Thứ 7, 23/11/2024, 10:35[GMT+7]

Người thổi hồn cho bẹ ngô, bèo bồng

Thứ 2, 21/09/2015 | 14:14:59
2,559 lượt xem
Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân tại Doanh nghiệp tư nhân Tây An do bà Phạm Thị Ngắn làm giám đốc, một nguyên liệu rất dồi dào là bẹ ngô, bèo bồng đã trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ xinh xắn, được giới trẻ ưa thích.

Doanh nhân Phạm Thị Ngắn.

 

Bắt đầu từ nghề đan bị cói

 

Tiền Hải quê bà Phạm Thị Ngắn là quê hương của cói, từng có cả một nông trường cói bạt ngàn và cũng có nghề đan cói lâu đời. Những năm 90 của thế kỷ trước, khi bắt đầu vọc vạch nghề đan cói, chưa tìm được đầu ra, bà bỗng phát hiện nghề nuôi cua, ếch xuất khẩu đang phát triển, rất cần giỏ cói làm hàng. Thế là ý tưởng đan và thu gom giỏ cói, bị cói bán cho các thương nhân, chủ đầm xuất hiện. Bà kể, lúc đó như có trời thương, tiếng lành đồn qua sông, có thương nhân tìm đến đặt tới vài nghìn chiếc giỏ cói.

 

Rồi từ những phiên chợ quê, thấy mũ cói Trung Quốc tràn ngập, bà mua về mày mò tập làm rồi học cả thiết kế mẫu. “Tôi đã tìm ra một nguyên liệu rất dồi dào và rất rẻ, đó là bẹ ngô, bèo bồng. Lúc đầu, tôi cũng không tin nổi những thứ thường chỉ dùng làm đồ thổi, phân bón thì nay, qua bàn tay của người thợ thủ công đã trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ xinh xắn” - bà Ngắn kể lại những ngày đầu khởi nghiệp.

 

Năm 1998 và 1999, mũ do cơ sở bà Ngắn sản xuất bán rất chạy ở thị trường Nam Ðịnh, Hải Phòng…, có ngày bán cả nghìn chiếc. Năm 2000, bà cùng chị em trong cơ sở sáng tạo ra một loại mũ mới - mũ lỗ sử dụng nguyên liệu dây giấy. Loại mũ này nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, mở ra cơ hội mới cho cơ sở, tạo việc làm cho nhiều chị em trong vùng. 

 

Có một cột mốc mà bà Ngắn không thể nào quên, đó là thời điểm lần đầu tiên mũ cói của cơ sở được khách hàng Hà Lan, Úc chấp nhận và đã xuất được vài nghìn chiếc qua một đại diện ở Hà Nội. Doanh nghiệp tư nhân Tây An ra đời từ đấy.

 

Cải thiện đời sống nông dân

 

Hàng thủ công mỹ nghệ Tây An từ chỗ không tên tuổi, thương hiệu, chỉ loanh quanh chợ quê nay đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố và đã lên tàu sang nước bạn. Nhưng bà Ngắn vẫn luôn ấp ủ mong ước tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, nhất là chị em phụ nữ.

 

Sau nhiều trăn trở, cuối cùng bà cũng tìm ra giải pháp phù hợp, hữu hiệu cả trong lĩnh vực dạy nghề và phát triển sản xuất, tạo việc làm. Ðó là liên kết với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh mở lớp dạy nghề móc hộp, đan mũ cói và nghề mây tre đan… cho hội viên phụ nữ ở các xã, thị trấn trong tỉnh. Sau các khóa dạy nghề, những người có năng lực, điều kiện sẽ được lựa chọn để thành lập các tổ sản xuất, đứng ra nhận nguyên vật liệu, mẫu mã từ doanh nghiệp về cho tổ viên làm, sau đó kiểm tra, thu hồi sản phẩm giao cho doanh nghiệp, đồng thời nhận tiền công từ doanh nghiệp về thanh toán cho người lao động.

 

Thực tế cho thấy, đây là một hướng mở sáng tạo, tổng hợp sức mạnh và cho kết quả lan tỏa ngoài mong đợi. Theo đó, người lao động không phải đi khỏi nhà, tận dụng được thời gian và lực lượng lao động. Còn doanh nghiệp có cả một nhà máy sản xuất rộng mênh mông mà không phải đầu tư nhà xưởng.

 

Hiện tại, Tây An đã có mạng lưới trên 60 tổ sản xuất, mỗi tổ thu hút hàng trăm lao động ở khắp 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Nhiều gia đình trước đây chỉ tròng trọc trông vào cây lúa, kinh tế rất khó khăn nhưng từ khi làm thêm nghề đan móc này kinh tế đã khá lên trông thấy, dư dật tiêu pha, mua sắm thêm được nhiều tiện nghi.

 

Giờ đây, doanh nhân Phạm Thị Ngắn đã thỏa ước nguyện tạo việc làm với thu nhập khoảng 2 triệu đồng/người/tháng cho hơn 7.000 lao động, chủ yếu là phụ nữ nông thôn, giúp họ cải thiện đời sống và góp phần xây dựng nông thôn mới. Chưa kể, hàng năm, Tây An còn tiêu thụ lượng cói lớn cùng các phế thải nông nghiệp cho nông dân Thanh Hóa, Thái Bình.

 

Trò chuyện với doanh nhân Phạm Thị Ngắn:

 

  • Bí quyết phát triển mạnh mẽ của Doanh nghiệp tư nhân Tây An: Sáng tạo, sáng tạo không ngừng  các mẫu mã sản phẩm mới
  • Mục đích gắn bó với nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu: Tạo được việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn
  • Niềm vui nhất của chị:  Ðược thấy các chị em say sưa lao động và gia cảnh ngày càng no đủ, sạch đẹp, khang trang, không phải đi làm xa, bớt tệ nạn xã hội.
  • Chị luôn cầu mong điều gì: Sức khỏe để tiếp tục chèo lái doanh nghiệp làm ăn phát triển tạo thêm nhiều  việc làm cho người lao động, nhất là chị em phụ nữ

 

Lã Quý Hưng

Báo Ðầu tư

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày