Thứ 7, 23/11/2024, 23:02[GMT+7]

Nước Đức vẫn hoang mang trước “lá chắn phòng thủ” kinh tế

Thứ 6, 07/10/2022 | 09:26:54
1,274 lượt xem
Với kế hoạch chi 200 tỷ euro để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp chịu tác động giá năng lượng tăng vọt, Chính phủ Đức muốn lập “lá chắn phòng thủ” để bảo vệ người dân trước tác động của giá năng lượng tăng cao. Đức thừa nhận đang trong tình trạng cực kỳ căng thẳng về nguồn cung năng lượng và lạm phát tăng kỷ lục khiến triển vọng nền kinh tế đầu tàu châu Âu khó tránh khỏi nguy cơ suy thoái.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner và Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck tham dự một cuộc họp tại Berlin, Đức, ngày 4/10/2022. Ảnh: REUTERS

Cuộc khủng hoảng trên thị trường khí đốt, giá năng lượng leo thang gây áp lực đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, là những nguyên nhân đẩy lạm phát của Đức tiếp tục gia tăng. Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế đầu tàu châu Âu đã lên mức cao kỷ lục trong 70 năm qua, tháng 9 vừa qua đã tăng lên mức 10%, mức cao nhất kể từ đầu thập niên 50 của thế kỷ trước.

Đây cũng là lần đầu kể từ khi nước Đức tái thống nhất (năm 1990), tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lên mức hai con số. Năng lượng và thực phẩm là những yếu tố hàng đầu thúc đẩy lạm phát tăng cao trong nhiều tháng. Số liệu của Destatis cho thấy, trong tháng 9, chi phí năng lượng tăng 43,9% so cùng kỳ năm 2021, trong khi giá thực phẩm tăng 18,7%.

Các chuyên gia kinh tế Đức dự báo, tỷ lệ lạm phát ở mức hai con số sẽ còn tiếp diễn trong những tháng tới, đặc biệt trong bối cảnh mùa đông đang đến gần, giá năng lượng có thể tiếp tục tăng cao.

Gói hỗ trợ năng lượng của Đức được đưa ra trong bối cảnh các bộ trưởng trong chính phủ cảnh báo cuộc khủng hoảng năng lượng mà nước này đang trải qua có nguy cơ leo thang thành một cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck (R.Ha-béc) thừa nhận Đức đang trong tình trạng khẩn cấp về năng lượng, đồng thời kêu gọi người dân tiết kiệm nhiên liệu trước nguy cơ không đủ khí đốt trong mùa đông này.

Theo ông Habeck, dù vừa công bố gói hỗ trợ mới trị giá 200 tỷ euro để hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp đang chịu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, nhưng chính phủ sẽ không trợ cấp giá khí đốt giảm xuống mức như năm 2021 và không áp dụng trong thời gian dài.

Cơ quan Quản lý mạng lưới Liên bang Đức (BNetzA) đã ban bố cảnh báo khẩn kêu gọi người tiêu dùng tăng cường tiết kiệm khí đốt ngay cả khi thời tiết lạnh giá, mặc dù các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đã được lấp đầy khoảng 91,5% trước mùa đông. Theo đó, Đức cần phải bảo đảm giảm ít nhất 20% lượng tiêu thụ khí đốt để tránh tình trạng thiếu nguồn nhiên liệu sưởi ấm trong mùa đông.

Với việc áp dụng gói hỗ trợ quy mô lớn trong hai năm, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner (C.Lin-nơ) khẳng định, gói hỗ trợ phù hợp quy mô kinh tế nước này và mục tiêu là sử dụng số tiền ít nhất có thể.

Tuy nhiên, kế hoạch của Đức đã khiến một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) lo ngại rằng ngành công nghiệp của họ sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến thị trường chung của khối. Tổ chức nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) nhận định, mặc dù kế hoạch hỗ trợ của Đức sẽ giúp các doanh nghiệp nước này vượt qua khủng hoảng, nhưng cũng đồng thời sẽ gây phân hóa kinh tế và giảm đoàn kết trong nội bộ khối.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã kêu gọi các đối tác nhất trí về một chiến lược chung nhằm ứng phó cú sốc về giá cả và hạn chế các nước áp dụng chính sách riêng. Theo ông Bruno Le Maire, các khoản vay nên dành cho REPowerEU, một chương trình nhằm giúp các nước giảm bớt sự phụ thuộc nguồn cung khí đốt của Nga.

Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng khí đốt, giá năng lượng leo thang, lạm phát gia tăng đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu đi vào suy thoái trong năm 2023. Báo cáo của các viện kinh tế hàng đầu của Đức và quốc tế cho biết, tốc độ tăng giá tiêu dùng ở Đức sẽ không dừng lại trong những tháng tới và lạm phát hằng năm có thể lên tới 8,8% trong năm 2023, trong khi GDP có thể giảm 0,4% trong giai đoạn này.

Theo các dự báo, GDP của Đức trong năm 2022 chỉ tăng 1,4%, giảm so với dự báo trước đó là 2,7% và sẽ bước vào suy thoái trong năm 2023 với mức giảm là 0,4%, trước khi có thể đạt mức tăng trưởng 1,9% vào năm 2024. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế tạm thời, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng lưu ý rằng, nền kinh tế toàn cầu đã mất đà do tình hình xung đột tại Ukraine, trong đó Đức là nước bị tác động lớn nhất, với dự đoán nước này sẽ bước vào suy thoái trong năm 2023.

Những dự báo nêu trên cho thấy dù đã mạnh tay chi gói tài chính để bảo vệ người dân trước “bão khủng hoảng” năng lượng, song nước Đức vẫn hoang mang trước triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày