Thứ 7, 23/11/2024, 20:26[GMT+7]

Bức tranh muôn màu của kinh tế châu Á - Thái Bình Dương

Thứ 7, 24/09/2022 | 09:21:24
988 lượt xem
Dự báo về tình hình kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương thời gian tới, Công ty phân tích Moody’s cho rằng các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sẽ tăng trưởng chậm lại, nhưng đồng thời lạm phát cũng giảm đi.

Kinh tế Việt Nam được Công ty phân tích Moody’s đánh giá tích cực khi xuất khẩu ổn định. Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Công ty phân tích Moody’s vừa công bố báo cáo “Triển vọng châu Á - Thái BìnhDương (APAC): Kiểm nghiệm khả năng phục hồi sắp tới”.

Ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc và Mỹ

Theo báo cáo trên, kinh tế Trung Quốc có kim ngạch xuất khẩu thấp trong tháng 8 và kim ngạch nhập khẩu gần như không thay đổi kể từ tháng 3 cho thấy lĩnh vực sản xuất của nước này đang tăng trưởng rất chậm. 

Trong khi đó, đối với nền kinh tế đại lục, thị trường nhà ở là yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực. Các nhà phát triển bất động sản vẫn chưa tìm thấy nguồn tài chính đảm bảo hoàn thành nhiều dự án còn dang dở, trong khi người mua thì ngưng thanh toán vì nhà chưa được giao. Giá các đơn vị nhà ở mới tiếp tục giảm, và giá xây mới giảm 1/3 so với năm ngoái. Các biện pháp kích thích gần đây để giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng như cắt giảm lãi suất cơ bản cho một số loại khoản vay, nới lỏng các yêu cầu về vốn đối với các ngân hàng… Tuy nhiên, dù tốc độ cung tiền tăng nhanh chóng kể từ đầu năm nay, thì nguồn vốn đầu tư lại tăng trưởng chậm. 

Một số tín hiệu khả quan, nổi bật là sự tăng trưởng về doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp trong tháng 8, có thể tạo ra triển vọng quý 4 mạnh mẽ hơn. Nhưng tín hiệu vừa nêu có lẽ không đủ sức để Trung Quốc có GDP tăng trưởng lên mức 3% trong năm nay.

Trong khi đó, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng hóa chủ lực cho khu vực APAC. Kim ngạch nhập khẩu của Mỹ chậm lại trong tháng 6 và 7, nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng gần 15% tính từ đầu năm. Chỉ số Sản xuất (ISM) trong tháng 8 của nước này vẫn đạt trên mức trung bình và Khảo sát tâm lý người tiêu dùng (do Đại học Michigan, Mỹ) thực hiện cho thấy nhu cầu tiêu dùng vẫn ở mức cao.

Kinh tế Việt Nam khả quan nhưng đối mặt thách thức

Trong ngắn hạn, theo Moody’s, các nền kinh tế có kim ngạch xuất khẩu cao vào Mỹ như Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan được hưởng một số lợi thế so sánh. Mỹ chiếm hơn 25% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, từ thiết bị công nghệ cao cho đến giày dép và quần áo. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng lên giúp Việt Nam đa dạng hóa cơ sở xuất khẩu. Ngược lại, theo Moody’s, Hàn Quốc cùng với Úc, Singapore và New Zealand phụ thuộc tương đối nhiều vào xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì thế, xuất khẩu từ các nước vừa nêu tăng trưởng chậm.

Về lạm phát, giá cả hàng hóa sau khi tăng mức đỉnh vào tháng 4 đã dần giảm xuống. Trong đó, dầu Brent đã giảm xuống mức khoảng 90 USD/thùng sau khi đạt đỉnh gần 130 USD/thùng ở giai đoạn Nga vừa tiến hành chiến dịch quân sựnhằm vào Ukraine. Việc hàng hóa giảm giá đã kịp thời kiềm chế lạm phát ở nhiều nước.

Tuy nhiên, Moody’s lo ngại là giá nhiên liệu sau khi giảm do giá dầu thô giảm thì có thể tăng lại do một số nước đồng thời cắt giảm các biện pháp trợ giá đối với nhiên liệu. Bên cạnh đó, dầu thô có thể lại biến động trong tháng 1.2023 khi các lệnh trừng phạt mới của châu Âu đối với năng lượng của Nga có hiệu lực. Điều này không chỉ khiến giá nhiên liệu tăng cao mà còn dẫn đến chi phí vận chuyển tăng trở lại khiến giá các loại lương thực tiếp tục ở mức cao.

Moody’s dự báo trong năm 2023, dù khả năng suy thoái toàn diện ở mức thấp, nhưng các nền kinh tế ở APAC vẫn tiếp tục trải qua một năm tăng trưởng chậm, do các nền kinh tế trong khu vực sẽ có môi trường xuất khẩu yếu hơn trong khi lãi suất cao hơn. Tại APAC, các nền kinh tế phát triển nhanh nhất hiện nay như Malaysia, Việt Nam và Ấn Độ có khả năng tăng trưởng chậm lại khi thời kỳ phục hồi nhanh chóng sau Covid-19 giảm dần. Philippines và Indonesia sẽ có mức tăng trưởng cao hơn nhờ vào việc đầu tư hạ tầng mạnh mẽ.

Các nền kinh tế Trung Quốc đại lục và Hồng Kông dự kiến có tăng trưởng nhanh hơn sau khi giảm bớt các biện pháp phòng chống Covid-19. Hơn nữa, việc Trung Quốc bổ sung các biện pháp kích thích kinh tế thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ có thể thúc đẩy tốc độ phục hồi kinh tế.

Theo Thanh Niên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày