Thứ 6, 27/09/2024, 11:06[GMT+7]

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương

Thứ 6, 27/09/2024 | 08:12:15
190 lượt xem
Ngày 26/9, tại thành phố Thủ Dầu Một, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn; phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2024. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương. (Ảnh: Thanh Giang).

Về tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn, Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước cả năm 2024 của tỉnh dự kiến tăng 7,28% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 25,6 tỷ USD, tăng 13,7%; kim ngạch nhập khẩu đạt 18,2 tỷ USD, tăng 13,4%. Tổng thu ngân sách 50.120 tỷ đồng, đạt 77% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; tổng chi ngân sách 12.440 tỷ đồng, đạt 41% dự toán. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công 6.300 tỷ đồng, đạt 41,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự và chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương. (Ảnh: Thanh Giang).

Tỉnh đã thu hút thêm được 1,2 tỷ USD Mỹ vốn đầu tư nước ngoài và 56.620 tỷ đồng vốn đăng ký trong nước. Hiện nay tỷ lệ đô thị hóa của toàn tỉnh đạt 84%, thuộc top đầu cả nước. Tuy nhiên, chất lượng đô thị còn chưa tương xứng với tốc độ phát triển của tỉnh và nhu cầu an cư của người dân. Đứng trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện các Đề án, Nghị quyết về chỉnh trang, phát triển, nâng cao chất lượng các đô thị trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Thanh Giang).

Tỉnh tiếp tục quy hoạch và triển khai đầu tư, phát triển hệ thống đô thị mới, theo mô hình đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD); xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được 52.000 căn, tương đương 2,6 triệu m2 sàn. Có chủ trương đầu tư mới 2 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 6.000 căn hộ và 4 dự án nhà ở thương mại. Lãnh đạo, chỉ đạo tập trung triển khai đầu tư các khu công nghiệp thế hệ mới, hướng đến sản xuất thông minh, sản xuất xanh theo quy hoạch. Hình thành các Khu công nghệ thông tin tập trung và Khu khoa học công nghệ trong trung tâm thành phố mới Bình Dương với quy mô 220ha. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, việc làm đạt nhiều kết quả tích cực.   

Lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Dương tại buổi làm việc. (Ảnh: Thanh Giang).

Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách, công nhân lao động luôn được quan tâm. Tỉnh đã kịp thời tổ chức vận động, tiếp nhận ủng hộ trên 40 tỷ đồng và chuyển hơn 23 tỷ đồng cho đồng bào các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.

Về tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm kết nối vùng: tổng cộng quy hoạch và kết nối vùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh được 26 cây cầu, đã hoàn thành 12 cầu. Riêng trong ngày 23/9 vừa qua đã tổ chức khánh thành 1 cầu và 1 đường. Ngoài những công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, hiện tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công, khánh thành các công trình giao thông trọng điểm kết nối vùng với tổng mức đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước bố trí khoảng 42.000 tỷ đồng; vốn các nhà đầu tư huy động theo hình thức đối tác công tư (PPP) khoảng 28.000 tỷ đồng), gồm: Đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh: qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài khoảng 26km, thu hồi được 125ha/129ha đất (tỷ lệ 96,68%); phấn đấu dự kiến thông xe kỹ thuật vào dịp 30/4/2025 (sớm hơn 2 tháng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ). Đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh: qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 47,5km, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh sẽ khởi công dự án trong tháng 11/2024. Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành: qua địa bàn tỉnh dài khoảng 52km, dự kiến khởi công vào tháng 11/2024.

Dự án BOT Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13: được nâng cấp mở rộng đạt quy mô 8 làn xe, đoạn từ cầu Vĩnh Bình đến ngã tư Lê Hồng Phong dài khoảng 13,8km với tổng mức đầu tư 12.463 tỷ đồng (Vốn tham gia của Nhà nước: 4.091 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư: 8.372 tỷ đồng); hiện đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đưa vào sử dụng dịp lễ 30/4/2025. Tuyến đường sắt Bàu Bàng-Dĩ An: trên cơ sở chủ trương của Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Bình Dương chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành thống nhất nghiên cứu tuyến đường sắt từ Bàu Bàng xuống Dĩ An đến cảng Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu). Đường sắt đô thị Suối Tiên-thành phố mới Bình Dương: Đang được tỉnh tiến hành khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy hoạch với chiều dài khoảng 35km, tổng mức đầu tư dự kiến 86.150 tỷ đồng (3,5 tỷ USD)…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương. (Ảnh: Thanh Giang).

Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Bình Dương có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển mạnh hơn nữa công nghiệp và dịch vụ, tăng cường kết nối trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho Vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của các đồng chí Lãnh đạo, cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Dương và những thành tựu quan trọng đã đạt được, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước. Ngoài những tồn tại, hạn chế, thách thức đã được nêu tại Hội nghị Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh sáng nay, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung: Bình Dương chưa lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch Covid-19; tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 thấp hơn bình quân chung cả nước; giải ngân vốn đầu tư công, triển khai một số công trình, dự án quan trọng quốc gia còn chậm...

Đề cập một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh Bình Dương cần phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới; nắm chắc tình hình, chủ động phản ứng chính sách để hóa giải những đột xuất bất ngờ, thách thức; phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, huy động hiệu quả mọi nguồn lực; công tác chỉ đạo điều hành phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Càng áp lực thì càng phải nỗ lực, phấn đấu đạt kết quả cao nhất; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phân công nhiệm vụ, giao việc phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chủ động giải quyết các công việc, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Nhấn mạnh yêu cầu Bình Dương phải phát triển bứt phá, tăng tốc mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, Thủ tướng yêu cầu tỉnh khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch; xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch. Ưu tiên cho tăng trưởng, kiểm soát lạm phát; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu) và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên.

Theo đó, về đầu tư: đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm; tiếp tục phát huy mô hình hợp tác công-tư; thu hút FDI có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao. Về xuất khẩu: nghiên cứu và phát triển khu phi thuế quan, khu thương mại tự do (phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong xây dựng Đề án, trong đó có đề xuất cụ thể về vị trí, quy mô, mô hình tổ chức, thể chế, cơ chế, chính sách và đánh giá tác động một cách toàn diện), hướng đến xuất khẩu và thu hút đầu tư. Về tiêu dùng: xây dựng chương trình, kế hoạch kích cầu tiêu dùng trên địa bàn, nhất là dịp Lễ, Tết cuối năm; đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Về các động lực tăng trưởng mới: phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc. (Ảnh: Thanh Giang).

Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển; triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí. Phát triển hệ sinh thái công nghiệp kiểu mới; thúc đẩy chuyển đổi các khu công nghiệp sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, phát triển hệ sinh thái khoa học công nghệ; khu công nghiệp đô thị-dịch vụ, khu công nghiệp công nghệ cao; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ.

Về dịch vụ, tiếp tục phát triển mạnh các ngành dịch vụ mũi nhọn, hỗ trợ công nghiệp như: thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, logistics, đào tạo nhân lực chất lượng cao… Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược gồm hạ tầng số, hạ tầng xanh, chống biến đổi khí hậu, giao thông, y tế, giáo dục, viễn thông; đặc biệt lưu ý phát triển hạ tầng giao thông kết nối khu vực, vùng, quốc tế.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ cơ chế xin-cho; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong ngành, lĩnh vực tiềm năng, ưu tiên. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đồng thời có cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Tiên phong trong tăng cường đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó tăng cường hình thức thuê và thuê mua; đồng thời đây cũng là điều kiện thu hút người lao động, đầu tư. Phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển của tỉnh Bình Dương, từ đó có nền tảng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội. Chú trọng quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử, văn hoá tiêu biểu của tỉnh. Giữ vững ổn định chính trị, ninh, trật tự, an toàn xã hội; tập trung đấu tranh, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội. Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; chuẩn bị kỹ cho Đại hội Đảng các cấp của tỉnh, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, trong đó tỉnh cần tập trung đầu tư để hoàn thành một số công trình mang tính biểu tượng, ghi dấu ấn để chào mừng sự kiện trọng đại này.

Bình Dương phải phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử, văn hoá hào hùng “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, tập trung phát triển trong giai đoạn mới bứt phá, mạnh mẽ, toàn diện hơn, nhất là kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế trí thức, kinh tế tuần hoàn; phát triển nhân văn, hài hòa giữa con người và tự nhiên, giữa kinh tế và văn hóa, môi trường.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, với vị trí, vai trò chiến lược của Bình Dương là cực tăng trưởng quan trọng của vùng động lực phía nam, trong nhóm 3 địa phương có quy mô nền kinh tế lớn nhất cả nước, với đà phát triển những năm qua cùng khát vọng, quyết tâm của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, không ngừng phát huy vị thế là thủ phủ công nghiệp hiện đại hàng đầu Việt Nam, phấn đấu sớm trở thành đô thị loại I, thông minh, văn minh, giàu đẹp; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; tỉnh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Theo: nhandan.vn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày