Thứ 7, 23/11/2024, 18:32[GMT+7]

Công đoàn các cấp được bảo đảm về tổ chức và số lượng cán bộ công đoàn

Thứ 3, 18/06/2024 | 16:17:19
1,381 lượt xem
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định theo hướng công đoàn các cấp được bảo đảm về tổ chức và số lượng cán bộ công đoàn để thực hiện được đầy đủ chức năng, quyền và trách nhiệm; đồng thời, cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số lượng cán bộ chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Nội dung trên được Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề cập khi giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) sáng 18/6.

Nghiên cứu một số mô hình hoạt động công đoàn theo hướng mở, linh hoạt

Về gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, ông Khang nêu rõ, việc bổ sung quy định này trong dự thảo Luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 06 ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới và quy định tại Điều 172 Bộ luật Lao động năm 2019.

Trình tự, thủ tục gia nhập cụ thể sẽ do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định một cách chặt chẽ trên tinh thần tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Liên quan hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam đối với mô hình hoạt động công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, Tổng Liên đoàn đề xuất đưa vào trong luật nội dung này là sẽ nghiên cứu và tổ chức thí điểm một số mô hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới và việc mở không được tùy tiện, phải theo đúng các định hướng của Đảng.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Ông Khang nêu một số mô hình như mô hình công đoàn ngành xuyên suốt, mô hình Công đoàn của Tập đoàn kinh tế tư nhân trực thuộc Tổng Liên đoàn, mô hình công đoàn của những doanh nghiệp có dưới 25 lao động hoặc những doanh nghiệp có đông công nhân lao động. “Chúng tôi sẽ định hướng những mô hình linh hoạt như vậy”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói.

Về công đoàn đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, theo ông Khang, đây không phải là cấp thứ 5 trong hệ thống tổ chức công đoàn mà cấp này có thể tương đương với cấp tỉnh hoặc tương đương với cấp huyện, tùy theo đơn vị hành chính đặc biệt do Quốc hội thành lập là cấp nào thì sẽ thiết kế tổ chức công đoàn theo đúng mô hình như vậy.

Về cán bộ công đoàn, để thể chế hóa tinh thần Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị, trong đó quy định nghiên cứu, đề xuất cơ chế giao biên chế cho công đoàn hợp lý, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế, dự thảo Luật đã quy định theo hướng công đoàn các cấp được bảo đảm về tổ chức và số lượng cán bộ công đoàn để thực hiện được đầy đủ chức năng, quyền và trách nhiệm.

Đồng thời, cho phép Tổng Liên đoàn quyết định số lượng cán bộ chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở.

Báo cáo thêm, ông Khang nêu rõ, Điều 26 dự thảo Luật quy định: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ cấu bộ máy, vị trí việc làm và chức danh của cán bộ công đoàn trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền”.

Toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của Tổng Liên đoàn Lao động ở cấp trung ương gồm có ở cơ quan của Tổng Liên đoàn và các công đoàn ngành trung ương được Bộ Chính trị giao cho Ban Tổ chức Trung ương thông báo cho Tổng Liên đoàn thì Tổng Liên đoàn sẽ tiến hành phân bổ các cán bộ công đoàn này cho các ngành Trung ương theo quy mô, số lượng đoàn viên của từng ngành. Còn ở tại các địa phương vẫn thực hiện theo đúng quy định là do Ban Thường vụ cấp ủy các địa phương quyết định.

Về những bất cấp trong biên chế của cán bộ công đoàn thời gian qua, ông Khang cho biết, thực hiện theo Kết luận 40 của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp Ban Tổ chức Trung ương tiến hành khảo sát, đánh giá và xây dựng một báo cáo cho Ban Chỉ đạo biên chế Trung ương về tình hình cán bộ công đoàn, trong đó có rất nhiều bất cập mà các đại biểu đã chia sẻ.

Chẳng hạn có những tỉnh, thành phố có quan hệ lao động phức tạp, số lượng doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn đông nhưng số lượng cán bộ công đoàn bố trí không đáp ứng được yêu cầu. Ngược lại, một số tỉnh, thành có số lượng doanh nghiệp ít và số lượng đoàn viên công đoàn ít và quan hệ lao động không phức tạp lại được bố trí cán bộ công đoàn không tương xứng với đặc điểm như vậy.

Trước thực tế nói trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất với Ban Chỉ đạo về biên chế của Trung ương một công thức tính trên cơ sở số lượng đoàn viên từng ngành, từng địa phương một. Thứ nhất là có số lượng cán bộ hợp đồng dành cho những đơn vị sự nghiệp của công đoàn. Thứ hai, tại các công đoàn cơ sở có đông công nhân lao động rất mong muốn sẽ được hợp đồng để có các cán bộ công đoàn chuyên trách ở cơ sở.

“Đặc biệt, ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa có hợp đồng nhưng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã cho tổ chức Công đoàn 22 biên chế để cử xuống làm Chủ tịch công đoàn chuyên trách ở các cơ sở có đông công nhân lao động và quan hệ lao động phức tạp”, ông Khang thông tin thêm.

Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Duy trì kinh phí công đoàn 2% để chăm lo trực tiếp cho người lao động tại cơ sở

Bên cạnh đó, vấn đề về kinh phí công đoàn và quản lý tài chính, tài sản công đoàn cũng là một trong những nội dung được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.

Về kinh phí công đoàn, đa phần các đại biểu Quốc hội đồng tình cho việc tiếp tục duy trì 2% kinh phí công đoàn để có nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, cho người lao động trực tiếp dưới cơ sở. Về quản lý tài chính, Luật Công đoàn hiện hành năm 2012 ban hành và ngay sau đó Chính phủ có Nghị định 191 quy định rất cụ thể về tài chính công đoàn, về từng danh mục các khoản chi của tài chính công đoàn.

“Chúng tôi cũng thực hiện đúng các quy định về chế độ dự toán giống như các quy định đối với các cơ quan ở trung ương khác, ví dụ khoán chi phí hành chính, chi hành chính như thế nào, 100% chúng tôi thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách và các luật tài chính khác”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói.

Về công khai tài chính, theo ông Khang, vấn đề này được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành, ở cấp nào thì công khai ở phiên họp Ban chấp hành của 6 tháng đầu năm sau của năm liền kề. Bên cạnh đó, tài chính công đoàn được Kiểm toán nhà nước định kỳ kiểm toán 2 năm 1 lần trên cơ sở kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thông qua và kết quả kiểm toán được báo cáo Quốc hội và tổng hợp chung vào báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

Thêm nữa là sự thanh tra, giám sát của tất cả các cơ quan khác như Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính… “Việc quy định ở trong luật này là để thể chế hóa cho rõ tình hình công khai tài chính công đoàn”, ông Khang cho hay.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày