Chủ nhật, 24/11/2024, 04:51[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Đức Thọ

Chủ nhật, 02/09/2018 | 08:14:13
1,393 lượt xem
Phát huy truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương, những năm qua, người dân huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) chung tay đoàn kết, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, diện mạo nông thôn đổi thay rõ nét, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Một góc khu dân cư kiểu mẫu Châu Trinh, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ.

Năm 2013, sau khi trở thành địa phương đầu tiên của huyện Đức Thọ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cán bộ và nhân dân xã Tùng Ảnh tiếp tục bắt tay “nâng cấp” các tiêu chí hướng đến mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. 

Bí thư Đảng ủy xã Tùng Ảnh Phan Tiến Dũng cho biết: Thực tế quá trình xây dựngnông thôn mới trên địa bàn đã khẳng định được vai trò chủ thể của người dân, khi lòng dân đã thuận thì việc gì cũng thành. Muốn khơi được sức dân, trước hết chúng ta phải lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân. Ngoài việc bàn bạc, thực hiện các chủ trương, chính sách một cách công khai, dân chủ, chúng tôi huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc quyết liệt, với phương châm việc gì dễ tranh thủ làm trước, cái gì khó làm sau.

Không thỏa mãn kết quả đạt được, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, người dân xã Tùng Ảnh đã huy động hàng nghìn ngày công, hàng chục tỷ đồng đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp hệ thống hạ tầng hướng đến xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Từ đầu năm đến nay, địa phương huy động gần 11 tỷ đồng để đầu tư củng cố, nâng cấp các tiêu chí nông thôn mới. Điều đặc biệt trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Tùng Ảnh chính là sự hăng hái, tiên phong của người dân trong xây dựng và phát triển khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. 

Ông Mai Xuân Tam, thôn Châu Nội (Tùng Ảnh) chia sẻ: Xây dựng vườn mẫu đã làm thay đổi tập quán của người dân từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, kết nối thị trường, khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng đất vườn. Nhà tôi có mảnh vườn gần 1.000 m2, trước đây trồng rau màu, nhưng do đầu tư thấp, thiếu kỹ thuật cho nên không hiệu quả. Được sự hỗ trợ của xã về tài chính (5 triệu đồng), nhất là sự giúp đỡ về thiết kế, quy hoạch vườn theo sơ đồ và trực tiếp lắp đặt, hướng dẫn kỹ thuật vận hành, sản xuất của đoàn thanh niên xã, gia đình tôi đã đầu tư thêm tiền để lắp đặt hệ thống nhà lưới và bể phun tưới tự động. Nhờ đó, năm nay, rau màu phát triển tốt hơn, thu nhập cao hơn.

Để đạt được thành công kể trên, đồng chí Phan Tiến Dũng cho biết, bên cạnh việc phát huy vai trò gương mẫu, tích cực của cán bộ, đảng viên, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị cùng “xắn tay” giúp dân xây dựng vườn mẫu. Gia đình nào neo người, điều kiện kinh tế khó khăn thì cán bộ đoàn thể của xã, thôn cùng chung tay giúp dọn dẹp nhà cửa, di dời công trình phụ, chỉnh trang vườn. Một số hộ có điều kiện kinh tế nhưng vẫn còn ngại thay đổi đã được cán bộ thôn, đoàn thể xã đến tuyên truyền, hướng dẫn và giúp thực hành các ứng dụng mới vào sản xuất. Với những lợi ích thiết thực, đến nay đã có hơn 80% vườn hộ ở Tùng Ảnh được chỉnh trang, quy hoạch phát triển kinh tế vườn, trong đó có 25 vườn đạt chuẩn tiêu chí vườn mẫu; 6 trong số 12 thôn đạt 9 trong số 10 tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu, các thôn còn lại đạt 7 trong số 10 tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu. Chỉnh trang, nâng cấp khu dân cư phù hợp yêu cầu phát triển song song với gìn giữ, phát huy những nét văn hóa độc đáo của làng quê Việt Nam là những gì mà người dân xã Tùng Ảnh đã và đang thực hiện để hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2018.

Tiếp nối thành công từ Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ đã triển khai xây dựng 147 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 755 vườn mẫu ở hầu khắp các xã. “Quá trình thực hiện cho thấy, đây là tiền đề xây dựng nông thôn mới bền vững, vừa thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, vừa khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Nhiều vườn cho thu nhập hơn 75 triệu đồng/năm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, Trần Hoài Đức cho biết.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm chia sẻ, với đặc điểm huyện thuần nông có truyền thống và lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, vì vậy xuyên suốt quá trình triển khai nhiệm vụ nông thôn mới, địa phương đã xây dựng các chính sách, tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới, sản xuất theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho người dân, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Riêng giai đoạn 2011 - 2018, huyện Đức Thọ đã huy động hơn 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ, xây dựng 1.347 mô hình sản xuất, thành lập mới hơn 500 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng hơn 50 km đường giao thông nông thôn, 157 km kênh mương thủy lợi nội đồng… góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người từ 13,67 triệu đồng (năm 2010) lên 35,3 triệu đồng (năm 2017), giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 13,09% xuống còn 4,97%. Hiện nay, toàn huyện có 18 trong số 27 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo kế hoạch, huyện Đức Thọ phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2019.

Theo: nhandan.com.vn