Thứ 7, 16/11/2024, 17:39[GMT+7]

Hòa bình Trung Đông có dấu hiệu hồi sinh

Thứ 5, 19/09/2013 | 15:46:15
784 lượt xem
Ngày 18/9 Israel lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua đã nhất trí sẽ bắt đầu cho phép một khối lượng hạn chế vật liệu xây dựng vào dải Gaza, thông qua cửa khẩu Kerem Shalom; đồng thời bắt đầu xây dựng đường ống dẫn nước nhằm tăng gấp đôi lượng nước cung cấp cho khu vực này.

Xây dựng nhà tại Gaza (ảnhL intifada)

Đại diện nhóm Bộ tứ cho tiến trình hòa bình Israel - Palestine đã hoan nghênh quyết định này của Israel, cho đây là động thái giảm bớt việc bao vây phong tỏa dải Gaza; đồng thời là bước tiến quan trọng việc xây dựng bầu không khí tích cực cho các cuộc đàm phán hòa bình Israel - Palestine thời gian tới.

Sau 3 năm bế tắc, tiến trình hòa bình Trung Đông vừa qua đã bắt đầu được nối lại, cùng với đó là những dấu hiệu khá tích cực từ tất cả các bên, nhằm thúc đẩy tiến trình này đi vào thực chất. Bắt đầu từ tối 29/7 vừa qua, cuộc đàm phán tìm kiếm một nền hòa bình giữa Israel và Palestine đầu tiên đã chính thức được nối lại tại thủ đô Washington của Mỹ.

Chỉ vài giờ trước khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã chỉ định cựu đại sứ Mỹ tại Israel Martin Indyx làm đặc phái viên mới cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Ngoại trưởng Mỹ Kerry khẳng định, ông Martin Indyx có được sự tôn trọng và tin tưởng của các bên tham gia đàm phán, đồng thời với kinh nghiệm sau khi một thời gian dài làm Đại sứ tại Trung Đông, ông Indyx được tin tưởng sẽ giúp thúc đẩymột cách hiệu quả đàm phán hòa bình Israel-Palestine.

Một ngày sau khi cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên diễn ra, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiến hành các cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Tuyên bố sau điện đàm cho biết, Tổng thống Obama đã hoan nghênh tinh thần dũng cảm và sự lãnh đạo sáng suốt của nguyên thủ hai nước khi quyết định quay trở lại bàn đàm phán sau 3 năm đình trệ; đồng thời cam kết Mỹ sẽ nỗ lực hết sức trong việc giúp các bên đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Bên cạnh đó là việc Israel đã trả tự do đợt đầu tiên cho 26 tù nhân Palestine.

Còn trong diễn biến mới nhất, sau nhiều nỗ lực của chính quyền Palestine, Israel lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua đã cho phép vật liệu xây dựng gồm xi măng, sỏi và sắt vận chuyển vào dải Gaza, thông qua cửa khẩu Kerem Shalom. Israel cũng bắt đầu xây dựng đường ống dẫn nước, nhằm tăng gấp đôi lượng nước cung cấp cho dải Gaza từ 5 triệu m3 lên 10 triệu m3 một năm. Rõ ràng, những diễn biến tích cực này đang mở ra những tia hy vọng mới cho cuộc đàm phán hòa bình Israel - Palestine chuẩn bị diễn ra vào ngày 23/9 tới đây.

Tuy vậy, bên cạnh những tín hiệu tích cực vẫn còn những động thái chưa thực sự thiện chí từ phía Israel. Chẳng hạn ngay trước cuộc họp của các nhà đàm phán hồi giữa tháng 8 vừa qua, chính quyền Israel đã thông báo quyết định sẽ xây dựng 1.200 căn hộ mới tại các khu định cư Do Thái ở Đông Jerusalem và Bờ Tây. Điều này được cho là sẽ cản trở việc nối lại đàm phán hòa bình. Bên cạnh đó, chắc chắn những vấn đề cốt lõi trong tiến trình đàm phán hòa bình Israel - Palestine vẫn khó có thể dễ dàng tháo gỡ, bao gồm đường biên giới chính thức của nhà nước Palestine tương lai, quy chế của Jerusalem hay quyền trở về của những người tỵ nạn Palestine. Hay một số vấn đề quan trọng khác là việc Israel tiếp tục chiếm đóng các vùng đất của Palestine và việc cộng đồng quốc tế cộng đồng quốc tế công nhận nhà nước Palestine và việc thế giới Ả rập công nhận quyền tồn tại của Israel.

Nhìn lại gần 1 năm trước, tại kỳ họp thứ 67 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 27/11, bất chấp sự phản đối gay gắt của Mỹ và Israel lúc đó, Palestine đã giành được chiến thắng ngoại giao quan trọng khi Liên Hợp Quốc nâng cấp Palestine lên quy chế “Nhà nước quan sát viên phi thành viên”.

Và 1 năm sau, nhờ những nỗ lực ngoại giao con thoi của nhà trung gian hòa giải là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine bế tắc gần 3 năm qua đã được nối lại. Tuy vậy có thể thấy, những mâu thuẫn, bất đồng và sự nghi kỵ lẫn nhau luôn tồn tại vẫn sẽ là những rào cản rất khó gỡ, khiến hai bên khó lòng nhượng bộ nhau trên bàn đàm phán vào ngày 23/9 tới đây, cũng như các vòng đàm phán sau này. Lúc đó, nhiệm vụ quan trọng sẽ đặt lên vai trung gian hòa giải là Ngoại trưởng Mỹ. Tuy nhiên, để có thể thu hẹp tối đa khoảng cách trong lập trường và quan điểm của các bên, thì việc xây dựng lòng tin vẫn là yếu tố then chốt để mang lại những kết quả thiết thực cho tiến trình hòa bình Trung Đông vốn đã nhiều chông gai./.

Theo VOV

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày