Thứ 7, 16/11/2024, 00:48[GMT+7]

26 dự án giao thông sẽ khánh thành trong năm nay

Thứ 6, 11/03/2022 | 20:24:56
3,806 lượt xem
Tin từ Bộ GTVT cho biết, có 26 dự án giao thông đường bộ sẽ hoàn thành trong năm 2022, trong đó bao gồm cả 4 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1.

26 dự án đường bộ sẽ hoàn thành trong năm 2022. Ảnh minh hoạ

26 dự án giao thông đường bộ hoàn thành năm 2022

Các dự án dự kiến "cán đích" trong tháng 3/2022, gồm: Dự án thành phần 1 và thành phần 2 thuộc Dự án cải tạo nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL25 qua địa bàn 2 tỉnh Phú Yên - Gia Lai; cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn Vĩnh Bảo (Hải Phòng) - Gia Lộc (Hải Dương).

Tháng 6/2022 có dự án thành phần 2 thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL24 từ Quảng Ngãi đến Kon Tum.

Tháng 8/2022 sẽ hoàn thành Dự án cải tạo, nâng cấp QL279 đoạn Phố Ràng - Khau Co (Km67 - Km158), tỉnh Lào Cai.

Tháng 10/2022 có các dự án: Cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua tỉnh Thái Bình và cầu sông Hóa; tiểu dự án 3 thuộc Dự án nâng cấp QL15 đoạn qua tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa; Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Tháng 11/2022 là Dự án cải tạo, nâng cấp QL21B đoạn từ Km41+000 - Km57+950 (Chợ Dầu - Ba Đa), tỉnh Hà Nam.

Tháng cuối cùng của năm 2022 sẽ có nhiều dự án hoàn thành nhất. Bao gồm: Các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1 (đoạn Mai Sơn - QL45, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây); các dự án giao thông quan trọng mới khởi công từ cuối năm 2021 như: Dự án tuyến tránh QL1A đoạn qua TP. Cà Mau, Dự án cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy (nay là thành phố Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, Sóc Trăng.

Một số dự án khác cũng dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2022, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp QL61B đoạn từ ngã ba Vĩnh Tường đến thị trấn Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; Dự án cải tạo, nâng cấp QL63 đoạn từ Km74+200 - Km112+782,59 tỉnh Cà Mau; Dự án cải tạo, nâng cấp QL4E đoạn Bắc Ngầm - TP. Lào Cai; Dự án nâng cấp, mở rộng QL15A đoạn Km301+500 - Km333+200, tỉnh Nghệ An; Dự án cải tạo và chỉnh lý hướng tuyến tránh các đoạn sụt trượt trên QL12 đoạn Km102 - Km139+650, tỉnh Điện Biên; Dự án cải tạo, nâng cấp QL279B, tỉnh Điện Biên; Dự án nâng cấp, mở rộng QL9 đoạn từ Cảng Cửa Việt đến QL1, tỉnh Quảng Trị.

Ngoài ra, các dự án cũng được đưa vào kế hoạch hoàn thành trong năm nay, gồm: Dự án mở rộng một số cầu trên QL1A đoạn qua tỉnh Tiền Giang; Dự án TP2 đầu tư hoàn thiện QL12A đoạn tránh nhà máy xi măng Sông Gianh thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp QL12A; Dự án cải tạo nền, mặt đường và công trình đoạn Km8 - Km29, Km40 - Km66 trên QL4A, tỉnh Lạng Sơn; Dự án nâng cấp QL37 đoạn Km280+00 - Km340+00 tỉnh Yên Bái và Dự án nâng cấp QL32C, đoạn Hiền Lương - TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

26 tuyến đường mới sẽ khánh thành trong năm nay - Ảnh 2.

Các nhà thầu đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công, nỗ lực hoàn thành dự án vào cuối năm 2022.

4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang chạy nước rút

Tại Dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn - QL45, ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án thuộc Ban QLDA Thăng Long cho biết, hiện sản lượng thực hiện dự án đạt hơn 52% đúng tiến độ theo kế hoạch. Riêng gói thầu số 10 và số 13 đang có khối lượng vượt kế hoạch hơn 3%.

Gói thầu số 14 hiện đang có tiến độ chậm do tỉ lệ xử lý đất yếu cao (11/16 km). Khối lượng đất đắp của gói thầu lớn (khoảng 1,6 triệu m3), cùng với đó việc vận chuyển vật liệu đắp khó khăn do trời mưa. Ban điều hành dự án đã yêu cầu nhà thầu tăng ca thi công, hoàn thành công tác đắp gia tải giai đoạn 1 trước ngày 15/3 để triển khai thi công móng mặt.

Ban QLDA Thăng Long thông tin, dự kiến cuối tháng 10/2022 sẽ dỡ tải 21,1 km đang chờ xử lý nền đất yếu để thi công móng mặt đường và hoàn thành trong năm 2022.

Tại Dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, sản lượng thi công đến nay đạt khoảng 77,6%, chậm khoảng 0,54% so với kế hoạch điều chỉnh.

Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân chậm do hơn 5 tháng qua, địa bàn tỉnh Quảng trị và Thừa Thiên Huế thời tiết mưa nhiều. Đến đầu tháng 3/2022, ngay khi thời tiết ổn định trở lại, Ban QLDA đã yêu cầu nhà thầu tăng ca đến 22h, một số nhà thầu thậm chí triển khai thi công xuyên đêm.

Đối với vấn đề thiếu vật liệu đất đắp, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã phối hợp với địa phương hoàn thiện thủ tục cấp phép mỏ vật liệu theo Nghị quyết số 60 và 133 của Chính phủ. Dự kiến, ngày 13/3, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ họp thông qua thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đến ngày 16/3, địa phương sẽ có quyết định cấp phép cho nhà thầu khai thác đất tại 2 mỏ.

Đại diện Ban QLDA khẳng định, với khối lượng còn lại không nhiều cùng nỗ lực tăng ca của các nhà thầu, dự án sẽ được "cán đích" đúng kế hoạch.

Dự án thứ ba là Dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây hiện còn khối lượng công việc rất lớn. Ban QLDA Thăng Long cho biết, tính đến nay, sản lượng thực hiện dự án đạt gần 32%. Mặc dù đáp ứng được tiến độ điều chỉnh, nguồn đất đắp cơ bản được giải quyết, song, thách thức của dự án còn lớn khi khối lượng đắp nền đường còn hơn 2 triệu m3.

Với yêu cầu đặt ra việc thi công nền đường phải được hoàn thành trước mùa mưa (trước tháng 6/2022), Ban QLDA Thăng Long yêu cầu nhà thầu tăng ca thi công đến 11-12h đêm. Số lượng phương tiện, nhân lực tại các gói thầu cũng được tăng gấp rưỡi so với bình thường để đẩy nhanh tiến độ thi công nền.

Riêng gói thầu 1-XL hiện có tiến độ chậm nhất dự án (chậm 6,54%) do hai nhà thầu Cienco8 và Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc chậm triển khai thi công. Ban QLDA Thăng Long cho biết, sẽ kiến nghị xem xét phạt hợp đồng, điều chuyển khối lượng, thậm chí là thay thế nhà thầu.

Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam thứ tư sẽ hoàn thành trong năm nay là cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Đến nay, sản lượng các nhà thầu chỉ đạt hơn 1.587 tỷ đồng, chậm 8,42% so với kế hoạch. Nguyên nhân chính vẫn là do nhà thầu chưa chủ động được nguồn vật liệu đất.

Ban QLDA 7 cho biết, theo kế hoạch, đến ngày 31/5/2022 (bắt đầu mùa mưa), toàn bộ khối lượng đắp nền đường phải hoàn thành, sản lượng thi công phải đạt 60% giá trị hợp đồng. Do đó, Ban điều hành và Ban QLDA 7 đang đốc thúc tiến độ các nhà thầu, tổ chức thi công 3 ca liên tục, đẩy nhanh tiến độ. Đối với các nhà thầu chậm tiến độ, nếu trong tháng 3 này không có chuyển biến rõ rệt, Ban QLDA 7 sẽ cắt, chuyển khối lượng để nhà thầu khác thi công, bảo đảm dự án về đích trong năm 2022.

Trước đó, chỉ đạo tại phiên họp đầu tiên Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía đông ngày 9/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu đến năm 2024 phải hoàn thành 654 km cao tốc. Trong đó, năm 2022 phải hoàn thành 361 km với 4 dự án thành phần: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Phó Thủ tướng giao các địa phương chú ý tháo gỡ vướng mắc về vật liệu. Bộ GTVT phải kiểm soát chặt chẽ tiến độ. Nếu các nhà thầu xây dựng chậm tiến độ thì kiên quyết thay thế. Các ban QLDA không đề xuất giải pháp để bù tiến độ, hoàn thành mục tiêu đề ra phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng GTVT.

Theo baochinhphu.vn