Thứ 5, 15/05/2025, 20:48[GMT+7]

Văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện có hiệu lực tối đa đến 1/3/2027

Thứ 5, 15/05/2025 | 12:48:07
368 lượt xem
Chính phủ đề xuất, các văn bản do cấp huyện ban hành trước khi sắp xếp bộ máy vẫn tiếp tục có hiệu lực trong phạm vi địa giới đơn vị hành chính của huyện đó cho đến khi cấp xã mới ra quyết định bãi bỏ, hoặc thời hạn hiệu lực tối đa đến 1/3/2027.

Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. (Ảnh: BÙI GIANG).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 15/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bổ sung quy định để xử lý văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã; vai trò tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cùng đó, bổ sung một số quy định để đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định để tạo thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thi hành Luật, nhất là khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Theo Bộ trưởng Tư pháp, dự thảo Luật bỏ hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện; bổ sung hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới của chính quyền cấp xã.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng bỏ quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp huyện, bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã.

Dự thảo cũng sửa đổi theo hướng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định về “chính sách, biện pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp”; sửa đổi về thời gian Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội sớm hơn 3 tháng so với hiện hành.

"Việc chỉnh sửa này phù hợp chủ trương bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 được tổ chức sớm hơn", Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung quy định để xử lý văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành và hoàn thành việc xử lý trước ngày 1/3/2027 để bảo đảm tính thống nhất trong việc xử lý văn bản quy phạm pháp luật do cấp huyện ban hành.

Quang cảnh phiên họp ở hội trường sáng 15/5. (Ảnh: BÙI GIANG).

Cụ thể, văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp tục có hiệu lực trong phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện trước khi sắp xếp. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã phải quy định rõ ngay trong văn bản do mình ban hành thời điểm không áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi địa giới đơn vị hành chính của cấp xã. Việc thay thế văn bản cấp huyện phải hoàn thành trước ngày 1/3/2027. Sau thời điểm này, văn bản quy phạm pháp luật do cấp huyện ban hành chính thức hết hiệu lực.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung theo hướng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã không được quy định hiệu lực trở về trước.

Tán thành thời điểm hiệu lực tối đa của văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về nội dung văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã, đề nghị cân nhắc việc quy định Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định để phân cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, vì chính quyền cấp xã phải gần dân, sát dân, trực tiếp và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Nếu thực hiện phân cấp thì các cơ quan nhận phân cấp mới là chủ thể chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, có thể lại tạo ra cấp trung gian trong giải quyết công việc tại cấp chính quyền cơ sở.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành đề xuất của Chính phủ quy định nội dung chuyển tiếp cho phép văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp tục có hiệu lực trong phạm vi địa giới của đơn vị hành chính cấp huyện trước khi sắp xếp cho đến thời điểm không áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đó theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã sau sắp xếp, hoặc có hiệu lực tối đa đến ngày 1/3/2027 để không tạo khoảng trống pháp luật do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật-Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: BÙI GIANG).

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để quy định về chuyển giao nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện để đề xuất quy định chuyển tiếp về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền cấp huyện ban hành trước khi sắp xếp bảo đảm phù hợp với thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tiếp nhận thẩm quyền (cấp tỉnh hoặc cấp xã).

Đồng thời, quy định cụ thể về trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương, văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định áp dụng riêng cho địa phương cấp huyện thì sau khi cấp huyện kết thúc hoạt động sẽ được áp dụng như thế nào.

Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương, văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định áp dụng riêng cho địa phương cấp xã thì sau khi sáp nhập sẽ được áp dụng như thế nào?

Trường hợp đơn vị hành chính cấp xã được hình thành trên cơ sở nhập các đơn vị hành chính cấp xã thuộc hai hay nhiều đơn vị hành chính cấp huyện trước khi sắp xếp (thí dụ ở Thành phố Hồ Chí Minh) thì việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị hành chính cấp huyện đó ra sao?

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày