Đầu tư hiệu quả các dự án cấp nước sạch nông thôn tại Hà Nội
Để mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân được sử dụng nước sạch đòi hỏi thành phố cần đầu tư hiệu quả các dự án cấp nước sạch nông thôn.
Hiệu suất thấp, tỷ lệ thất thoát nước còn cao
TP Hà Nội hiện có 12 quận nội thành với quy mô dân số khoảng 3,26 triệu người; khu vực nông thôn gồm 17 huyện và thị xã Sơn Tây bao gồm 416 đơn vị hành chính cấp xã, tương đương khoảng 4,331 triệu người. Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, đến nay, người dân đô thị được cấp nước sạch đạt tỷ lệ gần 100% (còn một số hộ dân thuộc quận Nam Từ Liêm chưa đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung của thành phố do vướng mặt bằng). Trong khi đó, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được cấp nước sạch chỉ đạt 52%.
Lý giải về nguyên nhân tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn còn thấp, đại diện Sở Xây dựng cho rằng, hiệu suất hoạt động trung bình của các trạm cấp nước nông thôn hiện chưa cao (khoảng 75% so với công suất thiết kế). Trong khi đó, tỷ lệ thất thoát nước trung bình hiện nay của các trạm cấp nước là hơn 21%. Bên cạnh đó, các công trình nước sạch nông thôn được đầu tư trước đây có quy mô nhỏ, lẻ. Đội ngũ quản lý vận hành công trình thiếu kinh nghiệm, đào tạo chưa được chuyên sâu dẫn đến công trình sớm xuống cấp. Một số công trình chưa được quyết toán hoặc hồ sơ quyết toán chưa bảo đảm yêu cầu, nguồn vốn đầu tư từ nhiều chương trình, chia thành nhiều giai đoạn nên việc quản lý lưu trữ ở một số địa phương khó khăn. Công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thiếu chặt chẽ...
Một khó khăn nữa là giai đoạn trước đây các nhà đầu tư không quá mặn mà với các dự án nước sạch nông thôn do đặc thù khu vực nông thôn rộng lớn, mật độ dân cư còn thấp, đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian triển khai dài nhưng tiến độ hoàn vốn rất chậm; điều kiện vay vốn từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn.
Xã hội hóa đầu tư cấp nước sạch nông thôn
Để giải quyết vấn đề nước sạch khu vực nông thôn, đáp ứng tiêu chí về nước sạch trong quá trình xây dựng nông thôn mới, TP Hà Nội chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xã hội hóa lĩnh vực đầu tư cấp nước sạch khu vực nông thôn, nhằm thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các sở ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và phương án cho vay để thực hiện các dự án cấp nước trên địa bàn. Theo đó, đối với các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn được hưởng mức hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách thành phố theo mức: 90% đối với các dự án tại xã dân tộc và miền núi; 75% đối với các vùng đồi gò, trung du; 60% đối với đồng bằng; 45% đối với vùng thị trấn.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, đến nay, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 23 nhà đầu tư thực hiện 34 dự án với phạm vi cấp nước cho 267 xã, khoảng 614.347 hộ, với khoảng hơn 2,4 triệu người; các dự án hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ cấp nước nông thôn lên khoảng 94%. Đơn cử như Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước Dương Nội-Hà Đông công suất 30.000m3/ngày đêm sử dụng nguồn nước ngầm, hiện đã hoàn thành công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị. Dự án đầu tư xây dựng mở rộng nhà máy nước Bắc Thăng Long-Vân Trì nâng công suất lên 150.000m3/ngày đêm, bảo đảm hoàn thành toàn bộ công trình khai thác vận hành trong năm 2018... Dự kiến trong năm 2018, các dự án phát triển mạng cấp nước sẽ hoàn thành, đấu nối cấp nước bổ sung cho khoảng 61.000 hộ với khoảng 244.000 người, nâng tỷ lệ cấp nước nông thôn lên hơn 55%. Đối với các khu vực chưa có các nhà đầu tư, UBND thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư, cấp nước theo trạm cục bộ, phân tán (cụm hộ, cụm thôn), sử dụng công nghệ tiên tiến của Đức để cấp nước cho nhân dân.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến thành phố quý II-2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần quan tâm tháo gỡ vướng mắc cho chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ, tuyên truyền cho người dân tham gia sử dụng nước, lắp đặt công tơ. Sắp tới, thành phố sẽ chỉ đạo làm sạch đường ống cũ đã sử dụng nhiều năm, đồng thời kiến nghị Bộ Y tế cấp tiêu chuẩn nước sạch của thành phố theo tiêu chuẩn châu Âu, làm căn cứ triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, hỗ trợ hộ gia đình người có công, hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khi bắt đầu sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước sạch tập trung với mức 60% giá nước sạch trong năm đầu tiên và 30% giá nước sạch trong năm thứ hai. Từ đó, khuyến khích người dân sử dụng hệ thống nước sạch đã được đầu tư, góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện cuộc sống.
Theo: qdnd.vn
Tin cùng chuyên mục
- Quỳnh Phụ: Bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân 26.09.2023 | 09:32 AM
- Khắc phục khó khăn, bảo đảm cấp nước ổn định mùa nắng nóng 25.07.2023 | 10:29 AM
- Cấp nước sạch an toàn, ổn định 19.01.2023 | 02:55 AM
- Phổ biến các quy định của Bộ Y tế về quản lý chất lượng nước tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước sạch 25.04.2022 | 17:41 PM
- Công ty Mỹ Hưng cần khẩn trương cung cấp nước ổn định cho 2 xã An Thanh, An Mỹ 19.07.2021 | 09:42 AM
- Bể nước thắm tình quân dân 19.07.2021 | 10:17 AM
- Đưa nước sạch đô thị về nông thôn 16.07.2021 | 09:39 AM
- Nước sạch nghĩa tình 13.07.2021 | 18:03 PM
- Giúp đồng bào được sử dụng nước sạch 12.07.2021 | 08:36 AM
- Người Êđê giữ bến nước như mạch sống buôn làng 08.07.2021 | 20:50 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật