Thứ 4, 13/11/2024, 08:39[GMT+7]

Thủ tướng làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh

Chủ nhật, 02/09/2018 | 07:59:57
778 lượt xem
Thủ tướng kỳ vọng Quảng Ninh phải làm xuất sắc vai trò một cực tăng trưởng phía bắc, chủ đạo để tạo sự kết nối, lan tỏa với các tỉnh, thành lân cận và thúc đẩy kinh tế cả vùng và cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh.

Chiều 1/9, tại TP. Hạ Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh.

Cùng dự cuộc làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành.

Phát biểu tại buổi làm việc, đánh giá Quảng Ninh đã tạo nguồn cảm hứng sâu sắc cho cả nước trong cải cách hành chính, Thủ tướng nhìn nhận, sự chuyển đổi của Quảng Ninh phát triển từ “nâu” sang “xanh” cũng là hành trình phát triển của chính Việt Nam. Việt Nam được coi là một quốc gia phát triển nhanh ở châu Á thì Quảng Ninh là một tỉnh phát triển năng động hàng đầu của Việt Nam. Tỉnh đã coi trọng phát triển bền vững và có nhiều mặt tiên phong, làm nên thương hiệu dẫn đầu của Quảng Ninh.

“Thủ tướng luôn theo dõi những vấn đề đổi mới phát triển của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua”, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành của Quảng Ninh. Đây là tỉnh đầu tiên và duy nhất trong cả nước tới thời điểm này thực hiện thành công mô hình đối tác công tư PPP trong xây dựng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cầu Bạch Đằng…

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, tỉnh còn phát triển dưới mức tiềm năng, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao còn ít. Doanh nghiệp địa phương còn hạn chế về quy mô và khả năng cạnh tranh. Đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp vào năm 2020, lên 25.000 doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, số lượng cần gắn với chất lượng và sức cạnh tranh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Thủ tướng kỳ vọng Quảng Ninh tiếp tục đi tiên phong, trở thành nguồn cảm hứng và bài học kinh nghiệm cho các tỉnh, thành phố khác trên cả nước trên một số khía cạnh. Đó là sáng kiến cải cách thể chế; khơi thông các nút thắt phát triển cơ sở hạ tầng và huy động vốn từ xã hội; tiếp tục đột phá tái cơ cấu kinh tế gắn liền với mô hình tăng trưởng bên cạnh phát triển đô thị xanh, sạch, thông minh.

Tỉnh phải có cơ cấu dân số ở đô thị nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa so với mức bình quân chung của cả nước.

Quảng Ninh phải làm xuất sắc vai trò một cực tăng trưởng phía bắc, chủ đạo để tạo sự kết nối, lan tỏa với các tỉnh, thành lân cận và thúc đẩy kinh tế cả vùng và cả nước.

Xác định chỗ đứng trong chuỗi giá trị quốc tế, cạnh tranh với các đô thị khác trên thế giới chứ không phải trong nước. Quảng Ninh phải là trung tâm giao lưu quốc tế, một điểm đến cho nhà đầu tư, du khách, hàng hóa và những ý tưởng sáng tạo, đột phá, giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm.

Tỉnh cần chú trọng phát triển đô thị, một động lực tăng trưởng mới của tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu và cụ thể hóa các điều kiện xây dựng Vân Đồn thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, phấn đấu đến năm 2050, Vân Đồn trở thành một trong những động lực kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của châu Á-Thái Bình Dương.

Tỉnh cần tiếp tục phát triển du lịch, dịch vụ đẳng cấp cao, chất lượng cao, bền vững, đa dạng, kết nối với các trung tâm du lịch lớn của quốc gia và quốc tế. Phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao và đa chức năng. Phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng bền vững, phát triển xanh, giảm tối đa tác động tiêu cực tới tài nguyên du lịch.

Cần tổng kết, rút kinh nghiệm, hoàn thiện những sáng kiến cải cách thể chế, trong đó có mô hình trung tâm phục vụ hành chính công thuộc tỉnh và trực thuộc cấp huyện, mô hình hợp nhất một số cơ quan,.

Một lần nữa, Thủ tướng nhắc lại điều ông mong muốn tại cuộc làm việc lần trước với tỉnh là Quảng Ninh trở thành trung tâm giao lưu quốc tế, một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư, du khách, hàng hóa, một nơi khởi phát những ý tưởng sáng tạo đột phá, nhờ đó, luôn giữ vai trò tiên phong cải cách của cả nước và dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trong điểm phía bắc. “Hạ Long không chỉ là mảnh đất cho rồng hạ mà còn là nơi rồng Quảng Ninh, rồng Việt Nam cất cánh”, Thủ tướng bày tỏ.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo về một số kiến nghị của tỉnh với tinh thần tạo điều kiện cho Quảng Ninh phát triển hơn nữa.

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh năm sau cao hơn năm trước; 6 tháng đầu năm 2018 tăng 10,16%, dự kiến cả năm 2018 tăng trên 11%. GRDP bình quân đầu người đạt 5.065 USD/người/năm (gấp đôi bình quân cả nước), tăng bình quân 9,1%/năm. Năng suất lao động tăng bình quân 10,6%/năm. Thu ngân sách luôn trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. 8 tháng năm 2018, tổng thu ngân sách ước đạt hơn 27.800 tỷ đồng. Đến tháng 8/2018, toàn tỉnh có 16.680 doanh nghiệp, vốn đăng ký 180.000 tỷ đồng.

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước thí điểm cải cách bộ máy hành chính; đã tập trung xây dựng thể chế và cải cách hành chính, tách dần dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước; xây dựng chính quyền điện tử, vận hành hiệu quả Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, liên kết đến cấp xã; cắt giảm 40% thời gian giải quyết so với quy định; cung cấp 80% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4./.

Theo: dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày