Thứ 7, 16/11/2024, 17:34[GMT+7]

Syria - nước cờ đầu tiên để Mỹ thống trị thế giới?

Thứ 6, 28/06/2013 | 14:32:10
869 lượt xem
Press TV mới đây dẫn lời một nhà phân tích chính trị nói rằng, sự can thiệp trực tiếp và liên tục của Washington trong các vấn đề nội bộ của Syria đã cho thấy "Mỹ không hề đóng vai trò trung lập" trong cuộc nội chiến Syria hay thực chất là cuộc chiến ủy nhiệm của các cường quốc trên thế giới, theo cách gọi của giới quan sát.

"Trang bị vũ khí cho phe đối lập để tìm một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến Syria" - quan điểm nghịch lý của chính quyền Mỹ

"Mỹ hoàn toàn không đóng vai trò trung lập trong cuộc chiến này. Mục đích của chính quyền Obama và của Lầu Năm Góc là thực hiện một sự thay đổi chế độ chính trị ở Syria - họ thậm chí không úp mở về ý định này", nhà phân tích Richard Becker của Liên minh phản chiến Answer nhấn mạnh.

Richard Becker nêu rõ: “Nếu ai đó có ý nghĩ cho rằng Mỹ sẽ đóng vai trò trung lập trong cuộc chiến Syria thì họ đã hoàn toàn sai và thực tế đã minh chứng cho điều đó khi mà sự can thiệp của Mỹ sẽ ngày một sâu hơn”.

Những bình luận trên được đưa ra sau khi Los Angeles Times mới đây tiết lộ báo cáo cho thấy, kể từ khi căn cứ quân sự mới của Mỹ được mở ở tây nam Jordan vào tháng 10/2012, CIA và lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ đã bí mật cung cấp và hỗ trợ đào tạo phe nổi dậy trong việc sử dụng vũ khí chống tăng và chống máy bay.

Mỹ hiện có hơn 1.000 quân đồn trú tại Jordan, quốc gia láng giềng của Syria, tăng khá mạnh so với con số 250 quân trước đó. Việc đào tạo và vũ trang cho các binh sĩ nước ngoài cũng đã được thực hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc triển khai hơn ngàn quân đồn trú tại Jordan cùng các phản lực cơ F16, trực thăng tấn công, tên lửa Patriot và hệ thống tên lửa Patriot tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy Mỹ đang rất quyết tâm can thiệp vào Syria bằng mọi giá bất chấp thực tế rằng phe đối lập Syria đã tan đàn xẻ nghé và hứng chịu tổn thất lớn. Chính quyền Mỹ chắc chắn rằng họ sẽ đạt được mục tiêu của mình để thay đổi chế độ, một phần của chiến lược tổ chức lại toàn bộ khu vực.

Cùng quan điểm với Richard Becker, bài viết trên Washington Post còn nói rằng việc chính quyền Obama quyết định trang bị cho phe đối lập Syria trong khi tuyên bố muốn tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến Syria rõ ràng là kiểu chơi hai mặt.

Bài báo trên Washington Post chỉ ra rằng ông Obama vừa muốn củng cố cho lực lượng mà ông coi là "vũ trang chống đối vừa phải", được dẫn đầu bởi Tướng Salim Idriss, người đứng đầu lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA), nhưng cũng vừa muốn làm cho lực lượng này "đủ mạnh" để đàm phán với các lực lượng nổi dậy khác ở Syria trong thời kỳ quá độ chính trị có thể được mở ra như một kết quả của Hội nghị Geneva II.

Mục tiêu thứ hai của ông Obama là để đối phó với Hezbollah ở Lebanon và các nhóm ủng hộ Iran khác, đang hoạt động trên lãnh thổ Syria. 

Mục đích thứ ba của chiến lược này, theo tờ Washington Post, là để cắt đứt hỗ trợ quân sự và tài chính cho al-Qaeda, cũng như các nhóm vũ khác khác mà Washington coi là "cực đoan và nguy hiểm". 

Đối với chính quyền Mỹ, việc các nhóm cực đoan kiểm soát lực lượng vũ trang chống đối là một thực tế không mong muốn và đáng lo ngại. Các lực lượng này gây nguy hiểm cho các chế độ thân Mỹ trong khu vực, đặc biệt là Jordan. 
Đó là lý do tại sao Mỹ hậu thuẫn và thúc đẩy Tướng Idriss, mặc dù thành công của ông này dưới vai trò một nhà lãnh đạo quân sự đã được thực tế chứng minh chỉ là con số 0.

Tuy nhiên, tờ Washington Post cho rằng bằng chứng về việc chính phủ Syria của Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học chống lại quân nổi dậy đã không thuyết phục được bất kỳ ai. 
Ngay cả các quan chức phương Tây và các nhà ngoại giao cũng thừa nhận rằng tính thiếu minh bạch đã làm xói mòn uy tín của các "bằng chứng" cáo buộc chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học.

Jean Pascal Zanders, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu an ninh Liên minh châu Âu nói rằng những tính toán chiến lược của Mỹ tại Syria có thể vấp phải sai lầm. 
Kế hoạch hậu thuẫn cho một nhân vật như Idriss có thể trở thành một nhiệm vụ khó khăn hoặc không thể bởi vì người Syria xem Idriss như một con rối của Mỹ, hơn nữa ông này không có khả năng hòa giải, bằng chứng là các cuộc tấn công, những lời lăng mạ nhằm vào người Shi'ite.

Mặt khác không có gì cho thấy các nhóm vũ trang cực đoan ở Syria yếu hơn nhóm của Idriss, họ có vũ khí và tiền bạc. Cần lưu ý rằng các chuyến hàng vũ khí được gửi từ Saudi Arabia đến Aleppo không chỉ rơi vào tay FSA do Mỹ hậu thuẫn, mà còn đến tay cả Mặt trận Nusra.

Đã quá rõ ràng để nói rằng việc Mỹ tuyên bố Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học về cơ bản chỉ là cái cớ để Mỹ leo thang chiến tranh ở Syria, để trang bị vũ khí cho các lực lượng nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad và xa hơn để thay đổi chế độ chính trị của đất nước này.

Không dừng lại ở đó, Mỹ còn muốn thay đổi cả chế độ ở Iran, Lebanon, dập tắt các cuộc đấu tranh của người Palestine và trên tất cả là tổ chức lại toàn bộ khu vực để phù hợp hơn với chiến lược thống trị toàn cầu của Mỹ.

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ cần biết rằng, cho đến nay, chính quyền Bashar al-Assad vẫn là lực lượng duy nhất có khả năng giữ sự thống nhất cũng như đem lại ổn định cho Syria, đồng thời có thể bảo vệ và hòa giải giữa các nhóm tôn giáo. 
 
Việc lật đổ chính quyền Assad sẽ khiến Syria rơi vào tình trạng hỗn loạn mất kiểm soát một khi quyền lực rơi vào tay những kẻ cực đoan, cuồng tín hoặc con rối phục vụ Mỹ./.

Theo VOV

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày