Thứ 7, 23/11/2024, 23:29[GMT+7]

Hưng Hà: Dân chủ, công khai khi sáp nhập trường học

Thứ 2, 29/10/2018 | 09:17:54
855 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), cùng với các địa phương trong tỉnh, ngành Giáo dục Hưng Hà là đơn vị đi đầu trong việc triển khai thực hiện sáp nhập các trường học nhằm tinh gọn biên chế, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện. Sau gần 3 tháng thực hiện sáp nhập, hiện nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên tại các trường học trên địa bàn huyện Hưng Hà đã yên tâm công tác, hoạt động dạy và học giữ ổn định.

Tiết học của cô và trò Trường THCS Minh Khai (Hưng Hà).

Xác định để công tác sáp nhập trường đạt hiệu quả cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, ngay sau khi quán triệt Nghị quyết số 19, dưới sự hướng dẫn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngày 23/2/2018, Ban Thường vụ Huyện ủy Hưng Hà đã ban hành Kế hoạch số 45-KH/HU về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). UBND huyện đã giao Phòng Nội vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá toàn bộ 108 trường học trên địa bàn huyện, thống kê cụ thể các xã, thị trấn có 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 2 trường THCS và các xã, thị trấn có cả 2 cấp tiểu học và THCS dưới 18 lớp. Trên cơ sở tình hình cụ thể của từng địa phương, từng trường học, Ban Thường vụ Huyện ủy Hưng Hà đã thống nhất chủ trương, lộ trình sáp nhập và biện pháp tổ chức thực hiện. 

Để việc sáp nhập trường học được thực hiện hiệu quả, huyện Hưng Hà đã tổ chức hội nghị quán triệt kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy và kế hoạch của UBND huyện về việc triển khai đề án sáp nhập, tổ chức lại các trường học đến cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục, các ban, ngành, đoàn thể huyện và lãnh đạo các xã, thị trấn nhằm thống nhất phương pháp sáp nhập trường học trong toàn huyện. 

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án sắp xếp nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sau khi sáp nhập. Đầu tháng 8/2018, Hưng Hà công bố quyết định sáp nhập 29 đơn vị trường mầm non, tiểu học và THCS được sáp nhập thành 14 đơn vị trường học, đưa số đơn vị trường học trên địa bàn từ 108 đơn vị giảm xuống còn 94 đơn vị.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh về việc sáp nhập trường học, đồng chí Nguyễn Thanh Tuyền, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết: Huyện đã chủ động chỉ đạo rà soát mạng lưới các trường học trên địa bàn huyện bảo đảm đủ các yêu cầu sáp nhập; có điều kiện thuận lợi như: quy mô nhỏ, cơ sở vật chất liền kề, cán bộ quản lý trường tiểu học gần đến tuổi nghỉ chế độ hoặc có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi nhằm giảm thiểu các tác động do xáo trộn về đội ngũ cán bộ quản lý. Huyện Hưng Hà lựa chọn thời điểm tháng 8 sáp nhập bởi đây là thời điểm chuẩn bị vào năm học mới, trường mới sau sáp nhập và đi vào hoạt động ngay từ những ngày đầu của năm học mới sẽ góp phần ổn định tình hình, không tạo ra sự xáo trộn. Do việc thực hiện sáp nhập được tiến hành chặt chẽ từ cơ sở, được tuyên truyền sâu rộng trong các địa phương nên quá trình sáp nhập và hoạt động của các trường đều nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là nhân dân và phụ huynh học sinh. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là hiệu trưởng, hiệu phó chuyển vị trí công tác đã được làm tốt công tác tư tưởng nên yên tâm công tác ở vị trí mới.

Mặc dù huyện Hưng Hà đã tổ chức thực hiện việc sáp nhập trường học khá bài bản song hiện nay, một số trường trên địa bàn huyện đang gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là cơ sở vật chất như phòng hiệu bộ, phòng chức năng; một số đơn vị có 2 điểm trường trong cùng một xã nhưng cách xa nhau gây khó khăn trong công tác quản lý, tổ chức các hoạt động chung… 

Cô giáo Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Bùi Hữu Diên (xã Chí Hòa) chia sẻ: Cơ sở vật chất của trường khá đầy đủ song còn thiếu so với nhu cầu mới, cần có phòng hội đồng đủ để gần 60 cán bộ, giáo viên dự họp, phòng phó hiệu trưởng phụ trách khối tiểu học chưa có vì đang chờ xây mới trong khi nguồn kinh phí địa phương còn hạn hẹp. Một số công trình phụ trợ như: hệ thống biển trường, bảng biểu treo tên trường mới, trang thiết bị dạy học… cũng chưa có kinh phí để làm mới. Về công tác quản lý, khối lượng công việc của hiệu trưởng sẽ nhiều hơn, đòi hỏi nhiều thời gian hơn, phó hiệu trưởng cấp THCS cũng cần nhiều thời gian hơn để tìm hiểu hoạt động chuyên môn của cấp tiểu học.

Trên cơ sở kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hiện nay, cùng với Hưng Hà, các địa phương trong tỉnh cũng đang gấp rút hoàn thành đúng kế hoạch sáp nhập trường học vào quý IV năm nay. Việc bám sát chủ trương, kế hoạch, hướng dẫn của các cấp, các ngành sẽ giúp việc sáp nhập đạt hiệu quả cao, giữ ổn định và nâng chất lượng hoạt động dạy và học tại các nhà trường.

Đặng Anh