Thứ 7, 23/11/2024, 11:06[GMT+7]

Tín hiệu tích cực của nền kinh tế Nhật Bản

Thứ 7, 31/08/2024 | 20:01:02
1,130 lượt xem
Lần đầu trong 15 tháng qua, Chính phủ Nhật Bản điều chỉnh đánh giá theo hướng tích cực hơn về tăng trưởng kinh tế của nước này với lý do tiêu dùng tư nhân có dấu hiệu phục hồi, dù còn khiêm tốn.

Ảnh: Reuters

Nhật Bản Trong bảy tháng đầu năm nay, nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới được cho là phục hồi ở tốc độ vừa phải, mặc dù dường như gần đây đang chững lại. Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ vượt dự báo, báo hiệu sự phục hồi sau đợt suy thoái trước đó, tạo động lực để Tokyo tiếp tục thực thi các chính sách nhằm chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế sang một giai đoạn mới.

Tương tự các đánh giá trong sáu tháng liên tiếp từ tháng 2 đến tháng 7, trong báo cáo tháng 8/2024, Văn phòng Nội các Nhật Bản nhận định, kinh tế trong nước đang "phục hồi với tốc độ vừa phải, dù có vẻ như đang chững lại một phần". Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản trong quý II vừa qua tăng 3,1%, đánh dấu lần tăng đầu trong hai quý. GDP có sự phục hồi sau khi suy giảm mạnh trong ba tháng đầu năm. GDP Nhật Bản lần đầu vượt qua mức 600.000 tỷ yen (4.000 tỷ USD). 

Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ vượt dự báo do được thúc đẩy bởi sự cải thiện trong tiêu dùng tư nhân và chi tiêu vốn, khi những tác động tiêu cực của vụ bê bối dữ liệu an toàn trong lĩnh vực ô-tô đã giảm bớt nhưng lạm phát vẫn dai dẳng do đồng tiền yen suy yếu. 

Đây cũng là lần đầu sau 15 tháng Nhật Bản điều chỉnh đánh giá theo hướng tích cực hơn về tiêu dùng cá nhân, khi lĩnh vực này phục hồi và trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. 

Tiêu dùng cá nhân, chiếm hơn một nửa GDP của Nhật Bản, tăng 1,0% sau bốn quý suy giảm, một sự phục hồi tương đương với giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính năm 2008. Một quan chức chính phủ cho biết, nắng nóng cực đoan vào mùa hè thúc đẩy doanh số bán máy điều hòa không khí, trong khi chi tiêu tiêu dùng cũng tăng nhờ doanh số bán ti-vi tăng mạnh trong thời gian diễn ra Olympic Paris 2024. Việc giảm bớt các tác động của vụ bê bối ô-tô đã góp phần làm tăng nhu cầu trong nước, bao gồm tiêu dùng tư nhân và đầu tư vốn, cũng như tăng xuất khẩu. Chi tiêu vốn cũng tăng 0,9%, mức tăng đầu tiên trong hai quý, khi các công ty Nhật Bản đầu tư vào tự động hóa để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, tình hình du lịch nước ngoài vẫn không thay đổi do giá đồng yen giảm.

Các số liệu GDP mạnh hơn dự kiến được coi là một kết quả tích cực của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền do Thủ tướng Kishida Fumio lãnh đạo, vốn dành nhiều nỗ lực nhằm giảm bớt lo ngại lạm phát cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, giá hàng hóa hằng ngày tăng cao đã gây áp lực nặng nề lên người tiêu dùng, đặt ra câu hỏi liệu nhu cầu trong nước có thể duy trì vững chắc hay không. Các chuyên gia kinh tế cũng đang theo dõi chặt chẽ về tính bền vững của đà tăng trưởng này. 

Chính quyền Thủ tướng Kishida nhấn mạnh đến nhu cầu tăng lương nhằm hỗ trợ các gia đình. Tiền lương thực tế đã tăng lần đầu sau hơn hai năm vào tháng 6 - một diễn biến tích cực cho người tiêu dùng. Trước đó, Nhật Bản đã ghi nhận chuỗi thời gian giảm tiền lương thực tế kỷ lục kéo dài 25 tháng do chi phí sinh hoạt tăng cao hơn mức tăng lương, vượt qua chuỗi giảm lương thực tế kéo dài 23 tháng từng ghi nhận giai đoạn 2007-2009. Tăng trưởng tiền lương mạnh hiện nay là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất lần thứ hai trong năm nay, với quyết định được đưa ra hồi tháng 7. Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết, có thể tăng lãi suất một lần nữa nếu lạm phát và nền kinh tế Nhật Bản diễn biến như mong đợi.

Viện dẫn những số liệu tích cực như mức tăng lương mạnh mẽ và mức đầu tư vốn của các doanh nghiệp trong nước, Chính phủ và BOJ khẳng định nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang trên đà phục hồi và chuyển đổi sang một giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, bất chấp những tăng trưởng tích cực, Nhật Bản đã mất vị thế là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào tay Đức trong năm tài chính 2023, một phần là do đồng yen suy yếu và sức cạnh tranh toàn cầu giảm. Nhật Bản tiếp tục phải đối mặt những khó khăn khi số liệu công bố mới đây cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI) của Nhật Bản trong tháng 7 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023, phù hợp kỳ vọng của BOJ nhưng tăng nhẹ so với tháng 6. Theo Bộ Nội vụ Nhật Bản, chi phí điện và khí đốt, thực phẩm chế biến và phí bảo hiểm ô-tô tăng là một trong những lĩnh vực góp phần vào sự gia tăng này. Trong khi đó, nợ công của Nhật Bản tăng lên mức kỷ lục hơn 1,311 triệu tỷ yen (9.000 tỷ USD) tính đến cuối tháng 6, lần đầu vượt mốc 1,3 triệu tỷ yen, cho thấy "sức khỏe tài chính" rất yếu của nước này.

Dù đang nỗ lực cắt giảm chi tiêu, Chính phủ Nhật Bản vẫn phải dựa vào phát hành trái phiếu để tài trợ cho khoảng một phần ba chi tiêu hằng năm của mình. Bên cạnh đó, chính phủ còn quyết định cắt giảm thuế thu nhập và thuế cư trú vào tháng 6 nhằm giảm lạm phát. Trong bối cảnh thị trường tài chính trong và ngoài nước vẫn biến động, Chính phủ Nhật Bản đứng trước không ít thách thức khi vừa phải duy trì sự phục hồi bền bỉ của nền kinh tế, vừa phải ứng phó những thay đổi trên thị trường.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày