Nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên
Những thành công ban đầu
Trên những con đường bê-tông chạy dọc cánh đồng thuộc các thôn Bùi Xá, Thanh Sầm, Thái Hòa, Vĩnh Ðồng, Bí thư Ðảng ủy xã Ðồng Thanh (huyện Kim Ðộng) Tạ Ðình Ðiềm phấn khởi cho biết, sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, năm 2017, xã Ðồng Thanh hoàn thành 19 tiêu chí, tạo nên diện mạo mới từ trong làng ra tới ngoài đồng.
Khi bước vào xây dựng nông thôn mới, xã Ðồng Thanh xác định quy hoạch và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ then chốt tạo nên sự phát triển bền vững. Cùng với việc huy động sức dân xây dựng cơ sở hạ tầng trong làng, xã Ðồng Thanh đã đầu tư lớn cho xây dựng giao thông ngoài đồng, ô-tô có thể vào tận ruộng; chỉ đạo quyết liệt việc dồn thửa đổi ruộng (DTÐR) gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Trong thời gian ngắn, nhiều diện tích cấy lúa hiệu quả thấp được chuyển đổi trồng những cây trồng có giá trị kinh tế cao, hình thành vùng chuyên canh như cam, bưởi, nhãn... với tổng diện tích 230 ha, chiếm khoảng 70% diện tích canh tác của xã. HTX nông nghiệp rau củ quả được thành lập mới đã tích cực đưa quy trình sản xuất VietGAP vào sản xuất, chủ động xây dựng nhãn hiệu cam Ðồng Thanh, tổ chức quảng bá, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Nhờ đó, thu nhập từ cây trồng được nâng cao qua các năm. Ðến nay, thu nhập bình quân của xã đạt hơn 300 triệu đồng/ha/năm, đời sống người dân được cải thiện; việc xã hội hóa trong việc xây dựng nông thôn mới thuận lợi, mang lại sự hài lòng và ủng hộ của nhân dân.
Chủ tịch UBND xã Quang Hưng (huyện Phù Cừ) Lê Hồng Sơn cho biết, căn cứ vào tình hình và điều kiện sản xuất ở địa phương, xã Quang Hưng đã chọn DTÐR là khâu đột phá, nhằm tạo sức lan tỏa trong xây dựng nông thôn mới. Xã Quang Hưng đã xóa bỏ được tình trạng ruộng đất manh mún, nông dân tin tưởng hiến đất làm đường, mở rộng đường giao thông trong làng, xóm và trên các cánh đồng, giúp thực hiện cơ giới hầu hết các khâu trong sản xuất lúa. Bây giờ, xã Quang Hưng chỉ mất năm ngày là thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa. Việc cơ giới hóa ở phần lớn các khâu trong sản xuất đã giúp nâng cao năng suất lao động, giải phóng sức người, tạo điều kiện cho nông dân thâm canh ba vụ, với nhiều loại giống cây trồng có giá trị cao được đưa vào sản xuất đại trà như lúa chất lượng cao, dưa chuột xuất khẩu, bầu, bí, ớt... Cây vụ đông được mở rộng lên đến 250 ha, chiếm hơn 60% diện tích đất canh tác. Ðồng thời, tạo điều kiện cho hàng nghìn lao động chuyển sang làm việc ở các khu vực công nghiệp, dịch vụ với mức thu nhập cao; làm thay đổi cơ cấu lao động nông thôn, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chỉ còn chiếm gần 30%, lao động phi nông nghiệp chiếm hơn 70%, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh qua các năm, đến nay đạt hơn 40 triệu đồng/ người/ năm...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Hưng Yên Lê Trung Cần cho biết: Thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên là đề cao dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sức sáng tạo của nhân dân, với phương châm "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân quyết định". Các tổ chức đoàn thể, đảng viên vào cuộc bám sát cơ sở, xuống các thôn, xóm họp với dân, vào từng hộ gia đình tuyên truyền, giải thích những chủ trương, phương án xây dựng nông thôn mới và vận động người dân hưởng ứng, thực hiện. Với sự quyết tâm, tận tụy, dám nghĩ, dám làm, công khai, dân chủ của cấp ủy xã và chi bộ các thôn, nhất là các cán bộ, đảng viên đã không quản ngày đêm cùng dân bàn bạc phương án, đề án quy hoạch nông thôn mới, DTÐR, phát triển sản xuất đã tạo nên những thay đổi trong nhận thức của người dân. Về tổ chức sản xuất, tỉnh ban hành nhiều chính sách, cơ chế về quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị cao, bền vững; DTÐR, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ giống, chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến, quy trình sản xuất VietGAP; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, xúc tiến thương mại; xây dựng HTX kiểu mới ...
Vẫn còn nhiều trăn trở
Bí thư Ðảng ủy xã Thuần Hưng (huyện Khoái Châu) Ðào Tiến Hải tâm sự: Ðã ba năm nay, xã Thuần Hưng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng chúng tôi vẫn băn khoăn việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp chưa đạt được như ý muốn. Mặc dù xã làm xong DTÐR, các hộ gia đình có thửa ruộng lớn, thuận tiện cho sản xuất, nhiều tuyến đường ra đồng đã được cứng hóa bằng bê-tông nhưng sản xuất vẫn manh mún nhỏ lẻ theo hộ, hiệu quả chưa cao, chưa ổn định; nhiều hộ dân không còn mặn mà với đồng ruộng và chuyển sang làm tự do. Vùng chuyên canh rau an toàn bị phá vỡ, do các hộ tự ý chuyển sang trồng cây khác, mỗi hộ làm một kiểu. HTX kiểu mới để phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa được thành lập. Hiện nay, xã đang khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất để hình thành những mô hình sản xuất lớn. Một số hộ đang làm nhưng gặp trở ngại do quyết định của UBND tỉnh không cho làm nhà, lán tạm phục vụ sản xuất cho nên họ chưa dám đầu tư chuyển đổi cây trồng. Nếu nút thắt này được tháo gỡ, sẽ tạo động lực tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho chuyển đổi sản xuất hàng hóa giá trị cao phát triển và sẽ là hướng đi mới phù hợp ở xã Thuần Hưng.
Chủ tịch xã Minh Ðức (huyện Mỹ Hào) Ðặng Ngọc Lương cho biết, xã cũng đang loay hoay với bài toán phát triển kinh tế sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bởi phần lớn đất của xã đã dành cho phát triển công nghiệp, đất nông nghiệp còn lại không nhiều, nằm rải rác ở các thôn, khó xây dựng vùng sản xuất chuyên canh lớn, hiệu quả. Minh Ðức có hai thôn có nghề mộc thu hút nhiều nghệ nhân, lao động trung niên cho nên xã đã có chủ trương khuyến khích phát triển nghề mộc và quy hoạch hai cụm công nghiệp làng nghề nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được.
Bí thư Huyện ủy Mỹ Hào Vương Văn Ðức chia sẻ: Huyện đang phát triển theo hướng công nghiệp - thương mại, dịch vụ, đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư trong nước và ngoài nước. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa ở các thôn, xã để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Ðến nay, toàn bộ 12 xã của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ðể khai thác hiệu quả các công trình hạ tầng, thiết chế văn hóa, các xã, thôn cần quan tâm đến việc phát động các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để thu hút đông đảo hơn nữa các tầng lớp nhân dân tham gia, nhất là thanh niên để phát triển nếp sống lành mạnh. Khai thác và phát huy hiệu quả thế mạnh của các địa phương sau đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Mỹ Hào định hướng, khuyến khích phát triển theo từng vùng. Ở những xã còn nhiều diện tích đất nông nghiệp sẽ phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị hiệu quả cao. Những xã dành nhiều đất cho công nghiệp, huyện sẽ hỗ trợ, khuyến khích đào tạo nghề, phát triển dịch vụ, thương mại. Những địa phương có làng nghề, tiềm năng du lịch, huyện sẽ quy hoạch, xây dựng các cụm, khu công nghiệp làng nghề, khu du lịch dịch vụ…
Ðến nay, tỉnh Hưng Yên có 92 xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới; trong đó 87 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 60% tổng số xã toàn tỉnh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên hiện nay, có một số địa phương sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đang loay hoay trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, phát triển kinh tế ở địa phương. Nhiều chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế của tỉnh tuy được triển khai nhưng việc nhân rộng còn chậm, số HTX nông nghiệp kiểu mới được thành lập và hoạt động hiệu quả chưa nhiều, sức lan tỏa chưa lớn; lượng nông sản được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa được sản xuất còn khiêm tốn… Do vậy, để nâng cao hiệu quả chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhất là các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cần được các cấp, các ngành ở tỉnh Hưng Yên quan tâm tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về chất, nhất là trong sản xuất nông nghiệp để các xã giữ vững được chuẩn nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo: nhandan.com.vn
Tin cùng chuyên mục
- Một số giải pháp thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội 28.10.2024 | 11:31 AM
- Mường Thàng trước cơ hội bứt phá: Bài 1 - Những điểm sáng thực hiện nghị quyết của Đảng 11.10.2023 | 16:52 PM
- Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới 04.06.2022 | 23:54 PM
- Giải bài toán rác thải sinh hoạt nông thôn 22.12.2021 | 13:55 PM
- Hà Nội: Tích cực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025 19.07.2021 | 09:47 AM
- Tuổi trẻ cả nước ra quân làm đường, xây cầu thắp sáng những miền quê 18.07.2021 | 20:55 PM
- Đồng lòng hiến đất để làm đường liên thôn, liên xã ở Đắk Nông 17.07.2021 | 15:47 PM
- Hà Nội sẽ ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao 17.07.2021 | 15:47 PM
- Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An): Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực phấn đấu về đích huyện nông thôn mới năm 2021 16.07.2021 | 15:00 PM
- Nam Định: Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên ở xã vùng giáo 15.07.2021 | 14:49 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng