Thứ 3, 19/11/2024, 01:41[GMT+7]

Châu Âu chính thức tung gói nới lỏng tài chính khổng lồ

Thứ 3, 10/03/2015 | 16:42:13
554 lượt xem
Ngày 9/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu triển khai gói nới lỏng định lượng (QE) được mong đợi từ lâu trị giá 1.100 tỷ euro (1.200 tỷ USD), nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tránh tình trạng giảm phát trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

 

ECB đang nỗ lực cho việc đạt mục tiêu lạm phát 2% ở Eurozone (lạm phát khu vực châu Âu ở mức -0,3% trong tháng 2), đồng thời giảm giá đồng euro thêm nữa để hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa từ châu Âu.

 

ECB cho rằng, kinh tế Eurozone đang chuyển biến rất tích cực cộng thêm thuận lợi từ giá dầu nên đây là thời điểm phù hợp để thực hiện chương trình. Căn cứ trên mức giá dầu thấp, ECB dự báo tăng trưởng năm 2015 của khối Eurozone là 1,5% và năm 2016 là 1,9% cao hơn dự đoán trước đây.

 

Theo chương trình, ECB sẽ mua lại trên thị trường thứ cấp trái phiếu của cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân thông qua việc “bơm” 60 tỷ euro/tháng vào các nền kinh tế Eurozone từ nay cho tới ít nhất tháng 9/2016, với mục tiêu tăng lượng tiền mặt trong hệ thống tài chính để khuyến khích người dân và doanh nghiệp vay thêm tiền, tăng mua sắm, đầu tư.

 

Chiến lược trên của ECB, tương tự như kế hoạch mà Ngân hàng Dữ trự Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Anh đề ra trước đó, được công bố trong bối cảnh Eurozone đối mặt với nguy giảm phát ngày càng tăng - điều có thể khiến người tiêu dùng hạn chế mua sắm và dẫn tới giá cả thị trường giảm sâu, cùng một loạt tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất và thị trường việc làm.

 

Nhận định về QE, giới quan sát cho rằng chiến lược này trước đó có thể giúp nền kinh tế Mỹ và Anh đạt được nhiều thành công, song chưa chắc là "một phương thuốc hữu hiệu" đối với Eurozone.

 

Theo bà Marie Diron, Phó Chủ tịch Moody’s: "QE là cần thiết với Eurozone, làm tăng lạm phát cũng như kỳ vọng tăng trưởng trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên có thể QE sẽ không có sức mạnh ở khu vực này như với Mỹ vì khi FED bắt đầu chương trình, giá tài sản vốn không thấp như ở châu Âu hiện nay"

 

Còn ông Ulrich Grillo, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Đức thì cho rằng, "châu Âu cần nhiều biện pháp đồng thời như đầu tư, tái cơ cấu để tăng cường sức cạnh tranh. QE là quan trọng nhưng không thể quyết định tất cả".

 

Theo chinhphu.vn

  • Từ khóa