Chủ nhật, 10/11/2024, 05:47[GMT+7]

Tiếp nối thành tựu phát triển, hướng tới xây dựng đất nước "Algeria mới"

Thứ 5, 19/09/2024 | 10:35:24
1,904 lượt xem
Tòa án Hiến pháp Algeria đã công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống, với chiến thắng áp đảo thuộc về đương kim Tổng thống Abdelmadjid Tebboune. Việc tổng thống đương nhiệm tái đắc cử là cơ hội để ban lãnh đạo đất nước tiếp tục thực thi các chính sách phát triển, hướng tới xây dựng đất nước "Algeria mới".

Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune phát biểu trong cuộc họp báo ở Algiers ngày 3/3/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chánh án Tòa án Hiến pháp Algeria, ông Omar Belhadj thông báo, Tổng thống Abdelmadjid Tebboune tái đắc cử với tỷ lệ phiếu ủng hộ đạt 84,3%, đánh dấu chiến thắng cách biệt so với hai đối thủ còn lại. Cụ thể, ứng cử viên Abdelaali Hassani Cherif đến từ đảng Phong trào Xã hội vì Hòa bình (MSP) theo đường lối Hồi giáo ôn hòa và ứng cử viên Youcef Aouchiche thuộc đảng Mặt trận Các Lực lượng xã hội (FFS) theo đường lối trung tả chỉ giành được tỷ lệ phiếu ủng hộ lần lượt là 9,56% và 6,14%. Trong cuộc bầu cử năm 2019, ông Tebboune đã được bầu làm Tổng thống Algeria với tỷ lệ phiếu ủng hộ là khoảng 58%.

Kết quả cuộc bầu cử vừa qua đã phản ánh sự kỳ vọng của người dân với các chính sách phát triển đất nước mà chính quyền Tổng thống Tebboune đang nỗ lực triển khai. Từ trước khi cuộc bầu cử diễn ra, báo chí và giới quan sát Algeria đã nhận định, không có ứng cử viên nào trong số hai ứng cử viên còn lại đủ năng lực vượt qua tổng thống đương nhiệm trong cuộc bầu cử lần này.

Algeria là một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Phi và là nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất tại châu lục này. Theo giới phân tích, trong nhiệm kỳ tổng thống vừa qua, ông Tebboune đã có được lợi thế từ việc giá khí đốt tự nhiên tăng cao kể từ năm 2022. Nhiệm kỳ qua cũng đánh dấu một số thành tựu đáng khích lệ trong nỗ lực xây dựng một nước "Algeria mới" như lời cam kết của ông. Đây chính là điểm tựa giúp nhà lãnh đạo này về đích thành công trong cuộc đua giành ghế tổng thống vừa qua.

Hồi tháng 3/2024, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá cao những nỗ lực của Algeria về cải cách nền kinh tế để đa dạng hóa, giảm phụ thuộc vào dầu khí, kích thích tăng trưởng khu vực tư nhân, giúp thúc đẩy việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp của Algeria đã giảm còn 12,25% vào năm 2023, từ mức hơn 14% trong thời kỳ đại dịch Covid-19 năm 2020. Algeria vừa được chấp thuận làm thành viên của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).

Trong các cuộc vận động tranh cử, ông Tebboune cam kết tạo 450.000 việc làm mới, thúc đẩy cơ hội phát triển cho thanh niên, hỗ trợ các doanh nhân trẻ, bảo đảm củng cố hệ sinh thái khởi nghiệp trên khắp cả nước. Tuy vậy, vẫn có nhiều nhiệm vụ khó khăn chờ đợi đội ngũ lãnh đạo Algeria ở phía trước. Theo Arab News, về kinh tế, chính phủ nước này phải nỗ lực hết sức đa dạng hóa nền kinh tế để giảm phục thuộc vào dầu mỏ. Ngoài ra, IMF cảnh báo, tình trạng thâm hụt ngân sách cao do mức chi tiêu lớn có thể khiến nền tài chính công của Algeria dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế.

Về địa chính trị, các cuộc đảo chính liên tiếp diễn ra ở nhiều nước châu Phi đang tạo sự hỗn loạn trong khu vực, khoét sâu tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng và mất an ninh ở các nước. Nhiệm vụ đoàn kết người dân tại Algeria cũng không dễ dàng khi nước này từng chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng cách đây không lâu.

Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, thế giới chứng kiến nhiều biến động khó lường. Trong bối cảnh đó, việc Algeria vẫn đạt được những thành tựu đáng khích lệ về kinh tế-xã hội đã cho thấy hiệu quả trong chính sách cải cách của ông Tebboune nói riêng và ban lãnh đạo quốc gia châu Phi này nói chung. Đây cũng là động lực để các nhà lãnh đạo tiếp tục dẫn dắt đất nước phát triển đúng hướng.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày