Lùi thời hạn thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) để lấy ý kiến nhân dân
Chiều 8/8, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Trên cơ sở xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thống nhất mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và đổi tên Dự án Luật thành Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Hiện dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được xây dựng với bố cục gồm 10 chương, 119 điều, quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động giáo dục.
Cho ý kiến về thi tốt nghiệp THPT, Luật Giáo dục hiện hành quy định quy định học sinh học hết chương trình THPT, có đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp THPT.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đưa ra 2 loại ý kiến:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn GDPT của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh. Kỳ thi này còn có ý nghĩa cung cấp chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT cho mục đích liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế. Việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Ý kiến thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại. Điều chỉnh này cũng tạo điều kiện tốt hơn đối với các trường hợp người học theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định được học lên các trình độ cao hơn.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ủng hộ ý kiến thứ nhất.
Nhấn mạnh kỳ thi THPT quốc gia vừa qua còn để lại những vấn đề đáng suy nghĩ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc sửa đổi Luật Giáo dục cần phải được tiếp tục nghiên cứu thực tiễn, lấy ý kiến cử tri và nhân dân và đầu tư thời gian nhiều hơn để xây dựng một cách chặt chẽ, thận trọng, thấu đáo, nhất là vấn đề về thi cử và đánh giá chất lượng giáo dục, tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra trong thi cử như vừa qua. Nếu thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới thì quá sớm, nhiều vấn đề trong luật còn ý kiến trái chiều.
Cho ý kiến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, kinh nghiệm thực tiễn, nếu tổ chức thi, muốn tốt nghiệp phổ thông, các cháu học sinh sẽ chuẩn bị từ lớp 10 và ngược lại. Không nên đặt vấn đề đỗ tốt nghiệp 98%, trượt có vài phần trăm mà phải đánh giá chất lượng giáo dục suốt cả một quá trình, qua các kỳ thi. Nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT và cấp một chứng nhận đã học xong THPT chưa chắc chất lượng giáo dục đã được bảo đảm. “Quan điểm của tôi là nên duy trì tổ chức kỳ thi để đánh giá chất lượng giáo dục, vấn đề ở đây là cách thức tổ chức thế nào”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu quan điểm.
Đồng tình quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hồng Thanh cũng nhất trí phải có thi THPT, vì cho rằng đã học là phải thi và kỳ thi “2 trong 1” như hiện nay là phù hợp. "Vấn đề ở đây là tổ chức kỳ thi 2 trong 1 sao cho phù hợp nhất"- ông Nguyễn Hồng Thanh nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng đề nghị, dự án Luật này cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân vì đây là vấn đề có liên quan đến toàn dân, toàn xã hội để mục tiêu cuối cùng là xây dựng được một luật hợp lòng dân nhất; tạo sự đồng thuận cao trong dư luận, xã hội và thuận lợi trong thi hành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự Luật này vẫn đưa ra cho ý kiến vào kỳ họp Quốc hội thứ 6 (tháng 10/2018), sau đó Quốc hội giao cho Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi nhân dân để hoàn thiện và lùi lại thông qua vào kỳ họp Quốc hội thứ 7, năm sau.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Đây là vấn đề lớn, tác động, ảnh hưởng đến từng nhà nên làm dự Luật cần thấu đáo và lấy kiến rộng rãi nhân dân giống như làm Luật Đất đai trước đây được thông qua quy trình 3 kỳ họp".
Ngoài ra, các thành viên UBTVQH cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến quy định về phổ cập giáo dục; phát triển giáo dục phổ thông; xây dựng đội ngũ nhà giáo; đào tạo sư phạm; chính sách lương nhà giáo; ngân sách nhà nước dành cho giáo dục; chi phí dịch vụ giáo dục;…
Phát biểu kết thúc thảo luận về dự án Luật này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH tại phiên họp, có sự đánh giá, rà soát thấu đáo, căn cơ các vấn đề còn có ý kiến khác nhau để bổ sung, hoàn thiện dự án Luật. Đồng thời, UBTVQH nhất trí đưa dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) thảo luận tại kỳ họp thứ 6, và sẽ tiếp tục hoàn thiện tại các kỳ họp sau.
Cũng trong chiều nay, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học./.
Theo: dangcongsan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân: Đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 07.06.2024 | 18:53 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
Xem tin theo ngày
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy