Thứ 5, 14/11/2024, 11:01[GMT+7]

Cần quy định chặt chẽ để tránh xử lý oan sai đối với người không uống rượu, bia tham gia giao thông

Thứ 5, 23/05/2024 | 08:33:34
1,568 lượt xem
Bày tỏ nhất trí với quy định nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cần quy định định chặt chẽ để tránh xử lý oan sai đối với người không uống bia, rượu tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nội sinh.

Đại biểu Trần Văn Tuấn-Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang phát biểu. (Ảnh: DUY LINH).

Không uống rượu, bia vẫn có cồn trong máu, xử lý thế nào?

Phát biểu tại phiên họp của Quốc hội ngày 22/5 thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) quan tâm, trao đổi thêm về quy định ở Khoản 2, Điều 10 của dự thảo luật nghiêm cấm hành vi: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” - đây cũng là quy định còn có những ý kiến khác nhau.

Đại biểu cơ bản nhất trí với quy định trên nhằm mục đích phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông, giảm rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính người điều khiển, người tham gia giao thông, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các gia đình và toàn xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn quy định cấm nêu trên đã thực sự đầy đủ, chặt chẽ hay chưa? Liệu có dẫn đến việc có trường hợp bị xử lý oan sai hay không, nhất là đối với người điều khiển phương tiện tham giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nội sinh, chứ không phải do họ sử dụng rượu, bia?

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp chiều 22/5. (Ảnh: DUY LINH).

Dẫn báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: “Về nồng độ cồn nội sinh, đến thời điểm hiện nay chưa có căn cứ rõ ràng và thực tiễn phát hiện là rất hiếm, có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu nhằm không làm sai lệch kết quả xử lý”, đại biểu cho rằng, việc xác định nồng độ cồn nội sinh là “chưa có căn cứ rõ ràng” chứ không phải là không có căn cứ, “thực tiễn phát hiện là rất hiếm” chứ không phải là không có.

“Tài xế có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu nhưng kết quả xét nghiệm máu có thực sự chính xác hay không? Trường hợp nào thì cần kiểm tra lại qua xét nghiệm máu”, ông Tuấn đặt vấn đề và nhấn mạnh đây là những nội dung cần được quy định chặt chẽ trong luật để tránh việc xử lý oan sai đối với người không uống bia, rượu và đồ uống có cồn khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung Khoản 2, Điều 10 của dự thảo luật về hành về hành vi bị nghiêm cấm theo hướng: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; trừ trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hoá nồng độ cồn nội sinh”.

Đồng thời cần bổ sung quy định về việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết trường hợp cần xác định và cách thức xác định nồng độ cồn nội sinh đối với người bị bệnh khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhằm tránh việc xử lý oan sai đối với các trường hợp này.

Đại biểu Trần Khánh Thu-Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu. (Ảnh: DUY LINH).

Cũng bày tỏ thống nhất với quy định cấm nêu trên, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho biết, trong hồ sơ trình tại kỳ họp đã có báo cáo đánh giá tác động, kết quả điều tra xã hội học và bổ sung số liệu minh chứng cũng như kinh nghiệm quốc tế để đề xuất phương án tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị giao Bộ Y tế ban hành quy trình kỹ thuật định lượng ethanol máu, có quy định cụ thể về diễn giải kết quả và giá trị tham chiếu đối với những trường hợp tham gia giao thông cần định lượng nồng độ cồn.

Trong nhận định kết quả, cần có quy định đối với trường hợp dưới ngưỡng phát hiện của máy xét nghiệm nhưng cao hơn 0 để phân biệt các trường hợp bình thường không uống rượu vẫn có nồng độ cồn trong máu.

Đại biểu chỉ ra thực tế, hiện nay nồng độ cồn trong máu người bình thường, không uống rượu khoảng đo được đã là 10-20 mg/dL tương đương 0,01-0,02%, và đây chính là hạn chế của hầu hết máy xét nghiệm hiện nay.

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn cần cơ sở thuyết phục

Đại biểu Nguyễn Quang Huân-Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương phát biểu. (Ảnh: DUY LINH).

Cũng quan tâm đến quy định nồng độ cồn khi lái xe trong dự thảo luật lần này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết, trong đợt tiếp xúc cử tri tại Kỳ họp thứ 7 và trước kỳ họp có ý kiến cử tri kiến nghị tiếp tục giữ quy định nồng độ cồn bằng 0 như hiện nay để bảo đảm an toàn giao thông, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cấm như vậy thì quá chặt.

Tương tự như vậy, đại biểu cũng nêu rõ, trong số các đại biểu Quốc hội cũng có 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Do đó, đại biểu Huân đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các cơ sở thuyết phục để Quốc hội quyết định sao cho luật thông qua sẽ thấu tình đạt lý, đáp ứng được nguyện vọng của đa số nhân dân.

Thí dụ như, có bao nhiêu phần trăm số vụ tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra và trong số vụ tai nạn do rượu, bia ấy, có bao nhiêu phần trăm vụ, chủ yếu ở độ tuổi nào, các đặc điểm chung của các nhóm đối tượng vi phạm…

Nếu số lượng vụ vượt ngưỡng chiếm đa số các vụ tai nạn do rượu, bia gây ra và chỉ tập trung vào một số nhóm đối tượng nào đó thì có thể phân tầng và áp dụng các biện pháp giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức, nghĩa là không nên quy định nồng độ cồn bằng 0.

“Ngược lại, nếu số liệu thống kê cho thấy, loại hình tai nạn do rượu, bia gây ra chiếm tỷ lệ lớn, phân bổ ở mọi đối tượng, thành phần, độ tuổi không kể vượt ngưỡng hay dưới ngưỡng thì phải đưa quy định nồng độ cồn bằng 0 vào luật. Có như vậy thì luật được thông qua sẽ bảo đảm tính nghiêm minh, khách quan”, đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận-Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau phát biểu. (Ảnh: DUY LINH).

Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho biết, trong thực tế, có trường hợp nhiều người sử dụng rượu, bia từ hôm trước nhưng hôm sau vẫn còn nồng độ cồn trong hơi thở, thậm chí ăn một số loại trái cây có khả năng lên men thì trong hơi thở cũng có nồng độ cồn.

Đại biểu cho rằng, luật cần điều chỉnh để không cản trở các hoạt động bình thường của xã hội, từ văn hóa ứng xử đến phát triển kinh tế-xã hội.

Do nội dung này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu đề nghị nên xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: DUY LINH).

Làm rõ vấn đề về nồng độ cồn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết thêm, theo báo cáo của Bộ Công an, từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ. Trong số đó, có tới 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra.

Ông Lê Tấn Tới cũng dẫn thêm các số liệu báo cáo mới nhất của Bộ Y tế về các thương vong, chấn thương, tỷ lệ nạn nhân chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông đường bộ...

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và phối hợp với các cơ quan hữu quan để khảo sát, thu thập số liệu và đánh giá thêm vấn đề này, đồng thời tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo của Chính phủ để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình thấu đáo, đầy đủ để trình Quốc hội xem xét thông qua.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày