Thứ 4, 13/11/2024, 06:49[GMT+7]

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Thứ 4, 16/10/2024 | 18:50:06
967 lượt xem
Chiều 16/10, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ có cuộc tiếp xúc cử tri đại diện cán bộ, hội viên tiêu biểu Hội Nông dân và chủ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn thành phố trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: THANH GIANG).

Cùng dự có các Đại biểu Quốc hội: Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Đào Chí Nghĩa, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ; Nguyễn Thanh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ. 

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ báo cáo nội dung chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và một số kết quả thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý, đầu tư; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất và chế biến; tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố, 9 tháng năm 2024.

Đồng chí Đào Chí Nghĩa, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ báo cáo tại cuộc tiếp xúc cử tri. (Ảnh: THANH GIANG).

Các cử tri đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, nhờ đó tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2024 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. Các cử tri nêu nhiều ý kiến liên quan các vấn đề: Chính phủ quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo đầu tư thực hiện từ nguồn kinh phí của bộ, ngành Trung ương, Chính phủ để nhanh nhất có thể thực hiện Dự án thành phố Cần Thơ thích ứng biến đổi khí hậu, nhằm vừa bảo đảm an ninh nguồn nước, vừa trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa ngăn xâm nhập mặn và chống ngập, chống sạt lở khi triều dâng kết hợp mưa lớn.   

Đại diện cử tri thành phố Cần Thơ đặt câu hỏi đối với Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố. (Ảnh: THANH GIANG).

Các cử tri cũng đề nghị thông tin về tiến độ cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ đến nay như thế nào, vì sao tiến độ thực hiện còn chậm?

Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo có những chính sách hỗ trợ nông dân tại chỗ và khu vực lân cận thực hiện tốt việc chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, có đủ trình độ đáp ứng tuyển dụng công việc khi các khu công nghiệp đi vào hoạt động và đảm bảo sinh kế cho nhân dân nơi chịu ảnh hưởng bởi dự án. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đề xuất tăng mức hỗ trợ, để nông dân và người lao động tự do có cơ hội tham gia Bảo hiểm xã hội nhiều hơn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong tương lai.

Đại diện cán bộ, hội viên tiêu biểu Hội Nông dân, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố Cần Thơ tại cuộc tiếp xúc cử tri. (Ảnh: THANH GIANG).

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản ánh, giải trình và trả lời kiến nghị cử tri.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tầm quan trọng của nông dân, nền nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong việc bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, tăng cường xuất khẩu; khẳng định trong thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp về xuất khẩu nông sản hết sức quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long (chiếm tới 90% lượng gạo xuất khẩu) và của bà con nông dân trong vùng.

Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng liên quan sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long; Chính phủ luôn quan tâm, cũng có nhiều quyết sách quan trọng cho Vùng như triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, ít phát thải cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hay điển hình là phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hệ thống đường cao tốc trong khu vực, thể hiện nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các địa phương trong Vùng. Tới đây, chúng ta nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn lớn của đồng bằng sông Cửu Long là cảng biển, cảng thủy nội địa, đầu tư mở rộng, nâng cấp các sân bay và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì khu vực sẽ phát triển mạnh mẽ.

Hoan nghênh các kiến nghị của cử tri tại cuộc tiếp xúc này, giải đáp và làm rõ thêm các ý kiến này, Thủ tướng nêu rõ, đồng bằng sông Cửu Long không chỉ đối mặt với sạt lở mà còn sụt lún, khô hạn và ngập úng. Để giải quyết các vấn đề này, chúng ta phải đầu tư, giải quyết căn cơ. Về nhóm chính sách về hỗ trợ tín dụng, Chính phủ rất quan tâm và liên tục chỉ đạo vấn đề này, nhất là luôn quan tâm tín dụng cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long; cho rằng cần “thổi hồn” vào cây lúa, sản phẩm trái cây, truyền thống lịch sử, văn hóa.

Về chương trình chống sạt lở, Thủ tướng đã chỉ đạo địa phương phải chi ngay kinh phí để khắc phục; đồng thời nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Về liên kết chế biến các mặt hàng nông sản, Thủ tướng yêu cầu cần có cơ chế, chính sách, thuế, vận tải, kho bãi, do đó đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương có thiết lập một trung tâm giao dịch, chế biến, xuất khẩu đặt tại Cần Thơ vì đây phải là trung tâm dịch vụ, chế biến, cung cấp giống cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: THANH GIANG).

Về cơ giới hóa nông nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, đất nước ta đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do đó dứt khoát phải cơ giới hóa, điện khí hóa, chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Về vấn đề bảo hiểm xã hội, Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét, nghiên cứu hỗ trợ bảo hiểm xã hội cho người nông dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo tương xứng mặt bằng chung của cả nước vì đây là đòi hỏi chính đáng.

Về phát triển nông nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, trước hết chúng ta phải quy hoạch phát triển rõ ràng; làm thương hiệu sản phẩm như thương hiệu gạo ST25, cá tra, ba sa, tôm… thì mới nâng cao được giá trị; đi đôi với đó là chỉ dẫn địa lý, quy hoạch vùng trồng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; phải có sự hỗ trợ của ngân hàng về vốn; có doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu, vật tư đầu vào, giống, máy móc trang thiết bị, thu mua sản phẩm; tăng cường liên kết hợp tác xã, hộ nông dân, liên kết, liên doanh để sản xuất lớn; phát triển hạ tầng số, điện, giao thông, khu công nghiệp; sự nỗ lực của các địa phương, nông dân.

Về kỳ họp thứ 8 tới đây, Thủ tướng đánh giá đây là kỳ họp rất nặng để xem xét thông qua nhiều dự án luật vì hiện nay, đất nước phải đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế. Theo đó, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 18 luật, 2 nghị quyết; cho ý kiến các nội dung quan trọng như đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025…

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ. (Ảnh: THANH GIANG).

Về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng cho biết, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, điều hành theo phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, trong đó tập trung ưu tiên cho tăng trưởng; dự kiến năm nay cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra: kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng và các cân đối lớn; thu ngân sách nhà nước và đầu tư toàn xã hội tăng; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách được kiểm soát tốt; an ninh quốc phòng được giữ vững, tăng cường, công tác đối ngoại được đẩy mạnh…

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung thực hiện hiệu quả 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: tập trung khắc phục hậu quả, phòng, chống thiên tai, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong đó, triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 143 của Chính phủ, các Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Chuẩn bị kỹ, bảo đảm tiến độ, chất lượng các báo cáo, Đề án tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII với tinh thần chủ động thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công và chủ động, kịp thời xử lý vướng mắc, tạo đồng thuận cao.

Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng năm 2024 đạt khoảng trên 7%. Đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; trong đó, về đầu tư tập trung giải ngân vốn đầu tư công; về xuất khẩu tập trung đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; về tiêu dùng tập trung tăng tổng cầu. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số quốc gia. Tiếp tục xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài; chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, chăm lo nhà ở cho người nghèo; áp dụng thêm cơ chế thuê, thuê mua. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; đẩy mạnh xóa nhà tạm, nhà dột nát; khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026 và chi đầu tư ngân sách nhà nước 2026-2030. Tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp; tiến tới Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Không để thiếu vật tư y tế, xăng dầu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh; chăm lo chỗ ở cho người nghèo.

Thủ tướng yêu cầu thành phố Cần Thơ phải tăng cường đoàn kết trong Đảng bộ, chính quyền; huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp; tập trung cho tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xử lý tốt các vấn đề tồn đọng; xử lý các vấn đề ngập lụt, sạt lở…

Thủ tướng khẳng định, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ xin hứa với cử tri nỗ lực hết trách nhiệm, mang ý kiến, tiếng nói của cử tri của Cần Thơ và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng thể chế, quyết định các vấn đề lớn của đất nước, giám sát tối cao, thực hiện tốt trách nhiệm của người Đại biểu nhân dân; Thủ tướng mong mong tiếp tục nhận được sự quan tâm sát sao, sự tin tưởng và ủng hộ của toàn thể các đồng chí, đồng bào, cử tri để nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và trách nhiệm được giao.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày