Thứ 6, 15/11/2024, 05:23[GMT+7]

Tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thi công các công trình trọng điểm quốc gia

Thứ 6, 04/10/2024 | 08:39:21
831 lượt xem
Ngày 3/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà và Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các hiệp hội, nhà thầu xây dựng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. (Ảnh: Trần Hải).

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định một số nhiệm vụ quan trọng, trong đó có đột phát về hạ tầng chiến lược gồm hạ tầng giao thông, điện, năng lượng, y tế, giáo dục, xã hội… thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn, đánh giá cao sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp, nhà thầu, các hiệp hội liên quan lĩnh vực xây dựng góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát tốt nợ công, bội chi ngân sách, nợ nước ngoài; trong đó, các công trình trọng điểm quốc gia được triển khai tích cực.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng vì các công trình trọng điểm quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được triển khai tích cực; đầu tư nhiều tuyến cao tốc; sắp tới Chính phủ trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao bắc-nam, các tuyến đường sắt tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc; chuẩn bị mở rộng một số sân bay…

Về cảng, chúng ta đang tập trung đầu tư mở rộng phát triển cảng lớn như Lạch Huyện, Liên Chiểu, Quy Nhơn, Cái Mép-Thị Vải. Chúng ta cũng đang đầu tư phát triển hệ thống giao thông thủy ở đồng bằng sông Cửu Long… Đột phá về hạ tầng chiến lược đang được triển khai tích cực, góp phần tạo không gian phát triển mới như khu đô thị, dịch vụ, giảm giá thành logistics, tạo sự cạnh tranh cho hàng hoá trên thị trường thế giới. Về hạ tầng điện, chúng ta lập kỳ tích hoàn thành Đường dây 500kV Quảng Trạch-Phố Nối chỉ trong hơn 6 tháng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. (Ảnh: Trần Hải).

Tất cả kết quả đó đều do các nhà thầu đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, cũng như đóng góp vào khắc phục hậu quả bão lũ, đại dịch Covid-19. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao các nhà thầu xây dựng đóng góp vào quá trình phát triển doanh nghiệp, phát triển chung của đất nước.

Thủ tướng nêu rõ, tại cuộc làm việc này, Chính phủ mong muốn lắng nghe các ý kiến của các doanh nghiệp xây dựng vừa qua đã làm những gì tốt, những gì chưa tốt? Nguyên nhân vì sao? Từ đó chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm gì để tới đây còn triển khai các công trình trọng điểm quốc gia lớn như tuyến đường sắt tốc độ cao, sân bay lớn, cảng biển… Quá trình làm, chúng ta đa dạng hóa nguồn vốn của Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác công tư, vốn đi vay….; quan tâm vấn đề hoàn thiện thể chế còn vướng một số vấn đề liên quan đấu thầu, quy hoạch liên quan, liên quan mỏ đất, đá, vệ sinh môi trường, hoàn nguyên…; chúng ta cần phải làm các công trình lớn hơn nữa để càng ngày lớn mạnh hơn, tự tin hơn.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Trần Hải).

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ chủ trương luôn lắng nghe các ý kiến đóng góp, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, thách thức với tinh thần cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển; lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng mong các đại biểu dành thời gian, công sức, trí tuệ để buổi làm việc này đạt kết quả; chúng ta thẳng thắn lắng nghe ý kiến của nhau để làm tốt hơn, nhiều việc hơn trong giai đoạn tới; cần liên kết với nhau, kể cả với nước ngoài để làm những việc lớn hơn, nhanh hơn vì sắp tới chúng ta sẽ triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao; do đó cần các nhà thầu lớn, có kinh nghiệm, dám dấn thân, vượt qua giới hạn chính mình để làm tốt hơn.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan tại buổi làm việc. (Ảnh: Trần Hải).

* Theo Bộ Giao thông vận tải, từ năm 2021 đến nay, cả nước đã hoàn thành đưa vào khai thác 858km đường bộ cao tốc (gấp khoảng 5 lần giai đoạn trước đây), nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác sử dụng lên 2.021km.

Hiện nay, Bộ và các địa phương đang đầu tư xây dựng 40 dự án/92 dự án thành phần trên 3 lĩnh vực trọng tâm là đường bộ, đường sắt và hàng không; trên địa phận 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó nổi bật như đang thi công khoảng 1.700km đường bộ cao tốc (các Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, các dự án cao tốc trục ngang: Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc Cần Thơ-Sóc Trăng; dự án đường vành đai 3 Thủ đô Hà Nội, đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh), dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều dự án, công trình có quy mô lớn khác.

Các dự án trọng điểm đang được tích cực triển khai thi công, phấn đấu đến năm 2025, cả nước có trên 3.000km đường bộ cao tốc, dự kiến khởi công xây dựng Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam (với chiều dài khoảng 1.541km) vào cuối năm 2027, phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035 theo đúng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ để phục vụ đi lại của người dân và doanh nghiệp.

Đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc. (Ảnh: Trần Hải).

Để đạt được thành tựu và kết quả nêu trên, nhà thầu, doanh nghiệp xây dựng (tư vấn, xây lắp) đóng vai trò then chốt, quyết định, bởi đây là chủ thể chính, trực tiếp thực hiện và tạo ra sản phẩm xây dựng (hồ sơ thiết kế, công trình xây dựng), quyết định đến chất lượng, tuổi thọ, an toàn, kiến trúc, kỹ-mỹ thuật của công trình, quyết định tiến độ, hiệu quả đầu tư xây dựng.

Đặc biệt, đối với Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, giai đoạn 2017-2020, các nhà thầu đã nỗ lực vượt bậc và xác định việc hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là danh dự, uy tín, trách nhiệm của mình để khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, quyết tâm hoàn thành các dự án. Do vậy, năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu tham gia thực hiện dự án đầu tư xây dựng là yếu tố đảm bảo sự thành công của dự án, nhất là các dự án, công trình trọng điểm Quốc gia.

Về năng lực nhà thầu tham gia thi công các công trình trọng điểm quốc gia: trong giai đoạn trước đây, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, khối lượng công việc do các doanh nghiệp xây dựng trong nước thực hiện không lớn; công tác thiết kế, thi công xây dựng các công trình có kỹ thuật cao như hầm, cầu dây văng chủ yếu do nhà thầu nước ngoài đảm nhận thực hiện, nhà thầu trong nước chủ yếu tham gia với vai trò thầu phụ.

Theo khảo sát của Bộ Giao thông vận tải, thời điểm cuối năm 2022, số lượng nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng công trình giao thông có giá trị hợp đồng từ 1.000 tỷ đồng trở lên không nhiều (khoảng 14 nhà thầu).

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tại buổi làm việc. (Ảnh: Trần Hải).

Những năm vừa qua, một số doanh nghiệp lớn (Tập đoàn, Tổng công ty...) đã tham gia xây dựng tại các dự án, công trình giao thông lớn (như cao tốc bắc-nam giai đoạn 2017-2020, giai đoạn 2021-2025...) đã tích lũy thêm năng lực, kinh nghiệm thực hiện các công trình, dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp; đội ngũ nhân sự đã được tăng cường, nâng cao kinh nghiệm quản lý, thi công xây dựng; nhiều máy móc, thiết bị đã được đầu tư, mua sắm. Tại Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 có khoảng 50 doanh nghiệp tham gia thi công, với giá trị đảm nhận của mỗi doanh nghiệp tại 1 gói thầu trung bình khoảng 500 tỷ đồng, trong đó giá trị nhà thầu đảm nhận lớn nhất tại 1 gói thầu khoảng 2.300 tỷ đồng.

Đến nay, các nhà thầu trong nước dần lớn mạnh, đã cơ bản làm chủ công nghệ từ khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng hầu hết các công trình giao thông lớn, có tính chất, yêu cầu kỹ thuật phức tạp như công trình cầu dây văng, dây võng, cầu bê tông cốt thép nhịp đúc hẫng cân bằng, công trình hầm qua núi, vượt sông, ....

Trong quá trình thi công xây dựng, các nhà thầu đã không ngừng cải tiến công nghệ, ứng dụng khoa học-kỹ thuật tiên tiến trên thế giới trong quản lý, điều hành và tổ chức thi công xây dựng. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị thi công hiện đại, đồng bộ để phục vụ xây dựng như các thiết bị khoan, đào hầm, thiết bị thi công cầu lớn,... rất hiệu quả và tạo ra sản phẩm công trình với chất lượng với kỹ-mỹ thuật cao như: tự thiết kế, thi công cầu Mỹ Thuận 2 nhịp dây văng dài 350m, hầm Thần Vũ dài 1,1km, hầm Núi Vung dài 2,2km, các dự án có kỹ thuật phức tạp lần đầu áp dụng ở Việt Nam như hệ dàn thép khẩu độ lớn tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành...

Tại công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia do Bộ Giao thông vận tải quản lý cũng như của các địa phương đang được đầu tư xây dựng hiện nay, các doanh nghiệp tham gia thi công xây dựng đều là các nhà thầu mạnh, có năng lực, kinh nghiệm và uy tín; có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, có tập thể kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề.

Các nhà thầu xây dựng đang nỗ lực, cố gắng hết sức mình triển khai thi công, đặc biệt trong việc hưởng ứng phát động "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc" của Thủ tướng Chính phủ. Các kỹ sư, công nhân của các nhà thầu đã và đang nêu cao tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão", thi công "3 ca 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "đã ra quân là chiến thắng”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi" theo đúng tinh thần chỉ đạo, động viên, khích lệ của Thủ tướng Chính phủ…

Tại hội nghị, các hiệp hội, doanh nghiệp đã kiến nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành nhiều giải pháp tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp xây dựng trong nước vươn lên phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, nhất là đủ khả năng đảm đương các dự án trọng điểm quốc gia.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cũng giải đáp ngay tại hội nghị kiến nghị của các doanh nghiệp với tinh thần đồng hành, chia sẻ, chung tay vào cuộc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được quan tâm thường xuyên bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phát triển ngành xây dựng, đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng tham gia xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng thường xuyên đi kiểm tra, tháo gỡ khó khăn ngay tại công trường; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nói chung và các doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là giải phóng mặt bằng, hệ thống chính trị, người dân phải vào cuộc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, doanh nghiệp đã làm tốt sứ mệnh lịch sử của mình thời gian qua, thể hiện qua việc đất nước có thêm nhiều công trình trọng điểm như các tuyến cao tốc, sân bay hiện đại. Từ đó, chúng ta cần phát huy những thành tích để làm tốt hơn thời gian tới. Thủ tướng cho rằng, trong quá trình này, cái được vẫn là cơ bản thì mới phát triển, mới có cơ đồ ngày nay; những cái chưa được, hạn chế, vướng mắc lúc nào cũng có. Điều quan trọng chúng ta cần nhận thức rõ, nhìn ra, ngồi cùng nhau bàn bạc, giải quyết từ cái nhỏ đến cái lớn, luôn cộng tác, thấu hiểu, chia sẻ để giải quyết.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương tinh thần làm việc, sự đóng góp, cống hiến của các doanh nghiệp xây dựng, nhất là trong việc phát triển kết cấu hạ tầng đất nước.

Thủ tướng nêu rõ, hiện nay vẫn tồn tại nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, định mức, đơn giá, vấn đề thanh toán, bố trí vốn.., ảnh hưởng hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng, đòi hỏi chúng ta phải cố gắng hơn nữa. Vừa qua, chúng ta đã sửa nhiều luật liên quan rất rất tích cực, nhưng chúng ta không thể giải quyết hết trong một thời gian ngắn mà phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội; việc tổ chức thực hiện chưa được như mong muốn; bên cạnh đó, việc đào tạo kỹ năng nghề còn hạn chế… Do đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cùng nhau cố gắng, nỗ lực, khắc phục hạn chế, yếu kém thời gian tới.

Về công việc sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra trong đó có chỉ tiêu phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hệ thống đường cao tốc. Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cùng thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, về nhận thức, đột phá hạ tầng chiến lược có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần mở rộng khôi phục gian phát triển, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, làm tăng giá trị gia tăng của đất, giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá.

Thứ hai, cùng nhau huy động nguồn lực, đa dạng hoá nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân, các nhà đầu tư gián tiếp, trực tiếp, nguồn hợp tác công tư để thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu về phát triển hạ tầng chiến lược với tinh thần hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thứ ba, tập trung phát triển công nghệ, ứng dụng thành quả Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới; quản trị thông minh; cùng nhau vận dụng sáng tạo, hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển giao công nghệ tiên tiến trên thế giới; đào tạo nguồn nhân lực ở trong nước, ngoài nước, ở thực tiễn để phát huy tốt hơn mọi tiềm năng.

Thứ tư, chúng ta xác định thể chế là đột phá; cần hoàn thiện thể chế liên quan vấn đề giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, quy chuẩn, quy trình, đấu thầu, chỉ định thầu…; phải luôn quan tâm, bổ sung, hoàn thiện thể chế để bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho giải phóng mặt bằng, khai thác nguyên vật liệu, đấu thầu, đấu giá.., tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Thứ năm, các doanh nghiệp xây dựng phát huy tự lực, tự cường, đi lên bằng sức mạnh nội sinh, có sự giúp đỡ của Nhà nước về nguồn lực tài chính, con người, hợp tác với nước ngoài về chuyển giao công nghệ.

Thứ sáu, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ các khó khăn, thách thức, động viên, khích lệ các thành quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, nhân lực, nguồn lực, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, góp phần xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng cường giám sát, kiểm tra, cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động xử lý, thực hiện những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, phạm vi của mình. Đối với Bộ Xây dựng, Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức phù hợp, kịp thời, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; chủ động, hướng dẫn khi các doanh nghiệp gặp khó khăn; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương phổ biến, cập nhật các quy định luật pháp. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần cập nhật, lắng nghe, đi kiểm tra, giám sát, từ đó tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để xử lý kịp thời. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện quản lý nhà nước liên quan công tác quy hoạch, cơ chế, chính sách giải quyết kịp thời, vận dụng các cơ chế, chính sách sẵn có, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp tình hình để huy động, kích hoạt mọi nguồn lực của người dân, doanh nghiệp phát triển hạ tầng.

Bộ Tài chính bảo đảm các chính sách liên quan chính sách tài khoá thuận lợi để các doanh nghiệp phát huy tốt, liên quan công tác thanh toán, giá cả, hợp đồng, quyết toán được thuận lợi, nhanh chóng. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan chính sách tiền tệ, bảo đảm lãi suất, tỷ giá, xuất nhập khẩu tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các hợp đồng; kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô; xây dựng các vấn đề liên quan vay vốn đầu tư; các ngân hàng phải vào cuộc thực tế, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại cổ phần tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, góp phần hạ lãi suất, nhất là có các gói tín dụng ưu tiên cho phát triển hạ tầng. Ngành Ngân hàng cùng với doanh nghiệp làm tốt việc này. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ nghiên cứu việc nâng cao đào tạo kỹ năng nghề vì đào tạo nghề xây dựng rất quan trọng; qua đó, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho ngành Xây dựng.

Các địa phương cần làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; huy động cả sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, vì giải phóng mặt bằng không đơn thuần là di dời nhà cửa, còn liên quan mồ mả, công ăn việc làm, sinh kế của người dân; tập trung làm tốt công tác tái định cư, nhất là tái định cư tại chỗ; nếu xây dựng mới các khu tái định cư tại chỗ phải bảo đảm đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy, các công trình chậm trễ chủ yếu do giải phóng mặt bằng. Do đó, cần tách phần giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án nhóm B, nhóm C; vì khi được duyệt dự án mới thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thì sẽ bị chậm trễ. Các địa phương không được để các Ban quản lý dự án, nhà thầu “cô đơn trên công trường”. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần xem xét lại các thủ tục liên quan, trong đó liên quan có việc chuyển đổi đất rừng, đất lúa.

Đối với các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án phải hỗ trợ doanh nghiệp phải bảo đảm hồ sơ, giấy tờ chặt chẽ; quan tâm, xử lý, hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp, xem việc của các doanh nghiệp như việc của mình. Thủ tướng tán thành cần phải nghiên cứu, sửa Luật Đấu thầu, theo đó, cần ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn đã từng tham gia các công trình lớn theo hướng đơn giản hoá, bảo đảm tiết kiệm chi phí, không xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Đối với các doanh nghiệp, nhà thầu tư vấn, tư vấn giám sát, phát huy tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp lên trên hết, trước hết; hoạt động đúng pháp luật, tránh tình trạng bán thầu, đội giá. Tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện; "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió”, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết, luôn năng động,s sáng tạo, có nhiều đổi mới; dám nghĩ, dám làm của các doanh nghiệp thi công, tư vấn giám sát. Đối với các hiệp hội, Thủ tướng yêu cầu cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, tập hợp, phản ánh những vấn đề xác đáng để kiến nghị điều chỉnh.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp cần phát huy tinh thần đi lên từ “bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển”, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp; “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”. Thủ tướng tin tưởng các doanh nghiệp xây dựng phát huy tinh thần yêu nước; kêu gọi các doanh nghiệp tích cực tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực phong trào thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường cao tốc trong năm 2025…

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày