Thứ 7, 23/11/2024, 18:34[GMT+7]

Hợp tác toàn cầu vì sức khỏe

Thứ 2, 19/06/2023 | 17:46:32
2,047 lượt xem
Khoảng 8 triệu người tử vong mỗi năm tại 137 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới do dịch vụ y tế kém chất lượng. Việc tăng cường đầu tư cho dịch vụ y tế đang trở thành nhiệm vụ cấp bách của mọi quốc gia, trong bối cảnh nguy cơ các dịch bệnh tương tự đại dịch Covid-19 còn tiềm ẩn; tình trạng biến đổi khí hậu, bất ổn địa chính trị gia tăng.

Tiêm vaccine cho người cao tuổi ở châu Âu.(Ảnh: AP)

Báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố những con số đáng báo động về thực trạng dịch vụ y tế yếu kém ở một số khu vực trên thế giới. Chỉ 12% số quốc gia được khảo sát dành hơn 75% ngân sách cần thiết để đạt được các mục tiêu về nước sạch và vệ sinh môi trường tại cơ sở y tế. Dịch vụ y tế kém chất lượng khiến khoảng 8 triệu người thiệt mạng mỗi năm ở 137 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời gây thiệt hại kinh tế lên đến 6 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Trong thông điệp gửi đến kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 76 ở Thụy Sĩ vừa qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, chìa khóa để đạt được sức khỏe tốt nhất cho tất cả mọi người ở mọi nơi là hợp tác và chia sẻ. Trên thực tế, sự xuất hiện khó lường của đại dịch Covid-19 cách đây hơn ba năm đã bộc lộ những điểm yếu của hệ thống y tế toàn cầu, trong đó có sự tiếp cận không công bằng về dịch vụ y tế. Vào thời điểm làn sóng dịch dâng cao, giới chức y tế toàn cầu thường xuyên kêu gọi thế giới đồng tâm hiệp lực ứng phó thách thức chung này.

Đến nay, dù WHO đã dỡ bỏ tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Covid-19 nhưng những bài học về tinh thần đoàn kết, thúc đẩy tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế vẫn còn nguyên giá trị. WHO mới đây đã đạt một thành tựu quan trọng khi các nước thành viên chủ chốt phê duyệt gói ngân sách trị giá 6,83 tỷ USD trong vòng hai năm tới, giúp tăng nguồn lực tài chính của WHO trong ứng phó các cuộc khủng hoảng chung của toàn cầu.

WHO cũng thúc đẩy thảo luận về một dự thảo hiệp ước, đề nghị các nước giàu nỗ lực hơn nữa trong việc hỗ trợ thế giới ứng phó các dịch bệnh. Dự thảo nhấn mạnh, những quốc gia có "tiềm lực và tài nguyên" cần gánh vác trách nhiệm ở mức tương xứng.

Biến đổi khí hậu và suy thoái hệ sinh thái, bất ổn địa chính trị... đang đe dọa sức khỏe và hạnh phúc của con người. Theo WHO, nhiệt độ cực cao có thể dẫn đến nhiều bệnh tật và tăng số ca tử vong, trong đó, các biến chứng sức khỏe chính là say nắng và tăng thân nhiệt.

Theo ước tính, có khoảng 2 tỷ người sẽ sống trong điều kiện nhiệt độ nguy hiểm vào cuối thế kỷ này nếu các chính sách khí hậu duy trì theo quỹ đạo hiện nay. Trong khi đó, UNICEF cho biết, tại Sudan - quốc gia đang bị xung đột tàn phá, hơn 13,6 triệu trẻ em rất cần được hỗ trợ nhân đạo, trong đó có 620.000 em bị suy dinh dưỡng cấp tính và một nửa trong số này có thể chết nếu không được giúp đỡ kịp thời.

Nhiều quốc gia cũng đứng trước cảnh thiếu nhân lực y tế trầm trọng. Các nước châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 37 quốc gia phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế.

Trước kịch bản có thể thiếu tới 10 triệu nhân viên y tế trên toàn cầu vào năm 2030, WHO đã khuyến nghị các quốc gia ưu tiên đào tạo nhân viên y tế. Những thách thức về y tế toàn cầu chỉ có thể được giải quyết bằng sự hợp tác trên phạm vi toàn cầu, không để quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày