Thứ 4, 27/11/2024, 09:00[GMT+7]

Khắc phục bất cập trong thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người

Thứ 5, 29/08/2024 | 08:28:02
1,151 lượt xem
Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, ngày 28/8, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thảo luận về nhiều dự án luật quan trọng. Các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội: Thượng tướng Trần Quang Phương, Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). (Ảnh DUY LINH).

Giải quyết nhanh nhất những bất cập trong phòng cháy, chữa cháy

Mở đầu phiên làm việc buổi sáng, thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) và nhiều đại biểu đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội và cho rằng dự thảo luật được xây dựng rất cụ thể, chi tiết. Tuy nhiên, theo đại biểu, Điều 58 quy định về xử lý cơ sở, công trình không bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy đã rất chặt chẽ nhưng lại giao quyền và trách nhiệm cho Hội đồng nhân dân là chưa hợp lý.

Hội đồng nhân dân chỉ quản lý về đầu mục các danh mục, những quy định cụ thể nên giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ phù hợp hơn. Có đại biểu cho rằng, Khoản 2 của dự án Luật quy định điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ. Tuy nhiên, chưa quy định khái niệm hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ; trong thực tế số lượng nhà ở kết hợp kinh doanh rất lớn, nếu không xác định rõ thì sẽ khó xác định nhà nào là kinh doanh hay không kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ, sẽ dẫn đến tác động ảnh hưởng đến nhiều đối tượng. Do vậy, đề nghị bổ sung khái niệm hàng hóa nguy hiểm cháy nổ và giao Chính phủ quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ.

Về vấn đề này, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) cho rằng, thời gian qua xảy ra nhiều vụ cháy ở các chung cư cao tầng, một trong những nguyên nhân chính là vi phạm các quy định phòng cháy, chữa cháy. Theo đại biểu, những quy định trong thiết kế các tòa nhà phải bảo đảm các quy chuẩn liên quan đến phòng cháy, chữa cháy nhưng đa số các chủ đầu tư đều không tuân thủ đầy đủ nguyên tắc này khiến người dân không thể thoát được ra ngoài khi hỏa hoạn xảy ra. Việc quản lý lỏng lẻo tại các công trình nhà cao tầng cũng là nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn.

Tại một số chung cư, hiện đang xảy ra tình trạng người dân chiếm lối vào cầu thang làm nơi bán hàng, tận dụng mặt tiền toàn nhà để lắp biển quảng cáo, các ban-công tại các căn hộ đều bị bịt kín để sử dụng…; các thiết bị phòng cháy, chữa cháy như: họng nước, bình chữa cháy tại nhiều nơi đã hỏng, không thể sử dụng khi hỏa hoạn xảy ra. Do vậy, đề nghị Chính phủ sớm điều chỉnh quy chuẩn phù hợp với điều kiện hiện nay; đặc biệt cần tăng cường trang bị những thiết bị hiện đại phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy để lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ; đồng thời, tăng cường chế tài xử lý đối với những công trình vi phạm. Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, các vụ tai nạn cháy nổ xảy ra ngày càng nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phục vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn hiện nay còn thiếu, lạc hậu, kém chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như tình hình thực tiễn. Các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có ngay biện pháp phù hợp để giải quyết nhanh nhất những bất cập nêu trên; có ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm, trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tiên tiến, bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất để cứu người, cứu tài sản, dập đám cháy nhanh nhất.

Cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh về mua bán người

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) lần này, đồng thời cho rằng, đây là dự án luật quan trọng, có nhiều chính sách mới liên quan đến việc xác định hành vi mua bán người, việc tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng.

Dự thảo luật có nhiều nội dung nội luật hóa các quy định của các điều ước quốc tế có liên quan. Một trong những điểm mới của dự thảo luật lần này là Thường trực Ủy ban Tư pháp tiếp thu đề nghị của đại biểu Quốc hội và bổ sung tại Khoản 2, Điều 3 về hành vi bị nghiêm cấm “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

Đề cập vấn đề nêu trên, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, tham khảo chi tiết các luật liên quan để thống nhất trong triển khai thi hành. Đại biểu phân tích, tại Khoản 22, Điều 3 giải thích từ ngữ của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Như vậy, vẫn có trường hợp mua bán bào thai được pháp luật công nhận. Từ đó, đại biểu đề nghị, có thể quy định tại Khoản 2, Điều 3 trong dự thảo luật cụ thể hơn, mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai mà không được sự đồng ý của người mẹ hoặc mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai, trừ trường hợp quy định tại Khoản 22, Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình.

Ý kiến của nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người. Theo các đại biểu, việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm phụ nữ mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý. Hiện nay, xuất hiện hành vi mới trong đời sống xã hội là buôn bán thai nhi trong bụng mẹ, cho nên đề nghị Ban soạn thảo dự án luật cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong thực tiễn về mua bán người.

Cũng trong phiên làm việc sáng qua, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng không nhân dân.

Ứng dụng khoa học, công nghệ trong công chứng

Chiều 28/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi cho ý kiến vào dự án Luật Công chứng (sửa đổi) là công chứng điện tử. Đây là một phương thức mới để thực hiện việc công chứng thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ, do vậy quá trình triển khai thực hiện công chứng điện tử vẫn phải bảo đảm đầy đủ những nguyên tắc cơ bản của công chứng nước ta là công chứng nội dung.

Nhiều đại biểu nhấn mạnh việc Ban soạn thảo cần quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và cách thức tiến hành công chứng điện tử; nhất là hoàn thiện dữ liệu về dân cư, đất đai, tài sản để bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong công chứng điện tử. Các đại biểu: Hà Phước Thắng (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), Bế Trung Anh (Đoàn Trà Vinh) cho rằng: Dữ liệu công chứng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hoạt động công chứng và hoạt động kinh tế; ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức. Các dữ liệu nêu trên đều là bí mật của cá nhân, tổ chức, do đó, cần bảo đảm bí mật các thông tin này. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung nội dung quy định việc xây dựng, quản lý công cụ, phần mềm chuyên dụng để thực hiện việc công chứng điện tử.

Về các loại giao dịch phải công chứng, nhiều đại biểu nhận thấy, giống như nhiều quốc gia trên thế giới, pháp luật nước ta cũng quy định công chứng bắt buộc đối với một số giao dịch quan trọng liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, một số loại tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng... Quy định như vậy là cần thiết nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch quan trọng trong đời sống dân sự, kinh tế. Về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định loại hình tổ chức hành nghề công chứng là Doanh nghiệp tư nhân bên cạnh Công ty hợp danh.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ, giải trình chi tiết ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội theo hướng: Tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật tạo thuận lợi nhất cho nhân dân, cơ quan tổ chức trong cả nước trong tiếp cận dịch vụ công chứng và dịch vụ chứng thực có liên quan, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội từng vùng, miền, điều kiện phát triển; đồng thời, khắc phục hạn chế, tiêu cực, bất cập của luật hiện hành; chấn chỉnh những sơ hở, vi phạm thời gian vừa qua; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu, thực hiện số hóa nâng cao năng lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ; phát huy đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề công chứng…

Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định “Chủ đầu tư công trình, chủ phương tiện giao thông chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy đối với công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông”. Tuy nhiên, chủ đầu tư thường không có chuyên môn về tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy cho nên rất khó thực hiện; do đó nên quy định chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu, thuê các đơn vị có năng lực thẩm tra thực hiện nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà

(Đoàn Quảng Ninh)

Việc bổ sung mô hình Văn phòng công chứng là Doanh nghiệp tư nhân có ưu điểm là tạo hướng mở cho việc thành lập văn phòng công chứng, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, tăng tính cạnh tranh, tạo thuận lợi cho người dân trong lựa chọn tổ chức công chứng khi thực hiện các giao dịch mà pháp luật yêu cầu phải công chứng, giảm chi phí, tuân thủ pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm

(Đoàn Quảng Bình)


Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày