Thứ 7, 23/11/2024, 16:25[GMT+7]

Mỹ củng cố niềm tin với châu Phi

Thứ 4, 14/12/2022 | 10:33:32
1,678 lượt xem
Với sự tham dự của các đại diện đến từ khoảng 50 nước châu Phi, Hội nghị cấp cao Mỹ-châu Phi là một trong những sự kiện quốc tế lớn nhất tại Washington kể từ sau đại dịch Covid-19. Mỹ muốn gửi tín hiệu rõ ràng về các cam kết trong việc tăng cường quan hệ đối tác, cũng như ủng hộ tiếng nói của châu Phi trong chính sách quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ-châu Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một thông báo Nhà trắng nêu rõ, Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo Mỹ-châu Phi diễn ra từ ngày 13 đến 15/12 tại Washington, nhằm thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với châu Phi, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-châu Phi và tăng cường hợp tác về các ưu tiên chung toàn cầu.

Thư ký báo chí Nhà trắng Karine Jean-Pierre (C.Pi-e) nêu rõ, hội nghị lần này là cơ hội để làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác với lục địa châu Phi. Washington sẽ tập trung vào các nỗ lực tăng cường mối quan hệ đối tác này trong nhiều lĩnh vực, trải dài từ thương mại, y tế đến các vấn đề an ninh.

Hội nghị cấp cao Mỹ-châu Phi lần đầu được tổ chức năm 2014 dưới thời Tổng thống Barack Obama. Hội nghị năm 2014 được xem là dấu mốc lịch sử quan trọng, không chỉ bởi nguồn gốc của Tổng thống Mỹ da màu khi đó mà còn vì những cam kết mạnh mẽ của Washington nhằm tăng cường quan hệ đối tác với châu Phi.

Theo nhận định của giới quan sát, các cam kết của Mỹ đối với châu Phi khá khiêm tốn những năm gần đây. Do đó, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đón tiếp hàng chục nhà lãnh đạo châu Phi tại Washington sẽ vực dậy niềm tin giữa hai bên, góp phần khôi phục vị thế của Mỹ tại châu lục này.

Bên cạnh những ưu tiên từng được nhắc tới tại hội nghị năm 2014, Hội nghị cấp cao Mỹ-châu Phi lần thứ hai bao trùm nhiều lĩnh vực, nhất là hàng loạt thách thức đang nổi lên trên toàn cầu nói chung và châu Phi nói riêng.

Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đón tiếp hàng chục nhà lãnh đạo châu Phi tại Washington sẽ vực dậy niềm tin giữa hai bên, góp phần khôi phục vị thế của Mỹ tại châu lục này.


Nhà trắng nhấn mạnh, dựa trên các giá trị chung, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Phi sẽ thảo luận các biện pháp thúc đẩy an ninh và hòa bình, ứng phó khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng an ninh lương lực, tăng cường sức khỏe khu vực và toàn cầu, giảm thiểu tác động của Covid-19 và các đại dịch trong tương lai…

Từ phía các nước châu Phi, ưu tiên hàng đầu tại cuộc gặp lần này là tìm kiếm sự hỗ trợ về kinh tế và nguồn lực nhằm đối phó các vấn đề cấp bách tại khu vực như an ninh lương thực và biến đổi khí hậu. Đại sứ Ai Cập tại Mỹ Motaz Zahran cho biết, Hội nghị cấp cao Mỹ-châu Phi dự kiến sẽ triển khai các kết quả của Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) bằng cách thúc đẩy thực hiện các cam kết quốc tế nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, các quốc gia châu Phi cũng tìm kiếm sự hợp tác nhằm tăng cường an ninh để chống khủng bố, trong bối cảnh một số nhóm khủng bố vẫn tồn tại ở một số quốc gia châu Phi và ngày càng gia tăng ảnh hưởng.

Giới chức Nhà trắng tiết lộ việc Tổng thống Joe Biden dự kiến tuyên bố ủng hộ bổ sung Liên minh châu Phi (AU) làm thành viên thường trực Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), nhằm trao cơ hội cho các quốc gia ở châu lục này tham gia sâu hơn vào nhiều vấn đề chung của toàn cầu. Nam Phi là nước châu Phi duy nhất là thành viên G20, trong khi AU có tới 55 quốc gia thành viên.

Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Phi cũng dự kiến công bố các sáng kiến mới nhằm tăng cường sự tham gia của Mỹ vào Hiệp định Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), cũng như các sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế châu Phi.

Là châu lục giàu tiềm năng, châu Phi có vị trí và vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của các nước lớn trên thế giới. Hồi tháng 8 vừa qua, Mỹ đã công bố một chiến lược mới đối với khu vực tiểu vùng Sahara, trong đó nhấn mạnh Washington cùng các đồng minh và đối tác coi châu Phi là một phần không thể thiếu đối với an ninh quốc gia. Cố vấn hàng đầu về châu Phi của Tổng thống Joe Biden, ông Judd Devermont cho rằng, thế giới cần thêm tiếng nói của châu Phi trong các vấn đề liên quan kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, y tế và an ninh.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày