Thứ 7, 23/11/2024, 11:44[GMT+7]

Kỳ vọng bước ngoặt về tài chính khí hậu

Thứ 3, 24/09/2024 | 07:56:01
1,612 lượt xem
Azerbaijan, nước chủ nhà Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), vừa công bố các mục tiêu cần đạt được tại COP29 và phác thảo hơn một chục sáng kiến nhằm nâng cao tham vọng về khí hậu. Giữa lúc thiên nhiên dồn dập gióng hồi chuông báo động về khủng hoảng khí hậu, COP29 được kỳ vọng sẽ chứng kiến những bước tiến thực chất, rõ ràng trong các vấn đề gai góc nhất.

COP29 đến gần, các nước vẫn chia rẽ trong vấn đề tài chính khí hậu. (Ảnh: COP29)

Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa COP29 sẽ diễn ra ở Baku, Azerbaijan, nhưng thế giới lại đang có dấu hiệu “hụt hơi” trong triển khai các giải pháp bảo vệ hành tinh xanh. Những vấn đề hóc búa như chia sẻ đóng góp về tài chính khí hậu, giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch… vẫn gây nhiều tranh cãi giữa các bên.

Ngày càng có nhiều vụ kiện nhằm vào các công ty trên toàn cầu liên quan đến biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, nước chủ nhà COP29 gánh vác trách nhiệm nặng nề phải vạch ra phương hướng để đưa hội nghị sắp tới đạt được các kết quả mang tính bước ngoặt, giúp ngăn chặn những “bước trượt dài” trong thực hiện các mục tiêu khí hậu hiện nay.

Nổi bật nhất trong số các mục tiêu mà Azerbaijan đề ra cho COP29 là thống nhất về mức tài trợ hằng năm mới mà các nước giàu sẽ chi để giúp các quốc gia nghèo ứng phó biến đổi khí hậu. Azerbaijan còn đưa ra 14 sáng kiến nhằm nâng cao tham vọng về khí hậu của các nước, trong đó có sáng kiến xây dựng một quỹ mới được các quốc gia và công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch tự nguyện đóng góp.

Bất đồng về tài chính khí hậu đã gây khó khăn cho các cuộc đàm phán COP trước đây, khi các nước phát triển gây ra nhiều khí phát thải bị chỉ trích không có đóng góp tương xứng.

Bất đồng về tài chính khí hậu đã gây khó khăn cho các cuộc đàm phán COP trước đây, khi các nước phát triển gây ra nhiều khí phát thải bị chỉ trích không có đóng góp tương xứng. Bộ trưởng Sinh thái Azerbaijan Mukhtar Babayev nhận định, đây là một trong những vấn đề gai góc nhất và các bên đều có các quan điểm mạnh mẽ, có cơ sở.

Theo thống kê, các nước giàu đã cam kết đóng góp khoảng 661 triệu USD vào Quỹ tổn thất và thiệt hại, song con số này chỉ như “muối bỏ bể” so với mức hơn 400 tỷ USD mà giới chuyên gia cho là các nước đang phát triển cần mỗi năm để bù đắp tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra.

Hồi tháng 6/2024, Hội nghị tham vấn của Liên hợp quốc về khí hậu diễn ra tại Bonn (Ðức), vốn được coi là hội nghị trù bị cho COP29, đã kết thúc trong bế tắc bởi các nước bất đồng về vấn đề tài chính. Các nước không nhất trí về mức đóng góp, đối tượng được ưu tiên tài trợ, hình thức sử dụng. Một số nước lập luận rằng, các quốc gia có lượng khí thải và năng lực kinh tế cao, như Trung Quốc hay các quốc gia dầu mỏ, nên tham gia đóng góp.

Theo Euronews, một vấn đề gây chia rẽ khác là việc cung cấp tài chính nên bằng hình thức quỹ hay khoản vay. Các nước đang phát triển cho rằng, các khoản vay không nên được tính vào đóng góp của các nước phát triển. Ðối với các nước giàu, hàng loạt thách thức như triển vọng kinh tế toàn cầu bấp bênh, xung đột ở Ukraine và Trung Ðông… cũng cản trở việc san sẻ trách nhiệm tài chính.

Với sự gia tăng tần suất hiện tượng thời tiết cực đoan, cuộc khủng hoảng về khí hậu đang dần chạm đến điểm “không thể quay đầu”. Ðợt lũ lụt nặng nề vừa tàn phá Trung Âu hay nắng nóng cực độ tại châu Á, châu Phi trong mùa hè cho thấy, ứng phó khủng hoảng khí hậu phải trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các nước.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, kỷ nguyên “sôi sục toàn cầu” đã thay thế kỷ nguyên “nóng lên toàn cầu”. Theo Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), khu vực Bắc Bán cầu đã trải qua mùa hè năm 2024 nắng nóng kỷ lục, kéo dài thêm chuỗi kỷ lục về nhiệt độ đáng báo động và làm gia tăng khả năng năm 2024 sẽ là năm nóng nhất từ trước đến nay.

Hội nghị COP29 sắp tới được dư luận gọi là “COP tài chính”, khi đặt mục tiêu đưa ra các quyết định quan trọng về tài chính khí hậu. Tuy nhiên, với các vấn đề còn tranh cãi hiện nay, các cuộc đàm phán về khí hậu sẽ gặp nhiều chông gai do mâu thuẫn lợi ích giữa các nước

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày