Chủ nhật, 17/11/2024, 17:31[GMT+7]

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khởi công công trình tôn tạo Di tích Khu Trung tâm đề kháng Him Lam, lễ gắn biển đường Phạm Văn Đồng

Thứ 5, 18/04/2024 | 09:44:30
1,463 lượt xem
Ngày 17/4, tiếp tục chương trình công tác tại Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công công trình bảo tồn, tôn tạo Di tích Khu Trung tâm đề kháng Him Lam thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ, lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và tuyến đường mang tên anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khởi công công trình tôn tạo Di tích Khu Trung tâm đề kháng Him Lam, lễ gắn biển đường Phạm Văn Đồng. (Ảnh: TTXVN).

Cùng dự có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Điện Biên, các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và đại diện gia đình cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, là 1 trong 10 Di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng được xếp hạng đầu tiên trong cả nước.

Hiện nay, Di tích Quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ có tổng số 45 điểm di tích thành phần, có giá trị to lớn, có một không hai trên thế giới, có giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn có giá trị, ý nghĩa lịch sử lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình, các lực lượng tiến bộ trên thế giới.

Trung tâm đề kháng Him Lam thuộc phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cách sở chỉ huy của tướng De Castries 2,5km về phía đông bắc và được mệnh danh là “cánh cửa thép” của tập đoàn cứ điểm. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tiếng pháo tấn công vào cụm cứ điểm Him Lam mở màn cho Chiến dịch vào ngày 13/3/1954 là sự kiện hết sức quan trọng. Trong trận chiến này, Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai của địch để đồng đội mình xung phong, tấn công giành chiến thắng.

Giai đoạn II của dự án bảo tồn, tôn tạo Di tích Khu Trung tâm đề kháng Him Lam gồm các hạng mục chính như phù điêu dài 45m; nhà dâng hương, sân dâng hương, sân quảng trường, bãi đỗ xe, hệ thống cây xanh, vườn hoa… Dự án có tổng mức đầu tư hơn 90 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương và xã hội hóa.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên tiến hành điều chỉnh điểm đầu, điểm cuối của 6 tuyến đường và đặt tên cho 39 tuyến đường, trong đó có tuyến đường Phạm Văn Đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ gắn biển đường mang tên Phạm Văn Đồng tại thành phố Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN).

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1906-2000) là người học trò xuất sắc, người đồng chí tin cậy, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một chiến sĩ cách mạng vô sản kiên cường; một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt, tiền bối của cách mạng Việt Nam; có công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Suốt cuộc đời với 75 năm hoạt động cách mạng liên tục, 41 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 32 năm làm Thủ tướng Chính phủ, 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Phạm Văn Đồng đã có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Năm 1953, đồng chí Phạm Văn Đồng với chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ là một trong những đồng chí lãnh đạo có mặt tại cuộc họp của Bộ Chính trị vào ngày 6/12/1953 để bàn, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Sau đó, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng được phân công làm Chủ tịch Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương, có trách nhiệm huy động bảo đảm công tác hậu cần cho Chiến dịch.

Con đường được mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là tuyến giao thông huyết mạch nối 2 phường Mường Thanh-Thanh Trường của thành phố Điện Biên Phủ qua con sông Nậm Rốm lịch sử.

39 tuyến đường tại thành phố Điện Biên Phủ được đặt tên trong dịp này gồm:

10 tuyến đường mang tên các danh nhân trong lịch sử: Đường Lê Thái Tổ, Đường Nguyễn Trãi, Đường Lương Thế Vinh, Đường Tôn Đức Thắng, Đường Phạm Văn Đồng, Đường Tố Hữu, Đường Hoàng Cầm, Đường Hoàng Đạo Thúy, Đường Đỗ Nhuận, Đường Hoàng Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ gắn biển đường Nguyễn Ngọc Bảo. 

24 tuyến đường mang tên các Anh hùng được phong tặng trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ gồm: Đường Phùng Văn Khẩu, Đường Hoàng Đăng Vinh, Đường Hoàng Văn Nô, Đường Lưu Viết Thoảng, Đường Nguyễn Phú Xuyên Khung, Đường Tạ Quốc Luật, Đường Nguyễn Ngọc Bảo, Đường Bùi Đình Cư, Đường Nguyễn Văn Ty, Đường Dương Quảng Châu, Đường Hoàng Khắc Dược, Đường Phan Tư, Đường Nguyễn Văn Bạch, Đường Trần Văn Cam, Đường Đặng Đình Hồ, Đường Trần Đình Hùng, Đường Lâm Viết Hữu, Đường Chu Văn Khâm, Đường Hà Văn Nọa, Đường Đặng Đức Song, Đường Nguyễn Văn Thuần, Đường Lộc Văn Trọng, Đường Lê Văn Dỵ, Đường Trịnh Văn Huyền.

Một tuyến đường mang tên cán bộ tiền khởi nghĩa của Điện Biên là Đường Nguyễn Bá Lạc.

Một tuyến đường đặt tên theo danh từ địa phương có ý nghĩa tiêu biểu và địa danh tiêu biểu của đất nước là Đường Hòa Bình.

Hai tuyến đường mang tên các địa danh lịch sử cách mạng, kháng chiến của tỉnh, gồm Đường Mường Phăng, Đường Mường Then.

Một tuyến đường mang tên các sự kiện tiêu biểu có ý nghĩa ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Điện Biên là Đường Quyết Tiến.

Hiện nay, thành phố Điện Biên Phủ có diện tích tự nhiên gần 309km2, 12 đơn vị hành chính, gồm hơn 24km2 nội thành và hơn 284km2 thuộc địa giới các xã ngoại thành; dân số toàn thành phố khoảng 81.690 người.

Theo: nhandan.vn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày