EU đoàn kết đối phó làn sóng di cư
Việc đạt được thỏa thuận sơ bộ, vẫn cần được Hội đồng châu Âu và EP phê chuẩn chính thức, là bước tiến lớn trong nỗ lực tìm một giải pháp chung và toàn diện cho vấn đề di cư của châu Âu. Tây Ban Nha, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, nêu rõ, một thỏa thuận chính trị đã đạt được trên 5 phương diện của Hiệp ước mới về di cư và tị nạn của EU.
Các cải cách bao gồm việc đẩy nhanh quá trình kiểm tra những người di cư trái phép, thành lập các trung tâm giam giữ ở biên giới, đẩy nhanh việc trục xuất những người xin tị nạn bị từ chối và thiết lập cơ chế đoàn kết để giảm áp lực lên các quốc gia phía nam châu lục đang đối mặt với làn sóng người di cư lớn.
Vấn đề nan giải
EU đang đối mặt với số lượng người di cư trái phép và xin tị nạn ngày càng tăng. Tính từ đầu năm đến hết tháng 11 vừa qua, cơ quan biên giới Frontex của EU ghi nhận hơn 355.000 trường hợp vượt biên trái phép vào khối, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022 và là con số cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2016. Gia tăng cao nhất ghi nhận ở tuyến đường Tây Phi đến Quần đảo Canary của Tây Ban Nha, nơi số người di cư đến đã tăng hơn gấp đôi, lên 32.422.
Trong khi đó, tuyến di cư tây Balkan ghi nhận sự sụt giảm 28% và mức giảm của tuyến tây Địa Trung Hải từ Maroc đến Tây Ban Nha là 2%. Số người di cư đến EU qua biên giới đất liền phía đông đã giảm 10%. Theo Cơ quan tị nạn EU, số người xin tị nạn trong năm nay có thể lên tới một triệu người.
Tuyến đường xuyên tâm Địa Trung Hải từ Bắc Phi đến Italia vẫn là tuyến di cư bất hợp pháp “bận rộn” nhất trong năm 2023, với 152.211 trường hợp được quốc gia này báo cáo trong 11 tháng đầu năm nay, tăng 61% so cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất kể từ năm 2016. Tuyến đường này nối các nước Libya, Tunisia, Guinea và Côte d’Ivoire đến Italia.
Frontex cảnh báo rằng số liệu của họ không đầy đủ vì chúng chỉ bao gồm những người di cư được các cơ quan chức năng xử lý chứ không bao gồm những người đã vào EU mà không bị phát hiện. Phần lớn người di cư đến từ các nước Syria, Guinea và Afghanistan. Trước tình trạng gia tăng đáng kể số lượng người nhập cư bất hợp pháp, một số quốc gia thành viên EU đã phải tạm thời tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt trong khu vực vốn được di chuyển tự do.
Chia sẻ gánh nặng
Nội dung cải cách trong thỏa thuận vừa đạt được dựa trên đề xuất do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cách đây ba năm, theo đó giữ nguyên nguyên tắc hiện hành là quốc gia EU đầu tiên mà người xin tị nạn nhập cảnh phải chịu trách nhiệm về trường hợp của họ. Tuy nhiên, để hỗ trợ các quốc gia nằm ở tuyến đầu phải đối mặt với lượng lớn người di cư “đổ bộ” vào như các quốc gia Địa Trung Hải là Italia, Hy Lạp và Malta, một cơ chế đoàn kết bắt buộc được thiết lập để chia sẻ gánh nặng với những nước này.
Điều này đồng nghĩa các nước EU khác sẽ tiếp nhận một số lượng nhất định người di cư hoặc đóng góp khoản hỗ trợ tài chính nếu từ chối tiếp nhận. Bên cạnh đó, quá trình sàng lọc và kiểm tra những người xin tị nạn cũng sẽ được đẩy nhanh để những người di cư không đáp ứng tiêu chuẩn có thể nhanh chóng được hồi hương hoặc quay lại điểm trung chuyển.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đã hoan nghênh việc đạt được thỏa thuận mới của EU, nhấn mạnh điều này sẽ bảo đảm hệ thống tị nạn mới được thực hiện một cách “công bằng và có trật tự”. Bản thân Đức là một trong những quốc gia đã phải “oằn mình” gánh làn sóng di cư khi trong 11 tháng đầu năm nay, hơn 304.000 người nước ngoài đã nộp đơn xin tị nạn lần đầu ở Đức, tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với khoảng một triệu người tị nạn từ Ukraine, số lượng đăng ký tị nạn tăng mạnh đã khiến các thành phố ở Đức phải đối mặt với tình trạng quá tải người tị nạn và nhiều vấn đề xã hội phức tạp liên quan. Các thành phố đã nhiều lần phải “cầu cứu” chính phủ liên bang giúp giải quyết tình trạng này.
Việc các nước EU nhất trí về một cơ chế đoàn kết để cùng nhau đối phó vấn đề người di cư là tín hiệu tích cực nhằm tìm giải pháp cho một vấn đề cấp bách từng làm chia rẽ sâu sắc giữa các thành viên trong khối. Tuy nhiên, để tìm được một giải pháp toàn diện, cần sự phối hợp không chỉ giữa các nước EU mà còn cần sự chung tay hợp tác ở cấp châu lục. Châu Âu và châu Phi, hai điểm đầu-cuối của tuyến đường di cư qua Địa Trung Hải, cần ngăn chặn nguyên nhân sâu xa như đói nghèo, xung đột và thúc đẩy kinh tế, tạo việc làm, mới có thể giải quyết tận gốc rễ vấn đề.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương