Thứ 7, 23/11/2024, 09:25[GMT+7]

Kiến nghị nhà thuốc bệnh viện được tự quyết mua sắm thuốc, không cần qua đấu thầu

Thứ 4, 06/11/2024 | 17:23:02
908 lượt xem
Phát biểu ý kiến tại hội trường, một số đại biểu Quốc hội đề xuất không áp dụng việc đấu thầu đối với nhà thuốc hoạt động trong khuôn viên bệnh viện, cơ sở y tế công lập.

Quang cảnh phiên làm việc chiều 6/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Chiều 6/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Phát biểu ý kiến, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) quan tâm tới việc sửa đổi, bổ sung của Luật Đấu thầu tại khoản 2 Điều 55 của Luật Đấu thầu về quy định bán lẻ thuốc tại nhà thuốc của bệnh viện công lập. Đại biểu cho rằng, việc mua thuốc để bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện sử dụng nguồn thu hợp pháp nhưng vẫn thuộc đối tượng áp dụng tại Điều 2 Luật Đấu thầu nên gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, nếu sửa như dự thảo Luật là áp dụng mua sắm trực tiếp thì chưa thể tháo gỡ được khó khăn mua sắm tại các cơ sở y tế công lập, trong đó có việc mua thuốc cho các cơ sở bán lẻ thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện công lập.

Đại biểu Trần Khánh Thu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Đại biểu thẳng thắn chỉ ra 2 lý do, bao gồm:

Thứ nhất, mua sắm trực tiếp không phải là áp giá. Trong các quy định về đấu thầu không có hình thức nào áp giá. Mua sắm trực tiếp cũng là một hình thức lựa chọn nhà thầu nên cần thực hiện các quy trình, trình tự lựa chọn nhà thầu như: xây dựng kế hoạch và khó xác định được nhu cầu để xây dựng kế hoạch; tổ chức thẩm định, phê duyệt chọn nhà thầu; phát hành hồ sơ, đánh giá hồ sơ, đề xuất và thẩm định cũng như phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Thời gian các bước không thể cắt ngắn được.

Trong khi nhà thuốc bệnh viện không chỉ phục vụ người bệnh nội trú mà còn phục vụ người bệnh ngoại trú, người nhà người bệnh và các đối tượng khác. Hiện nay cũng chưa có mẫu hồ sơ đối với việc mua sắm trực tiếp.

Thứ hai, nhà thuốc bệnh viện hoạt động theo hình thức kinh doanh có đóng thuế nên hàng hóa bán tại đây có cả chi phí tổ chức đấu thầu và các chi phí, thuế phí của cơ sở kinh doanh sẽ được tính trên giá thành sản phẩm. Người dân sẽ lại phải chịu tăng thêm chi phí này. Nguồn thu hợp pháp của đơn vị tự chủ công lập còn có nguồn thu khác như: căng-tin, tạp hóa. Nếu áp dụng phạm vi Điều 2 của Luật Đấu thầu thì các sản phẩm tại đây cũng thuộc đối tượng áp dụng.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) nêu quan điểm, cơ sở bán lẻ thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở cung cấp thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các hàng hóa thiết yếu khác trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo quy định, nhà thuốc bệnh viện do Giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm toàn diện hoạt động.

Về giá thuốc mua vào, Nghị định 155 của chính phủ quy định nhà thuốc bệnh viện mua thuốc không cao hơn giá trúng thầu của thuốc đó tại cùng thời điểm, hoặc không cao hơn giá trúng thầu tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến trung ương trong vòng 12 tháng. Về giá thuốc bán ra, Nghị định 54 của chính phủ quy định thặng số bán lẻ tối đa của tất cả các thuốc tại nhà thuốc bệnh viện.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

“Nhà thuốc bệnh viện bán thuốc theo nhu cầu của người bệnh, không dự trù trước được về danh mục, số lượng, mô hình bệnh tật cũng liên tục thay đổi, do đó rất khó để xây dựng được kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Thiếu thuốc tại nhà thuốc bệnh viện buộc người dân phải mua bên ngoài, vừa bất tiện, vừa khó kiểm soát được chất lượng và giá cả, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất”, đại biểu nêu.

Đại biểu phân tích: Quy định tại Khoản 1 Điều 2 và khoản 2 Điều 55 của Luật Đấu thầu đã gây ra không ít lúng túng cho các bệnh viện. Theo khoản 1 Điều 2, tất cả các hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị đều phải áp dụng luật đấu thầu, trong khi quy định tại khoản 2 Điều 55 cho phép cơ sở được tự quyết định việc mua sắm.

Khi triển khai thực tế, đã có rất nhiều sở y tế và các cơ sở khám chữa bệnh gửi công văn tới Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch và đầu tư phản ánh khó khăn, bất cập, đề nghị hướng dẫn nội dung này.

Trước thực trạng trên, cả 2 nữ đại biểu đều kiến nghị sửa Khoản 2 Điều 55 theo hướng: Đối với việc mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; mua thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng hóa thiết yếu khác tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đồng thời kiến nghị sửa khoản 1 Điều 2 như sau: Hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 55 của Luật này).

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày