Thứ 5, 14/11/2024, 11:12[GMT+7]

Xây dựng chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh

Thứ 5, 22/02/2024 | 08:22:12
1,796 lượt xem
Ngày 21/2, phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc của lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải chuẩn bị tốt nhất hồ sơ dự án Luật, trong đó, lưu ý những chính sách mới, đặc thù, vượt trội để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, góp phần thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về lĩnh vực này, cũng như về chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: DUY LINH).

Dự cuộc họp có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định; Nguyễn Đức Hải; Thượng tướng Trần Quang Phương; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp với 102 lượt ý kiến.

Ngay sau Kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương tập trung nghiên cứu, tổ chức nhiều cuộc làm việc, tiến hành 3 cuộc khảo sát, 3 cuộc tọa đàm chuyên sâu nhằm tham vấn chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, hiện dự thảo Luật còn 8 nội dung lớn cần tiếp thu, chỉnh lý. Cụ thể, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp quy định nhiều chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, có những nội dung khác quy định của pháp luật liên quan, vì vậy đề nghị nghiên cứu bổ sung 1 điều quy định về áp dụng pháp luật.

Các nội dung đáng chú ý khác về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt và giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đối với cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt; việc rà soát các quy định về nguồn vốn cho công nghiệp quốc phòng, an ninh để phù hợp Luật Ngân sách Nhà nước; đề nghị hình thành một quỹ riêng biệt để tập trung huy động nguồn lực cho xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Dự thảo Luật cũng đề cập các quy định về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng; việc bổ sung quy định về “Tổ hợp công nghiệp quốc phòng” để thể chế đầy đủ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo; về chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; về chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh...

Quang cảnh cuộc họp tại Nhà Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH).

Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến cụ thể về các chính sách mới được bổ sung trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự luật và về kỹ thuật lập pháp.

Theo đó, các ý kiến đều nhất trí, để thể chế hóa cụ thể, đầy đủ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia thì cần thiết phải có các chính sách đặc thù, đột phá nhằm tạo ra những cơ chế vượt trội, khả thi thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, chọn lọc đích đáng những chính sách thực sự vượt trội, khả thi, nhất là các chính sách về đầu tư, thuế... để vừa bảo đảm tính đặc thù vừa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao ý kiến của các đại biểu; ghi nhận sự nỗ lực, tâm huyết và trách nhiệm cao của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; trong đó, đã nghiên cứu, đề xuất bổ sung nhiều chính sách mới, vượt trội so với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.

Chủ tịch Quốc hội nhất trí cho rằng, đây là dự luật khó bởi luật “gốc” về công nghiệp quốc gia hiện chưa có; 2 Pháp lệnh về công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp cũng đã được ban hành từ khá lâu, nhiều quy định đã không còn phù hợp yêu cầu thực tiễn và các quan điểm, chủ trương mới của Đảng.

Vì vậy, dự thảo Luật này khó có thể quy định chi tiết, cụ thể tất cả các nội dung, mà nên chấp nhận việc sẽ có những quy định mang tính chất nguyên tắc, khung để làm cơ sở cho việc quy định cụ thể hơn trong các luật liên quan hoặc hướng dẫn chi tiết tại các văn bản dưới luật.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, tiếp tục phối hợp chặt chẽ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan tiếp thu tối đa ý kiến tại cuộc làm việc, giải trình thỏa đáng, lựa chọn phương án tối ưu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

Dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội có 7 chương với 86 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được bổ sung 15 điều, bỏ 2 điều; bổ sung Mục 7 vào Chương II về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng, bố cục các mục mới về Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng (Mục 4 Chương II); chế độ chính sách về khoa học công nghệ (Mục 3 Chương IV); chỉnh sửa nội dung và kỹ thuật lập pháp ở nhiều điều, sắp xếp, bố cục lại một số điều trong các chương. 


Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày