Thứ 7, 23/11/2024, 10:30[GMT+7]

Nguy cơ khủng hoảng lương thực lan rộng nhiều nơi trên thế giới

Thứ 6, 15/03/2024 | 11:59:41
1,547 lượt xem
Các tổ chức quốc tế cảnh báo khoảng 58,1 triệu người đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng ở vùng Sừng Lớn của châu Phi. Tuy nhiên, nỗi lo mất an ninh lương thực không chỉ hiện hữu ở châu Phi, mà còn là “bóng ma” ám ảnh nhiều nơi trên thế giới.

Ảnh minh họa: Người vô gia cư nhận thức ăn từ một chương trình cứu trợ dành cho người nghèo ở Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo chung của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Cơ quan Liên chính phủ về phát triển (IGAD) khu vực Đông Phi cho thấy, trong số 58 triệu người bị mất an ninh lương thực, có 30,5 triệu người đến từ sáu trong số tám quốc gia thành viên IGAD, gồm Djibouti, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda; số người còn lại đến từ Burundi, CH Trung Phi, CHDC Congo và Tanzania.

Theo FAO và IGAD, phần lớn người bị mất an ninh lương thực tập trung ở CHDC Congo với 23,4 triệu người, tiếp theo là Sudan với 17,7 triệu người. Hai tổ chức này nhấn mạnh, mức độ mất an ninh lương thực sau những trận mưa lớn và lũ lụt do hiện tượng khí hậu El Nino gây ra ở vùng Sừng châu Phi ngày càng trầm trọng.

Để giải quyết vấn đề cấp bách này, các tổ chức đang huy động mọi nguồn lực quốc tế. Cuối tháng 2 vừa qua, Liên hợp quốc thông báo đã phân bổ 17 triệu USD để giúp giảm bớt tình trạng đói nghèo ngày càng nghiêm trọng do ảnh hưởng của hạn hán ở miền bắc Ethiopia. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) nêu rõ, số tiền trên được trích từ Quỹ ứng phó khẩn cấp trung ương (CERF), phản ánh mối lo ngại sâu sắc về tác động của đợt hạn hán mới do hiện tượng El Nino gây ra, đang ảnh hưởng các khu vực rộng lớn của Ethiopia gồm Afar, Amhara và Tigray.

Theo OCHA, tình trạng mất an ninh lương thực ở quốc gia vùng Sừng châu Phi này sẽ gia tăng những tháng tới do mức độ nghiêm trọng của đợt hạn hạn tiếp theo. Dự báo hơn 10 triệu người trên khắp Ethiopia cần hỗ trợ lương thực trong mùa khô từ tháng 7 đến 9 năm nay.

OCHA vui mừng thông báo, nhờ những đóng góp của các nhà tài trợ cho Chính phủ Ethiopia, khoảng 6,6 triệu người đã kịp thời được hỗ trợ lương thực và tiền mặt. Tuy nhiên, OCHA nhấn mạnh cần có nhiều nguồn lực hơn nữa mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu nhân đạo ở Ethiopia, bởi khoản viện trợ trên chỉ như “gió vào nhà trống”. Để duy trì và mở rộng hoạt động nhân đạo trên khắp đất nước, Chính phủ Ethiopia kêu gọi hỗ trợ 3,24 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu của 15,5 triệu người đang cần giúp đỡ.

Trong khi đó, tại khu vực Mỹ Latin và Caribe, Haiti cũng đang bị “bóng ma” mất an ninh lương thực gõ cửa. Trước tình trạng cấp bách này, Liên hợp quốc kêu gọi các nước đóng góp 673,8 triệu USD hỗ trợ Haiti. Tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh nhấn mạnh, khoảng 45% dân số Haiti đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực, trong đó có 250.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Liên hợp quốc ước tính cần huy động 673,8 triệu USD để hỗ trợ 3,6 triệu người Haiti - một mục tiêu tham vọng trong bối cảnh các chiến dịch nhân đạo quốc tế thường xuyên trong tình trạng thiếu kinh phí.

Thực trạng này biến quốc gia vùng Caribe trở thành một trong những nước chịu khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trên thế giới. Tình hình an ninh xấu đi, các dịch vụ cơ bản bên bờ vực sụp đổ, tác động của nhiều năm hạn hán và thiên tai khiến 5,5 triệu người Haiti có nguy cơ cao bị tổn thương trong năm nay.

Liên hợp quốc ước tính cần huy động 673,8 triệu USD để hỗ trợ 3,6 triệu người Haiti - một mục tiêu tham vọng trong bối cảnh các chiến dịch nhân đạo quốc tế thường xuyên trong tình trạng thiếu kinh phí. Trong khi đó, tình trạng bạo lực bùng phát ở Haiti càng khiến người dân khó có thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản như y tế và giáo dục, khi các trường học giảm hoạt động hoặc buộc phải đóng cửa. Gần 600.000 trẻ em sống trong các khu vực do các băng nhóm tội phạm kiểm soát. Xấp xỉ một nửa dân số không tiếp cận được với nước uống sạch, gây quan ngại tại đất nước vốn bị dịch tả hoành hành những năm gần đây.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết, làn sóng bạo lực mới bùng phát đầu tháng 2 này buộc gần 10.000 người Haiti phải rời bỏ nhà cửa và khiến WEF không thể tiếp cận để hỗ trợ cho khoảng 370.000 người đang sống trong nguy hiểm và cùng cực. Những con số biết nói trên cho thấy một thực trạng nghiêm trọng đang phủ bóng đen lên cuộc sống của người dân quốc gia vùng Caribe, những người đang rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày