Thứ 7, 23/11/2024, 10:36[GMT+7]

Chị Tứ “tam nông”

Thứ 3, 22/09/2015 | 08:30:49
1,330 lượt xem
Bằng tình yêu nghề, Kỹ sư nông nghiệp Đoàn Thị Kim Tứ đã nỗ lực vượt qua khó khăn ban đầu, say mê nghiên cứu khoa học,  trở thành một trong số ít phụ nữ Thái Bình đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.

Kỹ sư Đoàn Thị Kim Tứ kiểm tra mô hình sản xuất lúa an toàn.

Về công tác tại Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đúng giai đoạn "khoán 10" ra đời, phải làm hợp đồng không lương 9 năm vì lúc đó Trung tâm đã đủ biên chế, đủ hợp đồng nhưng kỹ sư nông nghiệp Đoàn Thị Kim Tứ, nay là Phó Giám đốc Trung tâm, bằng tình yêu nghề đã nỗ lực vượt qua khó khăn ban đầu, say mê nghiên cứu khoa học, sáng tạo không ngừng, trở thành một trong số ít phụ nữ Thái Bình đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào đồng ruộng, giúp người nông dân thoát nghèo.

Gần 30 năm gắn bó với đồng ruộng, với người nông dân, trăn trở, nhọc nhằn với công việc trên vùng quê lúa, kỹ sư Đoàn Thị Kim Tứ được bà con nông dân gọi với cái tên trìu mến: Chị Tứ "tam nông". Ban đầu khó khăn chồng chất nhưng với kiến thức đã được học, chị say mê tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng để xây dựng quy trình thâm canh hợp lý. Thù lao của chị chính là phần trăm theo mùa vụ từ diện tích nhận khoán thôn của mình với vai trò cán bộ khuyến nông chỉ đạo và tập huấn kỹ thuật cho bà con. Nhận vài thôn rồi đến vài xã. Cứ thế, đến nay, thành quả chị Tứ "tam nông" gặt hái được sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu là các bằng lao động sáng tạo, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, giải nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12... Nói về giải thưởng, chị Tứ khiêm tốn: Thành công của mình thuộc về tập thể - nơi những người đồng nghiệp luôn sát cánh, gắn bó. Hạnh phúc của mình là niềm vui của bà con nông dân khi đề tài và các hướng dẫn khoa học kỹ thuật của mình trên đồng ruộng mang lại hiệu quả thiết thực. Không hạnh phúc sao được khi công sức, trí tuệ mà chị và các đồng nghiệp bỏ ra không kể nắng mưa, giá rét, ngày lễ, ngày nghỉ xuống tận các xã tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt cho nông dân, thuyết phục bà con bỏ thói quen cấy giống lúa dài ngày chuyển sang cấy giống lúa ngắn ngày, mở rộng diện tích cây vụ đông, đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm… Rồi để người nông dân áp dụng quy trình gieo thẳng, gieo sạ theo đề tài "Hoàn thiện quy trình gieo thẳng, gieo sạ mang lại hiệu quả cao trong thâm canh lúa tại Thái Bình" của mình, chị Tứ đã không ngần ngại cam kết nếu lúa chết sẽ đền. Kết quả, chị không những không phải đền mà còn giúp bà con giải quyết được tình trạng thiếu lao động mùa vụ, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất so với cấy từ 8 - 10%, ngoài ra còn giúp tỉnh mở rộng diện tích gieo sạ lên trên 31.000ha lúa vụ xuân và trên 20.000ha lúa vụ mùa, nhiều huyện gieo sạ trên 80% diện tích.

Trước nguy cơ nhiều diện tích lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen gây thiệt hại lớn về kinh tế, kỹ sư Đoàn Thị Kim Tứ cùng đồng nghiệp lại bắt tay vào nghiên cứu đề tài "Ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao sức chống chịu cho cây lúa nhằm ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do sâu bệnh gây ra, đặc biệt là bệnh lùn sọc đen hại lúa tại Thái Bình". Đề tài được Hội đồng Khoa học cấp tỉnh nghiệm thu và đánh giá cao, được công nhận là giải pháp mới trong thâm canh lúa, khuyến cáo người dân ứng dụng, góp phần giải quyết nhiều "nút thắt" trong chuỗi sản xuất lúa sạ hàng, đặc biệt là sạ hàng rộng - hàng hẹp, giải phóng sức lao động, bón phân cân đối NPK, bón phân vi sinh đa chủng chức năng thay thế phân chuồng, sản xuất ra nông sản sạch, giúp nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.

Không chỉ miệt mài với các công trình nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao năng suất cây trồng, kỹ sư Đoàn Thị Kim Tứ còn lặn lội đi tìm và bàn với một số doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết "4 nhà", ký kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như ký kết với Công ty TNHH Hưng Cúc cấy và tiêu thụ lúa Nhật hay với Công ty Cổ phần Chế biến nông sản xuất khẩu Hải Dương tập huấn chuyển giao trồng và tiêu thụ ngô ngọt, mướp đắng, dưa bao tử cho nhiều địa phương trong tỉnh, được bà con nông dân hưởng ứng vì mang lại hiệu quả cao.

Thu Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày