trung vào những ý kiến còn khác nhau; đề nghị các đại biểu góp ý trực tiếp cho cơ quan trình; quan điểm, tư tưởng chỉ đạo có vấn đề gì cần lưu ý thì cũng đóng góp thêm; tập trung đi thẳng vào các chính sách, cho ý kiến để các cơ quan trình tiếp thu. Chúng ta vừa làm, vừa cải tiến để thúc đẩy nhanh.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ phải tích cực tham gia đóng góp vì đây là công việc quan trọng; đồng thời, đề nghị các cơ quan truyền thông rà soát lại để cần tập trung tuyên truyền về công tác này, nhất là tăng cường truyền thông chính sách, pháp luật, phổ biến kiến thức, kỹ năng cho người dân.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày