Thứ 7, 23/11/2024, 22:22[GMT+7]

Kinh tế Eurozone thoát hiểm

Thứ 5, 16/02/2023 | 21:06:52
739 lượt xem
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố số liệu cho thấy, kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong quý IV/2022 đạt tăng trưởng dương, theo đó có thể tránh được nguy cơ suy thoái. Cùng với mức tăng trưởng đang tốt hơn dự báo, những tín hiệu kinh tế tích cực đã giúp Eurozone vượt qua giai đoạn khó khăn.

Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo cáo của Eurostat, trong quý IV/2022, 19 nền kinh tế Eurozone đạt tăng trưởng dù chỉ khiêm tốn với mức tăng 0,1% so với quý trước đó. Dữ liệu không bao gồm Croatia, nước trở thành thành viên thứ 20 của khối từ tháng 1 năm nay. 

Trong khi đó, báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, kinh tế Eurozone năm 2023 sẽ tăng trưởng cao hơn dự báo đưa ra trước đó khi cuộc khủng hoảng năng lượng có dấu hiệu lắng dịu và kinh tế khu vực này tránh được kịch bản suy thoái trong mùa đông khi lần đầu sau sáu tháng tăng trưởng trở lại trong tháng 1 vừa qua. Tăng trưởng của 20 nước thành viên Eurozone dự báo sẽ đạt 0,9% năm 2023 thay vì mức 0,3% dự báo trước đó. 

Lạm phát cũng được dự báo sẽ giảm hơn thời điểm cuộc xung đột Ukraine nổ ra, đẩy giá xăng dầu và khí đốt “phi mã” hồi năm ngoái. Đỉnh lạm phát ở Eurozone dường như đã đi qua sau khi chạm mức kỷ lục 10,6% tháng 10/2022. Tỷ lệ lạm phát của Eurozone đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, xuống còn 8,5% trong tháng 1/2023. 

Lạm phát cũng được dự báo sẽ giảm hơn thời điểm cuộc xung đột Ukraine nổ ra, đẩy giá xăng dầu và khí đốt “phi mã” hồi năm ngoái.


Mức lạm phát này thấp hơn tỷ lệ 9,2% của tháng 12/2022 và thấp hơn mức dự báo 9% được đưa ra trong một cuộc thăm dò trước đó của hãng tin Reuters. Tỷ lệ lạm phát giảm do giá năng lượng hạ nhiệt trong tháng trước, chỉ tăng 17,2%, thấp hơn so với mức tăng 25,5% của tháng 12/2022. Bên cạnh đó, thị trường lao động EU tiếp tục có nhiều dấu hiệu tích cực, với tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp chưa từng có.

Giới chuyên gia dự báo, các nền kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng cao hơn trong quý II/2023, theo đó Eurozone có khả năng sẽ tránh được nguy cơ suy thoái kỹ thuật. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa tất cả các nước trong khu vực đều tránh được nguy cơ suy thoái kinh tế. 

Trong số 19 nền kinh tế Eurozone, sáu nền kinh tế suy giảm trong quý IV/2022, trong đó GDP của Đức và Italia lần lượt giảm 0,2% và 0,1%. Hai nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba Eurozone này đã chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tại Ukraine, bởi đây là hai quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu cũng như nguồn cung khí đốt từ Nga. 

Các nền kinh tế Eurozone ghi nhận những tín hiệu tích cực sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trên khắp thế giới tung ra hàng loạt đợt tăng lãi suất vào năm ngoái trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, EC cảnh báo rằng, những cơn gió ngược về kinh tế vẫn còn mạnh. Người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt chi phí năng lượng cao và lạm phát cơ bản (lạm phát toàn phần không bao gồm năng lượng và thực phẩm chưa chế biến) vẫn tăng trong tháng 1/2023. 

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, về tổng thể, nền kinh tế đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn dự báo, nhưng ECB có thể duy trì lộ trình tăng lãi suất vào tháng 3 tới. Nhu cầu nội khối có thể tăng cao hơn dự báo nếu giá khí đốt giảm gần đây tác động đến giá tiêu dùng mạnh hơn và tiêu dùng chứng minh được khả năng phục hồi tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn không thể loại trừ khả năng đảo ngược xu hướng này trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị chưa chấm dứt.

Về tổng thể, nền kinh tế đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn dự báo, nhưng ECB có thể duy trì lộ trình tăng lãi suất vào tháng 3 tới.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde

Thái độ lạc quan thận trọng trên có được là nhờ giá năng lượng bắt đầu giảm sau khi luôn ở những mức cao trong năm ngoái vì tác động của cuộc xung đột ở Ukraine. Mùa đông năm nay không lạnh cũng giúp giảm những lo ngại về thiếu nhiên liệu. Chi phí năng lượng thấp hơn đã góp phần giảm lạm phát tại Eurozone. Tốc độ gia tăng giá tiêu dùng đã chậm lại trong tháng 12/2022, còn 9,2%. Đây là dấu hiệu để hy vọng rằng lạm phát cuối cùng đã đạt đỉnh và đang đi xuống.

Khu vực Eurozone được đánh giá có thể đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cú sốc kinh tế, với lạm phát chậm lại từ mức đỉnh trong tháng 10/2022 và đạt tăng trưởng vào cuối năm 2022. Chủ tịch ECB Christine Lagarde dự báo, nền kinh tế Eurozone năm nay sẽ tốt hơn nhiều so với lo ngại ban đầu, với ngày càng nhiều hy vọng các nước có thể tránh khỏi một đợt suy thoái sâu. Tuy triển vọng sắp tới chưa thật sự tươi sáng nhưng nền kinh tế Eurozone đã thoát hiểm.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày