Thứ 5, 14/11/2024, 23:39[GMT+7]

Mối lo khủng hoảng lương thực toàn cầu

Thứ 2, 05/12/2022 | 09:44:06
2,303 lượt xem
Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), khoảng 770 triệu người, tương đương 10% dân số thế giới, đang trong tình trạng thiếu đói và hơn 3 tỷ người không đủ khả năng để có một chế độ ăn uống lành mạnh. Dân số thế giới dự kiến sẽ đạt 10 tỷ người vào năm 2050 và nếu cộng đồng quốc tế không kịp thời hành động, hàng loạt những thách thức lớn, trong đó có khủng hoảng lương thực, có thể vượt tầm kiểm soát.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo điện tử Chính phủ)

Tại hội nghị cấp cao về tài chính nông thôn và nông nghiệp toàn cầu, diễn ra hồi cuối tháng 11 tại Mexico, nhà kinh tế trưởng của FAO Maximo Torero (M.Tô-rê-rô) cho biết, chi phí vận chuyển lương thực giữa các quốc gia trên thế giới dự tính sẽ lên 2.000 tỷ USD trong năm 2022, tăng khoảng 33% so với chi phí trong giai đoạn trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Thực tế này có thể khiến giá lương thực toàn cầu tiếp tục tăng cao, đẩy thêm hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực. Chuyên gia hàng đầu của FAO phân tích, việc các ngân hàng trung ương liên tiếp nâng lãi suất và các chính sách kiềm chế lạm phát quyết liệt của các chính phủ khiến nguồn tài chính để nhập khẩu lương thực của các nước đang phát triển ngày một khó khăn hơn. Lãi suất cho vay tăng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chi phí đầu vào trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Tình hình ngày một trầm trọng

Cuộc xung đột tại Ukraine được xem là một trong những yếu tố đẩy giá lương thực tăng phi mã, do lượng dự trữ lương thực toàn cầu giảm tới 8%, đặc biệt là ngũ cốc và lúa mì, vốn là các sản phẩm mà Nga và Ukraine đóng góp tới 30% sản lượng trên thế giới. Một khi cuộc xung đột tiếp diễn, rủi ro tác động đến giá lương thực còn tăng, đồng nghĩa thêm hàng triệu người trên thế giới có nguy cơ rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực.

Theo đánh giá của FAO, châu Phi là khu vực chịu tác động nặng nề nhất trong “bão giá lương thực”, khi một phần ba dân số châu lục này phải sống trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng; cứ năm người châu Phi thì có một người chịu cảnh đói khát trong hai năm qua. Hai phần ba số người thuộc diện “đặc biệt nghèo đói”, với mức sống dưới 1,9 USD/ngày theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện sinh sống ở khu vực Nam Sahara của châu Phi.

Khó khăn chồng chất khó khăn. Nhiều dự án cứu trợ nhân đạo đối mặt nguy cơ thiếu kinh phí kỷ lục trong năm 2022. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết, trong bối cảnh số người cần hỗ trợ đang ở mức lớn chưa từng có, cơ quan chuyên điều phối các vấn đề nhân đạo này lại không nhận đủ số tiền cần thiết để triển khai các dự án.

Do thiếu kinh phí, Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) hôm 30/11 thông báo giảm viện trợ cho Sudan. Việc cắt giảm viện trợ này làm tăng nguy cơ tử vong đối với 50% trong tổng số 1,7 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Ngay cả tại nhiều quốc gia phát triển, giá lương thực, thực phẩm tăng cao kỷ lục cũng khiến hàng triệu hộ gia đình điêu đứng. Theo Food Bank Canada, tổ chức từ thiện có mạng lưới cứu trợ lương thực, thực phẩm trên toàn Canada, số người dân tại Canada cần cứu trợ lương thực và thực phẩm đã tăng cao kỷ lục.

Food Bank Canada cho biết, kể từ tháng 3 đến nay có tới 1,5 triệu lượt người tìm đến các chi nhánh của “ngân hàng thực phẩm” này và đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Khảo sát của Cơ quan Thống kê Canada cho thấy, năm 2021, 5,8 triệu người Canada sống trong tình trạng mất an ninh lương thực. Lý do khiến người Canada tìm đến các “ngân hàng thực phẩm” là mức trợ cấp xã hội thấp, trong khi chi phí thực phẩm, nhà ở tăng cao.

Trong dự báo gần đây, Standard & Poor’s cho rằng, cuộc khủng hoảng lương thực có thể kéo dài đến năm 2024, thậm chí lâu hơn. Ủy ban Cứu hộ quốc tế cảnh báo thế giới về một nạn đói có thể xảy ra, trong đó thêm 47 triệu người, chủ yếu ở vùng Sừng châu Phi, Afghanistan và Yemen sẽ bị đẩy vào tình trạng đói nghiêm trọng, nếu cộng đồng quốc tế không có hành động ứng phó kịp thời.

Giải pháp hướng tới sự bền vững

Hôm 2/12, FAO công bố ấn phẩm “Tương lai của nông nghiệp và lương thực - Các động lực và tác nhân kích hoạt chuyển đổi”, tập trung vào những hành động cần thiết và cấp bách để chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp và lương thực theo hướng bền vững.

Tổng Giám đốc FAO nhấn mạnh, nhiều mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc đang chệch hướng và sẽ chỉ đạt được nếu các hệ thống nông nghiệp và lương thực được chuyển đổi phù hợp để chống chọi những thách thức toàn cầu đang diễn ra.

Báo cáo nêu ra bốn viễn cảnh của các hệ thống nông nghiệp và thực phẩm, gồm hai viễn cảnh khá bi quan, một viễn cảnh có thể tạo ra một số lợi ích tạm thời và một viễn cảnh thật sự bền vững.

Trong trường hợp “mọi thứ như cũ”, thế giới tiếp tục phản ứng bị động trước các sự kiện và khủng hoảng. Trong trường hợp “tương lai được điều chỉnh”, một số động thái hướng tới các hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững sẽ diễn ra nhưng với tốc độ chậm và không chắc chắn.

Kịch bản xấu nhất là “cuộc đua xuống đáy”, mô tả một thế giới hỗn loạn. Báo cáo chỉ ra viễn cảnh “đánh đổi để lấy sự bền vững”, trong đó đổi tăng trưởng GDP ngắn hạn để đạt được tính bao trùm, sức chống đỡ và bền vững của các hệ thống nông nghiệp và lương thực, kinh tế-xã hội và môi trường.

Báo cáo của FAO chỉ ra một nguyên nhân quan trọng đẩy sớm viễn cảnh “cuộc đua xuống đáy” là khả năng đầu tư và áp dụng khoa học-công nghệ khác nhau giữa các nhóm nước thu nhập cao và thu nhập thấp, khiến khoảng cách phát triển giữa hai nhóm càng bị nới rộng.

Để hạn chế tình trạng này, FAO đóng vai trò quan trọng đẩy mạnh nghiên cứu và hỗ trợ các nước đang phát triển về chính sách, cách tiếp cận, thực tiễn và công cụ đổi mới sáng tạo; khuyến khích đầu tư, chia sẻ các giải pháp; hỗ trợ tài chính, công nghệ và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển trong đổi mới khoa học-công nghệ…

Các xu hướng như gia tăng dân số và đô thị hóa, bất ổn kinh tế vĩ mô, nghèo đói và bất bình đẳng, căng thẳng và xung đột địa chính trị, cạnh tranh gay gắt hơn đối với tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu đang tàn phá các hệ thống kinh tế-xã hội và hủy hoại môi trường.

Báo cáo của FAO khuyến cáo các nước thành viên về bốn nhân tố kích hoạt chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm hướng tới bền vững hơn, gồm tăng cường quản lý nhà nước; nâng cao thu nhập của người dân, giảm sự bất bình đẳng giữa các nhóm dễ bị tổn thương; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; tiếp tục chia sẻ về đổi mới công nghệ toàn cầu.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng kêu gọi thế giới kiên quyết phản đối chính trị hóa các vấn đề lương thực và năng lượng, bởi an ninh lương thực và an ninh năng lượng là những thách thức cấp bách nhất trong phát triển toàn cầu. Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay không phải do sản xuất hay nhu cầu, mà là do chuỗi cung ứng và hợp tác quốc tế bị gián đoạn.

Giải pháp cho vấn đề này là tất cả các quốc gia, dưới sự điều phối của Liên hợp quốc và các tổ chức đa phương, cần tăng cường hợp tác về giám sát và điều tiết thị trường, xây dựng quan hệ đối tác về hàng hóa, phát triển thị trường hàng hóa mở, ổn định và bền vững, cùng nhau hợp tác để giải phóng chuỗi cung ứng, ổn định giá và thị trường.

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen được gia hạn mới đây được cộng đồng quốc tế hoan nghênh và Liên hợp quốc nhấn mạnh là thí dụ điển hình và rõ nét về đối thoại và hợp tác nhằm hạ nhiệt “cơn sốt lương thực” trên phạm vi toàn cầu.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày