Thứ 4, 13/11/2024, 05:24[GMT+7]

Người dân đồng tình ủng hộ cấm người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông

Thứ 4, 22/01/2020 | 09:39:38
3,159 lượt xem
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 cấm triệt để người điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Sau 3 tuần ra quân xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, theo lực lượng chức năng, số lượng người vi phạm đã có chiều hướng giảm đáng kể. Điều đó cho thấy người dân bắt đầu ý thức và chấp hành tốt các quy định pháp luật khi đã uống rượu, bia thì không lái xe.

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện Tiền Hải kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trên đường ĐT.465 đoạn qua địa bàn thị trấn Tiền Hải.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Theo đó, quy định tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Cụ thể, nếu vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 800.000 đồng.


Theo tìm hiểu của phóng viên, đại đa số người dân đều rất đồng tình, ủng hộ với việc xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Việc cấm uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là cần thiết bởi thực tế cho thấy, những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian qua đa phần đều liên quan đến việc người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông. Ông Đặng Văn Thắng ở xã Đông Á (Đông Hưng) cho biết: Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 sẽ giúp giảm nguy cơ tai nạn từ những người sử dụng đồ uống có cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trước đây, tôi cũng thường xuyên uống rượu, bia, việc lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia rất nguy hiểm, gây mất an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông. Bây giờ khi tham gia giao thông tôi tuyệt đối không uống rượu, bia, vì chế tài xử phạt rất cao nên phải chấp hành.


Những ngày giáp tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tại nhiều địa phương, ngoài những câu chuyện cuối năm về thưởng tết, mua sắm tết, những quy định của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP là nội dung được nhiều người dân đặc biệt quan tâm. Anh Nguyễn Tiến Đoàn ở xã Minh Hòa (Hưng Hà) cho biết: Tôi rất tán thành việc tăng mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bởi đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xuất phát từ lái xe điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia. Với mức xử phạt hành chính tăng và tăng thời gian tước giấy phép lái xe đối với người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông theo tôi là hoàn toàn hợp lý. Như thế mới tăng răn đe đối với những trường hợp vi phạm, từ đó sẽ giảm tai nạn giao thông trên địa bàn, lập lại trật tự an toàn giao thông. Thực hiện nghiêm quy định sẽ thể hiện là người có văn hóa khi tham gia giao thông. Từ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực đến nay, tôi luôn có ý thức khi uống rượu, bia thì không lái xe. Hoặc mỗi lần đi ăn với khách hàng, gặp gỡ bạn bè phải giao lưu, khi đã uống rượu, bia thì tôi đều gọi điện cho người nhà đến đón hoặc đi taxi về nhà, tuyệt đối không lái xe khi đã uống rượu, bia...


Những chuyển biến trên của người dân cho thấy sự tuân thủ, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ đang có chiều hướng tích cực. Chỉ còn ít ngày nữa là đến tết Nguyên đán Canh Tý 2020, việc người dân tham gia các buổi liên hoan cuối năm sử dụng rượu, bia sẽ tăng cao, nguy cơ gây tai nạn giao thông rất lớn. Do đó, lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Sự cương quyết khi thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã được người dân đồng tình ủng hộ, góp phần thúc đẩy Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống... Qua đó góp phần phòng ngừa tai nạn giao thông, bảo vệ tính mạng cho người dân khi tham gia giao thông.

Phạm Hưng