Hệ lụy từ cuộc chiến dai dẳng
Đối đầu gay gắt
Tròn hai năm kể từ khi xung đột bùng nổ, lực lượng Nga và Ukraine vẫn trong thế giằng co trên chiến trường, bất chấp những nỗ lực tìm giải pháp hòa bình. Ukraine tiếp tục kêu gọi hỗ trợ quân sự quy mô lớn từ phương Tây. Tính đến thời điểm hiện tại, phương Tây đã cung cấp hoặc cam kết gửi vũ khí cho Ukraine nhiều hơn so với giai đoạn đầu của cuộc xung đột.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định lại những cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine mà các nước NATO đưa ra trong thời gian gần đây trị giá nhiều tỷ USD, đồng thời khẳng định sẽ có thêm những cam kết hỗ trợ mới. Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố tiếp tục ủng hộ Ukraine cả về tài chính, kinh tế, quân sự.
Mới đây nhất, EU đã phê duyệt gói viện trợ trị giá 54 tỷ USD; các thành viên châu Âu trong NATO cũng khẳng định cung cấp thêm vũ khí, khí tài cho Ukraine.
Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Estonia, các nước phương Tây cần đầu tư 0,25% GDP vào hỗ trợ quân sự cho Ukraine để Ukraine tiếp tục duy trì cuộc chiến trong năm 2024 và chuẩn bị cho một đợt phản công mới vào năm 2025.
Cuộc xung đột tại Ukraine đã đẩy căng thẳng giữa Nga và phương Tây lên một nấc thang mới với các động thái trừng phạt, đáp trả lẫn nhau ngày càng gay gắt. EU đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 13 đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Gói trừng phạt mới này nhằm vào gần 200 thực thể và cá nhân của Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã thông báo gói trừng phạt lớn nhất mà Mỹ áp đặt đối với Nga kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Các lệnh trừng phạt nhằm vào hơn 500 mục tiêu ở Nga trong các lĩnh vực tài chính, cơ sở công nghiệp quốc phòng và mạng lưới mua sắm quốc phòng.
Nhằm đáp trả gói trừng phạt mới nhất của phương Tây, Bộ Ngoại giao Nga mới đây thông báo, Moskva đã mở rộng danh sách quan chức và chính trị gia EU bị cấm nhập cảnh Nga. Nga sẽ áp đặt trừng phạt đối với những đại diện của cơ quan thực thi luật pháp và tổ chức thương mại của EU cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, đại diện của các thể chế EU liên quan đến các vụ truy tố quan chức Nga và những người có nhiệm vụ thu thập tài liệu liên quan việc tịch thu tài sản của Nhà nước Nga.
Trong danh sách trừng phạt còn có các quan chức của Hội đồng châu Âu (EC), các thành viên của hội đồng lập pháp các nước EU, các thành viên của Hội đồng Nghị viện Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE).
Trong khi đó, mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây càng được khoét sâu khi NATO kết nạp thêm Phần Lan vào tháng 4/2023 và bật đèn xanh cho Thụy Điển gia nhập khối quân sự này.
Hệ lụy khôn lường
Cuộc xung đột đã tàn phá kết cấu hạ tầng của Ukraine, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Giao tranh đã khiến hàng nghìn người thương vong, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và rất nhiều hạ tầng như trường học, bệnh viện bị hư hại.
Cuộc xung đột còn tác động tới toàn thế giới khi gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy giá lương thực và năng lượng tăng cao, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống của nhiều người, nhất là dân nghèo. Việc mất đi đối tác năng lượng hiệu quả nhất là Nga đã khiến châu Âu chao đảo. Giá năng lượng là một trong những tác nhân chính khiến Đức thiệt hại hơn 216 tỷ USD suốt thời gian hai năm xung đột ở Ukraine, khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu mất nguồn cung năng lượng từ Nga.
Mâu thuẫn nội bộ nhiều nước EU cũng bị khoét sâu, khi các biện pháp hỗ trợ của khối dành cho Ukraine bị coi là ảnh hưởng tới lợi ích của người dân, dẫn tới bùng phát làn sóng biểu tình của nông dân nhiều tháng qua.
Ngay cả tại Ba Lan, dù Vacsava luôn tuyên bố ủng hộ Ukraine, song các cuộc biểu tình phản đối của nông dân Ba Lan, với yêu cầu không nhập khẩu lúa mì từ Ukraine, gây bất đồng sâu sắc giữa hai nước. Nông dân Ba Lan trong những tuần qua đã phong tỏa biên giới giữa hai nước để phản đối xuất khẩu nông sản miễn thuế của Ukraine mà họ cho rằng làm giảm sản lượng trong nước.
Chính phủ Ba Lan tuyên bố rằng, Vacsava và Kiev còn lâu mới đạt được thỏa thuận về vấn đề nông sản của Ukraine. Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal khẳng định, Ukraine có quyền áp dụng các “biện pháp đáp trả”.
Trong khi đó, Nga được cho là đã tìm ra biện pháp hạn chế tác động từ chuỗi lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo số liệu của Tổng cục thống kê Liên bang Nga (Rosstat), tăng trưởng kinh tế của Nga năm 2023 là 3,6%, cao hơn cả những cam kết của chính phủ. Các nhà xuất khẩu dầu của Nga cũng thích ứng rất nhanh trước các biện pháp trừng phạt khi sản lượng dầu của Nga chỉ giảm 1% trong năm 2023 và xuất khẩu tiếp tục tạo ra ngoại hối cần thiết để ổn định thị trường trong nước.
Tuy nhiên, cả Nga và Ukraine đều chịu những tổn thất do xung đột kéo dài. Theo tính toán của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong hai năm tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã thiệt hại tới 211 tỷ USD. Theo một nghiên cứu phối hợp do Ngân hàng Thế giới, Liên hợp quốc, Ủy ban châu Âu và Chính phủ Ukraine công bố tháng 2/2024, việc tái thiết nền kinh tế Ukraine sau xung đột dự kiến tiêu tốn 486 tỷ USD, cao gấp 2,8 lần sản lượng kinh tế năm 2023 của nước này.
Tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về tình hình xung đột Nga-Ukraine, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Dennis Francis bày tỏ quan ngại rằng cuộc xung đột đang làm xói mòn nền tảng và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, phá vỡ sự cân bằng mong manh của các mối quan hệ quốc tế đúng vào thời điểm tinh thần đoàn kết, sự thống nhất và hợp tác có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề đa phương toàn cầu.
Người đứng đầu Đại hội đồng Liên hợp quốc cảnh báo, xung đột không chỉ gây phương hại trực tiếp cho các quốc gia liên quan, mà còn cản trở sự tiến bộ tại nhiều nước khác, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Ông hối thúc cộng đồng quốc tế cùng Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an, tăng gấp đôi nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng thể hiện quan ngại sâu sắc về nguy cơ leo thang xung đột, đồng thời nhấn mạnh hiện là thời điểm thiết lập nền hòa bình công bằng dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Xung đột Nga-Ukraine đã kéo theo nhiều cuộc khủng hoảng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống chính trị, kinh tế, an ninh quốc tế. Những hệ lụy chưa thể đong đếm đầy đủ và thế giới cần tăng cường nỗ lực tìm giải pháp chấm dứt xung đột, đem lại một nền hòa bình toàn diện, bền vững.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật