Thứ 7, 23/11/2024, 18:23[GMT+7]

Phá thế ốc đảo (Kỳ 1)

Thứ 5, 16/07/2020 | 15:06:30
6,268 lượt xem
3 mặt giáp sông, một mặt giáp biển, Thái Bình đã từng được coi như một “ốc đảo”, khó khăn trong thông thương và đi lại. Thế nhưng những năm gần đây, Thái Bình có những bước đi, cách làm đột phá, sáng tạo đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Với hàng chục cây cầu lớn nhỏ, hàng trăm km đường quốc lộ, tỉnh lộ được xây dựng và hoàn thành, góp phần đưa Thái Bình vươn lên trở thành tỉnh phát triển trong khu vực duyên hải Bắc Bộ.

Cầu Tân Đệ nối liền hai tỉnh Thái Bình - Nam Định.

Kỳ 1: Đường của dân

Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), điều trăn trở nhất của cấp uỷ đảng, chính quyền là làm sao để Thái Bình huy động được nguồn lực lớn để triển khai chương trình xây dựng NTM. Nhất là việc thực hiện tiêu chí giao thông – tiêu chí đòi hỏi nguồn đầu tư lớn. Vì vậy, Thái Bình xác định phải lấy dân làm gốc, coi đây là “chìa khoá” để đổi mới cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. 

Lấy dân làm gốc

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, Thái Bình được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách của Trung ương; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương như chính sách hỗ trợ xi măng và vật liệu xây dựng để người dân tự làm đường giao thông, chính sách dồn điền, đổi thửa, chính sách thưởng xã về đích NTM sớm để khuyến khích các xã làm tốt...

Đường giao thông nông thôn được bê tông hoá khang trang, sạch đẹp từ nguồn lực trong dân.

Cũng như nhiều địa phương khác của tỉnh Thái Bình, đầu năm 2010, xã Thụy Văn (Thái Thuỵ) bước vào xây dựng NTM trong điều kiện khó khăn bộn bề. Một trong những cái khó điển hình là việc quy hoạch đồng ruộng và làm đường giao thông. Bởi lẽ đồng ruộng của Thụy Văn diện tích đã ít lại bị phân tán, đan xen với các xã khác. Ðường làng, ngõ xóm dài nhưng nhỏ hẹp, đòi hỏi phải bố trí nguồn vốn lớn để mở rộng. Trong khi đó Thuỵ Văn không phải là xã điểm xây dựng NTM nên nguồn kinh phí được cấp rất hạn hẹp. Xuất phát từ thực tế đó, lãnh đạo xã Thụy Văn xác định giải pháp duy nhất là phải phát huy nội lực, huy động sức mạnh từ nhân dân và lấy đó làm động lực để xây dựng NTM. 

Người dân tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công, tiền của làm đường giao thông nông thôn.

Trên cơ sở công khai, dân chủ và nguồn tài chính thực có cùng với cách làm “từ ngoài đồng vào, từ nhà ra ngõ, cuối cùng mới tính đến chỉnh trang trụ sở” nên nhiều vấn đề tưởng khó lại được người dân chia sẻ và chung tay hoàn thành. Chỉ sau một thời gian ngắn, hệ thống đường giao thông của 7/7 thôn trong xã hoàn thành với sự đóng góp 90% sức người, sức của từ nhân dân. Với cách huy động sức dân như của Thụy Văn, chất lượng công trình không những được bảo đảm mà còn giảm tối đa chi phí, các công trình do chính người dân thực hiện, kiểm tra, giám sát, nhờ đó, kinh phí đầu tư cho 1km cứng hóa kênh mương, làm đường giao thông tiết kiệm từ 35 đến 40%. Điểm rất hay của Thụy Văn là đã đề ra chủ trương nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ thay vì Nhà nước và nhân dân cùng làm như trước đây. 

Cũng từ cách làm sáng tạo của Thụy Văn, tỉnh Thái Bình đã sửa đổi cơ chế hỗ trợ từ tiền mặt sang đầu tư trực tiếp bằng xi măng với Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND bổ sung một số nội dung của Quyết định số 02 về cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng NTM. 

Hầu hết các con đường nông thôn Thái Bình đều được trồng hoa, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Video: Clip_ky_1_WED_20_7_2020.mp4

Dân làm dân thụ hưởng

“Phấn khởi”, “hợp lòng dân” là câu trả lời của mỗi người dân khi nói về Quyết định 19. Ði trên con đường mới, khang trang, ông Bùi Trọng Duật, 84 tuổi, xã Điệp Nông (Hưng Hà) cho biết: Trước kia, hạ tầng giao thông nông thôn của xã chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Nhiều tuyến đường đã bị hư hỏng, xuống cấp khiến cho việc đi lại, giao lưu phát triển kinh tế của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Khoảng 10 năm trở lại đây, xã Điệp Nông như được “thay da đổi thịt”, đời sống nhân dân trong xã đã được nâng lên rõ rệt. Các tuyến đường thôn xóm được bê tông hóa khang trang, rộng rãi. Những con đường ra đồng cũng được bê tông, kiên cố hóa, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân thuận lợi hơn rất nhiều. 

Những ngày tháng 7 nắng như đổ lửa, ông Nguyễn Quang Bình, Bí thư Chi bộ thôn Bến Hiệp, xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) lại hồi tưởng về quãng thời gian mới chỉ mấy năm trước quê ông chỉ toàn đường đất hay đá cấp phối, môi trường ô nhiễm, ra khỏi nhà, đâu đâu cũng thấy rác. Chính bởi đường sá, hạ tầng sập sệ nên cái nghèo cứ đeo bám mãi như một vòng kim cô trên đầu người dân. Khi có Quyết định 19 với chủ trương Nhà nước hỗ trợ xi măng, còn người dân góp công, góp cửa, hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn thì người dân xã Quỳnh Giao nói chung và thôn Bến Hiệp nói riêng đã đổi thay không ngờ. Nhưng nói một cách thẳng thắn thì những cuộc họp đầu tiên tuyên truyền về NTM không hề suôn sẻ khi trên thì cán bộ giải thích còn dưới dân đã nhao nhao: “Tin gì”. Thế nhưng “mưa dầm thấm lâu”, lấy chính những quyền lợi của dân ra mà thuyết phục thì họ lại trở thành lực lượng hăng hái nhất, tin vào chính quyền nhất. Đến nay, 100% đường làng, ngõ xóm được bê tông hoá, 60% tuyến đường được trồng hoa và có rãnh thoát nước; 100% hộ sử dụng nước sạch; 100% rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý triệt để, ngày 24 hàng tháng trở thành ngày ra quân tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, phát quang cỏ dại, bụi rậm và trồng hoa 2 bên đường để làm đẹp thôn làng - điều mà chỉ năm bảy năm trước, có nằm mơ người dân cũng không thể cảm nhận được sự đổi thay nhanh đến vậy. 

Người dân tự nguyện phá dỡ tường bao, cổng dậu mở rộng đường thôn, xóm.

Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” Thái Bình đã huy động được nguồn lực lớn trong dân. Rất nhiều cá nhân trong tỉnh tuy còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn sẵn lòng dành dụm, đóng góp hàng chục triệu đồng, hiến tặng hàng trăm mét vuông đất thổ cư để mở đường hoặc xây dựng công trình phúc lợi. Nhiều cụ già tuổi đã ngoài 80 nhưng vẫn tích cực vận động con cháu ủng hộ hàng trăm triệu đồng; hàng nghìn gia đình làm ăn khá giả và con em xa quê, nhiều chức sắc tôn giáo đã ủng hộ hàng chục, hàng trăm triệu đồng trong phong trào xây dựng NTM, điển hình như: gia đình ông Trần Xuân Ý, xã Tân Lễ (Hưng Hà) ủng hộ 2,04 tỷ đồng làm đường giao thông; bà Đinh Thị Nụ - vợ liệt sĩ, xã Chi Lăng (Hưng Hà) ủng hộ 280 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn; gia đình ông Lê Anh Tuấn, xã Tây Phong (Tiền Hải) ủng hộ 3 tỷ đồng; ông Trần Hữu Vĩnh, xã Thái Phương (Hưng Hà) ủng hộ 1,95 tỷ đồng; gia đình ông Ngô Văn Phát, xã Nam Hưng (Tiền Hải) trú quán tại thành phố Hải Phòng ủng hộ 12,88 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Minh cho biết:

Audio: ong_NGUYEN_VAN_KHIEM_Chu_tich_UBND_xa_Quynh_Minh.mp3

 Chỉ chưa đầy 6 tháng, trên 500.000 tấn xi măng hỗ trợ giai đoạn 1 đã được các xã đăng ký hết. Cơ chế hỗ trợ xi măng sau này được mở rộng áp dụng cho tất cả các xã, kể cả các xã NTM, mở rộng ra một số công trình thuộc nhóm 2 với điều kiện không làm phát sinh nợ xây dựng cơ bản. 


Ông Phạm Văn Dụng, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Quyết định số 19 ra đời, với cơ chế hỗ trợ xi măng trúng lòng dân, các xã đã huy động được sức dân tham gia. Tỉnh chỉ hỗ trợ xi măng còn người dân tự nguyện hiến tặng đất mở rộng đường, ngày công và tiền của để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, từ đó giảm áp lực cho ngân sách. Góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, tạo động lực phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà

Trong quá trình xây dựng NTM, huyện chỉ đạo các xã phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chú trọng những vấn đề phức tạp, nhạy cảm dễ phát sinh sai phạm. Nhờ vậy, phong trào tự nguyện hiến đất, góp công, góp của làm đường giao thông nông thôn của huyện Hưng Hà diễn ra rộng khắp các thôn, xóm. Năm 2015, huyện Hưng Hà trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh Thái Bình về đích NTM.



(Còn nữa)

Nhóm phóng viên