Thứ 7, 23/11/2024, 10:12[GMT+7]

Hàn Quốc ứng phó khủng hoảng ngành y tế

Thứ 7, 16/03/2024 | 18:06:29
1,367 lượt xem
Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng ngành y tế sau khi hàng nghìn bác sĩ trên toàn quốc đồng loạt nghỉ việc để phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y. Làn sóng nghỉ việc làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân và gây xáo trộn hệ thống y tế Xứ sở Kim chi.

Các bác sĩ Hàn Quốc biểu tình trước phủ tổng thống ở Seoul hôm 25/2. Ảnh: Reuters

Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ bác sĩ trên dân số của Hàn Quốc chỉ đạt mức 2,6 bác sĩ/1.000 dân, thấp hơn nhiều so mức trung bình 3,7 tại các nước thành viên OECD.

Ðáng lo ngại, Hàn Quốc đang chứng kiến xu hướng sụt giảm đáng kể số lượng bác sĩ trong các ngành thiết yếu như phẫu thuật, sản phụ khoa và nhi khoa. Nhiều bệnh viện ở ven đô thị hoặc nông thôn thường xuyên đối mặt tình trạng thiếu bác sĩ, buộc người dân phải di chuyển quãng đường xa để được khám, chữa bệnh.

Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết, đến năm 2035, nước này sẽ thiếu khoảng 15.000 bác sĩ. Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Cho Kyoo-hong nhấn mạnh, nếu lỗ hổng nhân sự không sớm được lấp đầy, hệ thống y tế sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng do tình trạng dân số già hóa nhanh chóng, thậm chí có thể rơi vào tình huống bị động nếu các dịch bệnh nghiêm trọng như Covid-19 xuất hiện.

Ðể giải tỏa sức ép về nhân lực cho ngành y tế, mới đây, Chính phủ Hàn Quốc công bố quyết định tăng thêm 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh trường y trong kỳ thi đại học năm 2025, lên thành 5.058 người, tức tăng 65,4% so chỉ tiêu tuyển sinh năm nay. Ðây là lần đầu Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y kể từ năm 1998. Giới phân tích cho rằng, quyết định thúc đẩy hoạt động đào tạo bác sĩ là cần thiết và phù hợp tình trạng khan hiếm nhân lực tại các bệnh viện ở khu vực nông thôn Hàn Quốc. Hạn ngạch nêu trên cũng không cao so mức của nhiều nước trên thế giới.

Theo Yonhap, tại Anh, quốc gia có quy mô dân số tương đương Hàn Quốc, chỉ tiêu tuyển sinh trường y là 8.639 người vào năm 2020. Ðức và Nhật Bản đều có số sinh viên y khoa khoảng 9.400 người và đang nỗ lực nâng con số này lên cao hơn thời gian tới.

Tình trạng bác sĩ thực tập nghỉ việc hàng loạt đe dọa kéo theo cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân tại Xứ sở Kim chi. Các chuyên gia mong muốn Chính phủ Hàn Quốc và các nhân viên ngành y sẽ sớm tìm được tiếng nói chung, bảo đảm hệ thống y tế hoạt động bình thường trở lại.

Nhiều người dân Hàn Quốc cũng đứng về phía chính phủ. Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây của Gallup, khoảng 76% số người được hỏi ủng hộ tăng chỉ tiêu tuyển sinh của trường y.

Tuy nhiên, quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ nhiều bác sĩ Hàn Quốc. Khoảng 10.000 bác sĩ thực tập, tương đương hơn 80% bác sĩ thực tập trên toàn quốc, đồng loạt nộp đơn xin nghỉ việc. Các bác sĩ cho rằng, việc tăng số lượng tuyển sinh có thể gây ra tình trạng dư thừa, trong khi nhiều nhân viên y tế chưa nhận được chế độ đãi ngộ tương xứng.

Báo cáo của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, với số liệu tính đến năm 2020, cho thấy sự chênh lệch thu nhập đáng kể giữa các bác sĩ nước này. Theo đó, bác sĩ các ngành nhãn khoa, phẫu thuật thần kinh và da liễu có thu nhập cao gấp đôi bác sĩ nhi khoa. Báo cáo cũng cho thấy sự chênh lệch về lương của bác sĩ tùy thuộc vào quy mô của cơ sở y tế nơi họ làm việc.

Làn sóng đình công kéo dài sang tuần thứ hai liên tiếp khiến hệ thống y tế Hàn Quốc rơi vào tình trạng quá tải, gây gián đoạn dịch vụ ở nhiều khu vực, đặc biệt tại một số bệnh viện đa khoa tuyến trên.

Khi số lượng bác sĩ nghỉ việc lên đến hàng chục nghìn người, trách nhiệm chăm sóc người bệnh đè nặng lên vai đội ngũ y tế còn trụ lại. Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc đưa ra nhiều biện pháp điều tiết để giảm thiểu căng thẳng cho ngành y tế như tạm thời cho phép các bệnh viện triển khai dịch vụ điều trị từ xa, kéo dài thời gian làm việc của bệnh viện công, tăng cường lực lượng bác sĩ quân y cho những bệnh viện đang rơi vào tình trạng quá tải do thiếu nhân lực…

Chính phủ kêu gọi các bác sĩ trở lại làm việc, đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực bảo đảm quyền lợi, môi trường làm việc thuận lợi, an toàn hơn cho nhân viên y tế. Chính phủ Hàn Quốc cũng đưa ra biện pháp cứng rắn khi cảnh báo sẽ đình chỉ giấy phép hành nghề đối với các bác sĩ không quay lại làm việc. Tuy nhiên, đến nay, phần lớn bác sĩ thực tập vẫn từ chối yêu cầu làm việc trở lại.

Tình trạng bác sĩ thực tập nghỉ việc hàng loạt đe dọa kéo theo cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân tại Xứ sở Kim chi. Các chuyên gia mong muốn Chính phủ Hàn Quốc và các nhân viên ngành y sẽ sớm tìm được tiếng nói chung, bảo đảm hệ thống y tế hoạt động bình thường trở lại.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày