Thứ 4, 13/11/2024, 06:39[GMT+7]

Mùa xuân cho doanh nghiệp Việt (Kỳ 3)

Thứ 4, 30/01/2019 | 14:55:16
1,910 lượt xem
Vừa thoát khỏi khủng hoảng đầu ra sản phẩm, hàng Việt Nam lại phải đối diện với những khó khăn mới khi phải cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do với khoảng 60 nước.

Thiếu sự liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ khiến giá trị hàng hóa sản xuất ra không cao và khó tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

Kỳ 3: Để cuộc vận động hiệu quả trong tình hình mới

Còn đó những khó khăn

Ông Đặng Thái Sơn, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tác động rõ nhất của hiệp định thương mại tự do là thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện không ít cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật, Nga, Ý... Các mặt hàng nhập khẩu được giảm thuế sâu nên có sức cạnh tranh lớn, thậm chí còn có phần hơn so với các sản phẩm sản xuất trong nước nên đang thu hút người tiêu dùng. Và tương lai, thị trường “sân nhà” của các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước một lần nữa có thể bị “chia năm xẻ bảy”. Trong cuộc cạnh tranh gay gắt này, nếu các doanh nghiệp không chủ động nâng cao sức cạnh tranh tất sẽ trở lại tình trạng khó khăn của gần 10 năm trước - doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa nhưng không tiêu thụ được.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, một số hàng hóa của Việt Nam chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn lưu thông bất hợp pháp trên thị trường; cá biệt, có một số doanh nghiệp mở đợt bán hàng khuyến mại để đưa hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng tồn kho hoặc hàng nhập lậu (chủ yếu từ Trung Quốc) tiêu thụ gây tâm lý hoang mang, lo ngại và ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng. Mạng lưới phân phối đến tay người tiêu dùng thiếu, yếu về kỹ năng giới thiệu, kinh doanh, xúc tiến thương mại, chăm sóc khách hàng cũng là nguyên nhân chưa tạo đủ lực hút người tiêu dùng đến với hàng Việt.

Cần thêm những “cú hích”

Việc thực hiện hiệu quả đề án phát triển thị trường trong nước của Chính phủ gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được xem là nền tảng cơ bản giúp các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước chiếm lĩnh thị trường nội địa, vươn tới gia tăng xuất khẩu. Các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục tập trung đẩy mạnh các hoạt động: truyền thông, quảng bá hàng hóa thương hiệu Việt; xúc tiến thương mại; phát triển hệ thống phân phối hàng Việt; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh cho rằng: Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng đề án, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên sử dụng vật tư, nguyên liệu, trang thiết bị và dịch vụ trong tỉnh, trong nước có ý nghĩa rất quan trọng. Trung ương và tỉnh cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà phân phối ưu tiên bán hàng hóa của Việt Nam sản xuất, xây dựng hệ thống bán hàng đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng ở khác khu dân cư, thôn, làng, khu đô thị, khu công nghiệp góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. 

Theo ông Vũ Văn Thanh, Phó Trưởng ban thường trực Tuyên giáo Tỉnh ủy: Thực tiễn gần 10 năm thực hiện cuộc vận động, công tác tuyên truyền giữ vị trí rất quan trọng. Bước vào giai đoạn mới, các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan báo chí cần tiếp tục đồng hành, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động người tiêu dùng và doanh nghiệp hưởng ứng cuộc vận động.

Để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh công bằng, lành mạnh, Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh, các cơ quan chức năng cùng vào cuộc thực hiện quyết liệt hơn công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh và triệt xóa vấn nạn buôn lậu nhằm bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ hàng Việt. Đặc biệt, cần sớm thành lập ban chỉ đạo cuộc vận động ở cấp huyện, cấp xã, tạo ra hệ thống đồng bộ thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người tiêu dùng và giám sát, phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật giúp cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Đối với các doanh nghiệp, bên cạnh đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất ra hàng hóa có chất lượng cao, giá thành hợp lý cũng phải nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại, chăm sóc khách hàng và tạo sự liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tạo ra chuỗi giá trị; có như vậy doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước mới làm chủ được thị trường “sân nhà” và tạo đà cho xuất khẩu thời gian tới.

Ông Đặng Thanh Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh

Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng suất lao động chính là bệ đỡ rất quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh sẽ tập trung đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh sẽ tổ chức tổng kết 10 năm và tôn vinh các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tốt cuộc vận động nhằm khích lệ, nhân rộng ra cộng đồng.

Ông Phạm Hồng Bàng, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy

Muốn cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, tạo ra phong trào hưởng ứng thì cán bộ, đảng viên cần nêu gương nắm chắc, thực hiện tốt các nội dung của cuộc vận động và trở thành từng hạt nhân tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân, doanh nghiệp sản xuất, sử dụng hàng Việt Nam.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Hiện nay, sự liên kết của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu, nhất là thiếu mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp có quy mô lớn. Vì vậy, vẫn còn thiếu vắng một lực lượng doanh nghiệp đủ mạnh để có thể dẫn dắt các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong tỉnh và trong nước. Thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh liên kết chặt chẽ với nhau, tạo sức mạnh cho từng doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ.


(Tiếp theo và hết)
Khắc Duẩn