Thứ 5, 14/11/2024, 11:13[GMT+7]

Châu Âu trước áp lực từ di cư bất hợp pháp

Thứ 5, 10/10/2024 | 07:59:15
1,638 lượt xem
Hơn một tuần trước Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), 17 quốc gia châu Âu đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) thúc đẩy việc hồi hương người di cư bất hợp pháp. Di cư là chủ đề “nóng” trong các cuộc bầu cử tại châu Âu vừa qua và ngày càng nhiều quốc gia siết chặt chính sách với người tị nạn.

Người di cư cập cảng La Restinga ở El Hierro thuộc quần đảo Canary, Tây Ban Nha, ngày 31/10/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Reuters cho biết, 14 quốc gia thành viên EU cùng 3 quốc gia thuộc Khu vực tự do đi lại Schengen gồm Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein đã cùng ký đơn kiến nghị gửi EC, yêu cầu EU đẩy nhanh kế hoạch hồi hương người di cư trái phép. Đức, Pháp và Italia - các nước có vị thế, tiếng nói quan trọng tại EU - cũng nằm trong số quốc gia nêu trên. Các nước kiến nghị rằng, EU cần một hệ thống chính sách chặt chẽ hơn với các nghĩa vụ hợp tác rõ ràng từ những người được hồi hương. 17 quốc gia nêu trên còn kêu gọi EC đề xuất một luật mới về giam giữ những người di cư bất hợp pháp gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia sở tại.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh sự ủng hộ dành cho các đảng cực hữu chống nhập cư đang tăng lên ở Lục địa già. Tại Đức, quốc gia từng nhiều lần mở rộng vòng tay chào đón người di cư, những vụ tấn công liên tiếp do các thành phần cực đoan thực hiện đã trở thành “chất xúc tác” tạo nên chiến thắng của đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) trong cuộc bầu cử tại bang Thuringia. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên một đảng cực hữu tại Đức đứng đầu một cuộc bầu cử cấp bang kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai và có ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Quốc hội liên bang Đức vào tháng 9/2025. Tại Áo, đảng Tự do (FPO) cực hữu cũng giành chiến thắng lịch sử trong cuộc tổng tuyển cử mới đây. Những diễn biến này cho thấy sự ủng hộ ngày càng tăng của cử tri đối với các đảng cực hữu ở châu Âu, chủ yếu do lo ngại về tình trạng nhập cư trái phép.

Dưới sức ép chính trị từ các đảng cực hữu và để xoa dịu mối lo ngại của người dân, chính phủ một số nước đã đi theo đường lối cứng rắn hơn trong vấn đề di cư. Từ ngày 16/9, Đức mở rộng kiểm soát biên giới đối với chín quốc gia láng giềng nhằm ngăn chặn dòng người di cư. Nhà chức trách thiết lập các trạm kiểm soát tạm thời tại các cửa khẩu đường bộ và kiểm tra tại chỗ, nhằm hạn chế tình trạng di cư trái phép và ngăn chặn sớm các phần tử Hồi giáo cực đoan. Chỉ trong 7 tháng tính từ đầu năm 2024, số người nhập cảnh trái phép vào Ðức đã lên khoảng 50.000 người.

Tại Pháp, Thủ tướng Michel Barnier tuyên bố sẽ có những chính sách mạnh tay hơn về quản lý nhập cư; đồng thời cho biết, Pháp sẽ có những động thái tương tự Đức về việc kiểm soát biên giới song vẫn tuân thủ các quy tắc của EU. Trong khi đó, Liên minh cánh hữu cầm quyền ở Hà Lan cho biết sẽ áp dụng các quy tắc nhập cảnh nghiêm ngặt chưa từng thấy.

Việc Đức và một số nước đưa ra các biện pháp kiểm soát biên giới gây lo ngại sẽ “giáng đòn mạnh” vào sự tự do di chuyển qua biên giới nội bộ, một trong những nguyên tắc cốt lõi của EU.

Việc Đức và một số nước đưa ra các biện pháp kiểm soát biên giới gây lo ngại sẽ “giáng đòn mạnh” vào sự tự do di chuyển qua biên giới nội bộ, một trong những nguyên tắc cốt lõi của EU. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Cộng hòa Séc Hana Mala nhận định, một quyết định như vậy có thể gây ra “hiệu ứng domino” trên toàn khu vực. Chính sách siết chặt kiểm soát biên giới còn tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế, làm ảnh hưởng việc lưu thông hàng hóa, gây chậm trễ, gián đoạn chuỗi cung ứng. Vấn đề di cư sẽ nằm trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo EU tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 17 và 18/10 tới.

Sau gần một thập niên, khủng hoảng di cư vẫn là nỗi ám ảnh với Lục địa già, nhất là khi nhiều khu vực trên thế giới còn chìm trong khói lửa giao tranh, xung đột. Các nước châu Âu đang loay hoay trước những lựa chọn khó khăn, giữa một bên là trách nhiệm nhân đạo quốc tế và một bên là trách nhiệm bảo đảm ổn định trong nước. Việc một số nước tự tìm cách giảm áp lực từ nạn di cư bất hợp pháp, trong đó có kiểm soát biên giới, cho thấy EU cần sớm thống nhất ý chí, nguồn lực và chính sách chung, thay vì để xảy ra tình trạng “mạnh ai nấy làm” như hiện nay.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày