Thứ 7, 23/11/2024, 06:27[GMT+7]

"Nút thắt" trên bàn đàm phán

Thứ 6, 08/11/2024 | 08:11:27
1,114 lượt xem
Sau nhiều tháng trì hoãn, các đại diện đến từ 194 quốc gia thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa nối lại các cuộc đàm phán liên quan hiệp ước toàn cầu về đại dịch, với nhiều kỳ vọng về một thỏa thuận sẽ được thông qua vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực thỏa hiệp của các nước, vấn đề chia sẻ nguồn lực ứng phó dịch bệnh tiếp tục là "nút thắt" khó gỡ trên bàn đàm phán.

Ảnh: Reuters

Nỗ lực đàm phán hiệp ước toàn cầu về đại dịch được khởi động cách đây gần ba năm, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, làm rung chuyển hệ thống y tế thế giới, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế thế giới. Hiệp ước nhằm lấp các lỗ hổng trong hệ thống y tế thế giới, ngăn chặn việc tái diễn tình trạng bất bình đẳng được phơi bày rõ ràng trong đại dịch Covid-19, đồng thời giúp các nước sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó với các đại dịch trong tương lai. Tuy nhiên, trải qua 11 vòng đàm phán với những kỳ vọng và nỗ lực không ngừng nghỉ của các nước thành viên và WHO, hiệp ước vẫn chưa thể cán đích. Trong bối cảnh đó, quyết định nối lại tiến trình đàm phán đã mở ra một cuộc chạy đua nước rút nhằm hoàn thiện hiệp ước để trình lên Ðại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) thông qua vào hạn chót là tháng 12 tới. Nếu tiếp tục lỡ hẹn mốc thời gian này, cơ hội thông qua hiệp ước sẽ tiếp tục bị trì hoãn đến tháng 5/2025.

Giờ G sắp điểm, song giới chuyên gia lo ngại, các cuộc đàm phán về hiệp ước đại dịch toàn cầu có thể tiếp tục rơi vào bế tắc do các nước không tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề liên quan chia sẻ thông tin dịch bệnh, vaccine, phương pháp xét nghiệm và điều trị. Ðây là "nút thắt" khó gỡ nhất trong tiến trình đàm phán đầy cam go kéo dài gần ba năm qua. Nhiều nước đang phát triển cho rằng không công bằng khi họ có thể phải cung cấp các mẫu virus để giúp phát triển vaccine và phương pháp điều trị nhưng sau đó lại không đủ khả năng chi trả cho những vaccine này.

Theo các chuyên gia, năng lực sản xuất các sản phẩm y tế ở các nước Bắc bán cầu không thể đủ để đáp ứng nhu cầu trên toàn cầu. Do đó việc chuyển giao công nghệ và thành lập trung tâm sản xuất ở các nước Nam bán cầu để mở rộng quy mô sản xuất là vô cùng quan trọng để san bằng khoảng cách trong tiếp cận vaccine và dịch vụ y tế. Tuy nhiên, đến nay, bài toán này vẫn chưa tìm được lời giải.

Với quan điểm dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, một số nước đang nghiêng về xu hướng chỉ tập trung vào việc thiết lập khung cơ bản để hiệp ước sớm được thông qua. Các bất đồng còn tồn tại, trong đó có vấn đề tiếp cận và chia sẻ tài nguyên trong trường hợp xảy ra đại dịch, sẽ được thảo luận chi tiết tại các cuộc đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều nước, trong đó có các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), mong muốn giải quyết tất cả khúc mắc trước khi thông qua thỏa thuận.

Nhấn mạnh sự cấp thiết phải sớm hoàn thiện hiệp ước, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, "thời gian không đứng về phía chúng ta" vì nguy cơ bùng phát đại dịch tiếp theo sẽ chỉ là vấn đề thời gian chứ không phải là có xảy ra hay không.

Theo người đứng đầu WHO, dịch bệnh là nỗi lo thường trực với thế giới. Hiện virus Marburg gây chết người đang bùng phát, cúm gia cầm lan rộng và lây sang người, Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, trong khi đậu mùa khỉ vẫn được coi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi vừa đưa ra cảnh báo, đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ vẫn chưa được kiểm soát, khi số ca mắc đã tăng hơn 500% so với năm ngoái.

Không chỉ với các nước nghèo, dịch bệnh cũng gây nguy cơ lớn cho các nước phát triển. Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge cho biết, trong 5 năm qua, 25 trong số 53 quốc gia thành viên WHO tại châu Âu đã xảy ra ít nhất một tình huống y tế khẩn cấp.

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, khi đại dịch xảy ra, không quốc gia nào có thể đơn phương vượt qua. Hợp tác chính là "chìa khóa" quan trọng để thế giới cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Tổng Giám đốc WHO kêu gọi các nước sớm vượt qua những khác biệt để tiến tới một thỏa thuận giúp thế giới ứng phó hiệu quả hơn những mối đe dọa về sức khỏe trong tương lai.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày