Thứ 5, 14/11/2024, 11:15[GMT+7]

Ngành hàng không khởi sắc

Chủ nhật, 12/02/2023 | 20:18:23
1,926 lượt xem
Ngành hàng không toàn cầu đang đón nhận những tín hiệu tích cực khi nhu cầu đi lại trong năm 2023 được dự báo sẽ vượt mức trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát và giá nhiên liệu tăng, lỗ hổng nhân lực... là những yếu tố rủi ro đối với triển vọng phục hồi của ngành.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Cục Hàng không Việt Nam)

Sau ba năm dịch Covid-19 hoành hành khiến nhiều ngành nghề lâm vào cảnh trì trệ, ngành hàng không thế giới đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm” với sự phục hồi mạnh mẽ về lưu lượng hành khách. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) lạc quan nhận định, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trên toàn cầu sẽ phục hồi hoàn toàn trong năm 2023. 

Cụ thể, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ trở lại thời kỳ trước đại dịch trên hầu hết các tuyến bay vào cuối quý I/2023 và đến cuối năm 2023 sẽ cao hơn mức của năm 2019 khoảng 3%. Ngoài ra, nhu cầu đi lại bằng máy bay năm 2024 sẽ tăng hơn 4% so với năm 2019.

Dự báo mới của ICAO là một tin vui với lĩnh vực hàng không, bởi ngành này đã trải qua ba năm liên tiếp báo lỗ. Trong năm 2022, doanh thu hàng không chỉ đạt 68% mức của năm 2019. Số hành khách đi máy bay trên toàn cầu giảm 60% trong thời gian từ 2019-2021 do dịch Covid-19 lan rộng trên khắp thế giới. Theo ICAO, việc giảm nhu cầu đã khiến các hãng hàng không trên thế giới thiệt hại 372 tỷ USD trong năm 2020 và 324 tỷ USD năm 2021.

Những diễn biến tích cực của dịch Covid-19 trong thời gian gần đây cũng được coi là động lực để các ngành hàng không, du lịch bứt tốc phục hồi. Hàng loạt quốc gia đã gỡ bỏ hạn chế đi lại liên quan dịch bệnh. Tại Singapore, từ ngày 13/2 tới, nước này sẽ dỡ bỏ quy định yêu cầu hành khách chưa tiêm đủ liều cơ bản vắc-xin phòng Covid-19 phải cung cấp chứng nhận xét nghiệm âm tính hoặc mua bảo hiểm du lịch có chi trả phí điều trị Covid-19. 

Trung Quốc sẽ nối lại các tour du lịch nước ngoài theo nhóm do các đại lý và công ty du lịch tổ chức cho công dân Trung Quốc. Venezuela đang thúc đẩy đàm phán với Nga để gia tăng số lượng chuyến bay giữa hai nước lên 4 chuyến mỗi tuần nhằm thúc đẩy du lịch ở quốc gia Nam Mỹ...

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) lạc quan nhận định, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ trở lại thời kỳ trước đại dịch trên hầu hết các tuyến bay vào cuối quý I/2023 và đến cuối năm 2023 sẽ cao hơn mức của năm 2019 khoảng 3%. Ngoài ra, nhu cầu đi lại bằng máy bay năm 2024 sẽ tăng hơn 4% so với năm 2019.


Tuy lạc quan về triển vọng phục hồi của ngành hàng không, các chuyên gia vẫn thận trọng cho rằng, còn nhiều rủi ro tiềm ẩn đe dọa kìm hãm đà phục hồi này. Hai tập đoàn chế tạo máy bay lớn của thế giới là Boeing và Airbus đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng đơn đặt hàng máy bay mới, nhờ nhu cầu tăng trưởng của ngành hàng không sau thời gian trì trệ vì dịch bệnh và nhu cầu đối với máy bay mới sử dụng ít nhiên liệu, tạo ra ít carbon hơn tăng cao. 

Tuy nhiên, cả hai công ty này cảnh báo rằng, những vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ hạn chế việc tăng cường sản xuất máy bay. Lạm phát cao, giá nhiên liệu tăng cũng là một thách thức. Tổng chi phí nhiên liệu cho ngành hàng không vào năm 2023 dự kiến là gần 229 tỷ USD, tương đương với 30% tổng chi phí. 

Tình trạng thiếu hụt nhân công là vấn đề dai dẳng, chưa được giải quyết dứt điểm của lĩnh vực hàng không. Mùa hè năm 2022 từng được kỳ vọng là mùa hè sôi động của ngành này khi nhu cầu hành khách di chuyển, du lịch tăng vọt sau ba năm dịch bệnh hoành hành. Vậy nhưng, sự gián đoạn của hàng loạt chuyến bay và tình trạng quá tải ở các sân bay đã khiến đà phục hồi bị kìm hãm, mà nguyên nhân chính là do sự thiếu hụt trầm trọng về phi công, tiếp viên, nhân viên mặt đất… 

Đến nay, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tiếp diễn, làn sóng đình công của người lao động đang lan rộng ở nhiều lĩnh vực; và ngành hàng không cũng không ngoại lệ. Mới đây, tất cả các chuyến bay cất cánh từ sân bay BER ở thủ đô Berlin của Đức đã bị hủy, hoãn do nhân viên đình công đòi tăng lương. Có khoảng 300 chuyến bay bị hủy hoặc bị hoãn, ảnh hưởng tới 35.000 hành khách.

Môi trường kinh tế và địa chính trị thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không. Cũng như các lĩnh vực khác, ngành hàng không toàn cầu đang đứng trước cả cơ hội và thách thức, cần tiếp tục có những giải pháp để phục hồi toàn diện trên mọi khía cạnh.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày