Thứ 7, 23/11/2024, 17:36[GMT+7]

Bắt đầu cải tạo, nâng cấp các đường băng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất

Thứ 2, 29/06/2020 | 14:21:02
2,695 lượt xem
Các đường cất hạ cánh, đường lăn tại hai sân bay lớn nhất cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất chính thức bắt đầu được cải tạo, nâng cấp từ sáng nay (29/6).

Các đường cất hạ cánh, đường lăn tại hai sân bay lớn nhất cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất chính thức bắt đầu được cải tạo, nâng cấp từ sáng nay.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình khẳng định, việc nâng cấp, cải tạo đường bay, đường lăn tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất là cấp thiết. Sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng được tải trọng máy bay thế hệ mới, đảm bảo an toàn khai thác và nhu cầu có thể đạt đến 44 triệu hành khác/năm đối với sân bay Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với sân bay Tân Sơn Nhất.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị xây dựng, khai thác điều hành hoạt động bay khoa học, đảm bảo an toàn, an ninh, tính phương án dự phòng khi có tình huống khẩn nguy. Nhà thầu phải áp dụng các biện pháp khoa học hiện đại, xây dựng phương án thi công hợp lý đảm bảo chất lượng, tiến độ thời gian, chống thất thoát, tiêu cực lãng phí.

Theo ông Nguyễn Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), từ năm 2017 đến nay, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng lớn (như A350-900, B787-9, B787-10) nên hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã bị xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng, thậm chí đối mặt với nguy cơ phải dừng khai thác hoạt động bay.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ đã thống nhất sử dụng một phần nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách T.Ư năm 2019 để đầu tư dự án cải tạo đường cất hạ cánh và đường lăn các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Dự án cải tạo, nâng cấp tại sân bay Nội Bài bao gồm đường cất, hạ cánh 11L/29R (1A) có kích thước 3.200 x 45 m và đường cất hạ cánh 11R/29L (1B) có kích thước 3.800 m x 45 m; xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6B; cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu (S1, S1A, S2, S3, S4, S5, S5A, S6, S7); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ.

Tổng mức đầu tư của dự án là 2.031 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.449 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thời gian thi công theo 2 bước: bước 1 là 6 tháng để kịp phục vụ Tết Nguyên đán năm 2021. Bước 2 là 12 tháng, bàn giao đưa công trình vào khai thác trước Tết Nguyên đán năm 2022.

Dự án cải tạo, nâng cấp tại sân bay Tân Sơn Nhất gồm đường cất hạ cánh 25R/07L; xây dựng các đường lăn thoát nhanh (W2A, W4A), đường lăn song song (W11A); xây dựng, cải tạo, nâng cấp các đoạn đường lăn nối (N1, W3, W5, W5A, W7, W9)…

Tổng mức đầu tư của dự án là 2.015 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 1.443 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thời gian thi công theo 2 bước: bước 1 là 6 tháng, bước 2 là 14 tháng và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021.

Theo đại diện Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), tại cả hai sân bay, trước mắt việc thi công sẽ không ảnh hưởng đến khai thác bay, do bước 1 của dự án (từ nay đến cuối năm 2020) cũng trùng với giai đoạn công suất của các sân bay còn hạn chế do mới chỉ hoạt động các đường bay nội địa. 

Các đơn vị chức năng cũng sẽ phải điều chỉnh kế hoạch bay phù hợp theo hướng "đóng 1 đường, mở 1 đường" để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng hàng không.

Theo vtv.vn